25/09/2018 08:03 GMT+7 | Bóng đá Việt
(lienminhbng.org) - Nhiều ngày nay, người ta vẫn so sánh thành công của Hà Nội FC và HAGL, ý muốn ám chỉ, tiêu chí mà đội bóng phố Núi đã và đang theo đuổi là không hợp thời. Thậm chí, nó không phải là bóng đá. Phần lớn đều có lý, bởi bóng đá đơn thuần là thành tích.
Nhưng nếu lật lại gần 20 năm trước, thời điểm năm 2000-2001, HAGL thực sự là hình mẫu của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, với việc kéo về cầu thủ hay nhất Đông Nam Á vào thời điểm đó là Kiatisuk Senamuang, chỉ để đá giải hạng Nhất quốc gia.
Sau Kiatisuk, cảm giác như mọi ngả đường đều dẫn về phố Núi. Từ những ngôi sao hàng đầu bóng đá Thái Lan như Tawan, Chukiat, Dusit, đến Văn Sỹ Hùng, Hữu Đang, Việt Thắng, Quốc Vượng…, đều tề tựu về Hàm Rồng. HAGL đã mở ra cơ chế chuyển nhượng cho bóng đá chuyên nghiệp ở Việt Nam, sau đó mới tới Ngân hàng Đông Á, Đồng Tâm Long An, B.Bình Dương…
Sau HAGL, với dải ngân hà được khóa đuôi bởi Lee Nguyễn, Thonglao, Sakda, Evaldo, Agostinho…, mới đến những "đại gia" mới nổi kiểu V.Ninh Bình, XMXT Sài Gòn và thậm chí cả B.Bình Dương, chứ đừng nói Hà Nội FC (với tên gọi tiền thân là Hà Nội T&T) ở thời kỳ đầu. Thực tế, giai đoạn 2004-2008, đất Thủ đã là điểm đến lý tưởng của rất nhiều ngôi sao, từ quốc nội đến Tây. Kesley Alves và Philany là những ngoại binh được đánh giá là hay nhất trong lịch sử V-League, chỉ thành công khi khoác áo B.Bình Dương. Như Thành được tái sinh, cũng trong màu áo đội bóng đất Thủ. Thế Anh, Hữu Thắng cũng là những trường hợp tương tự, sau khi rời Ngân hàng Đông Á.
Trở lại với câu chuyện giữa HAGL và Hà Nội FC hôm nay, nó đơn thuần là chuyện của thời thế. Thời của bầu Đức, bầu Thắng đã qua rồi, với tư duy làm bóng đá kiểu cũ, không hợp thời, cộng với những vấn đề kinh doanh ngoài bóng đá. Bầu Hiển của Hà Nội FC còn có thế mạnh rõ nét là thuộc cấp của ông lại rất tinh thông. Nó tạo ra sự khác biệt với cơ chế bóng đá Việt Nam vào thời điểm hiện tại.
Ở Pleiku gần như không có phản biện, anh Ba (tức bầu Đức) muốn gì, ở dưới cứ thế mà làm. Dưới anh Ba, mệnh lệnh được truyền đi, BHL và đội ngũ làm kỹ thuật, cứ thế mà thực thi. Dưới đội ngũ làm kỹ thuật là các cầu thủ, chỉ cần một hành vi phạm lỗi rất bình thường trên sân cỏ, cũng ngay lập tức bị lên án. Bởi, ông chủ tối cao của họ không muốn những hình ảnh xấu xí.
Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức có thể là một người yêu, thậm chí say mê bóng đá cuồng nhiệt, có công lớn trong phát triển nền bóng đá và hệ thống các giải đấu, có tinh thần dân tộc cao, với khát vọng tự cường cho bóng đá xứ sở…, nhưng ông Đức không biết đế bóng. Bầu Đức có thể là một doanh nhân cực kỳ thành đạt, với bộ não quản lý tuyệt vời, nhưng ông lại không am tường và quản lý bóng đá, ít nhất về khía cạnh chuyên môn. Và nó là khởi thủy cho rất nhiều những vấn đề với thuộc cấp của ông, chỉ biết gật, chứ không bao giờ biết lắc.
Công Phượng, Xuân Trường, Văn Toàn, Văn Thanh…, đôi chục con người được đánh giá lá hay nhất trong lịch sử đào tạo trẻ Việt Nam, chắc chắn không tự nhiên mà thất bại ở cấp CLB. Trong khi đó, cũng bằng với những cầu thủ tương đương, Hà Nội FC lại thành công. Thế không phải là khâu điều hành, quản lý, làm chuyên môn, phản biện, thấy sai và sửa sai, thì còn là cái gì?!
TÙY PHONG
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất