Tiền đạo Lê Công Vinh: 'HLV người Nhật Bản sẽ tốt cho bóng đá Việt Nam'

03/04/2014 14:59 GMT+7 | Các ĐTQG

(lienminhbng.org) - Việt Nam sẽ thành công nếu học tập cách làm bóng đá của xứ sở mặt trời mọc, đó là khẳng định của tiền đạo Lê Công Vinh với Thể thao & Văn hóa cuối tuần.

Lê Công Vinh là cầu thủ duy nhất của Việt Nam được sang Nhật Bản thi đấu theo dạng xuất khẩu cầu thủ. Và dấu ấn của cầu thủ này để lại đối với CLB Sapporo trong 4 tháng ở đây cũng ấn tượng để họ sẵn sàng ký tiếp hợp đồng năm thứ 2. Tuy nhiên vì tình nghĩa đối với SLNA mà Vinh ở lại.

* Trong thời gian qua đã có rất nhiều ý kiến được nêu lên khi Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng khẳng định muốn mời HLV người Nhật Bản cho ĐT Việt Nam. Với nhiều năm kinh nghiệm ở các cấp độ ĐT cùng với sự trải nghiệm ở ngay trong giải bóng đá nhà nghề Nhật Bản, theo ý kiến chủ quan của Vinh thì liệu chúng ta có thể thành công?

- Tôi nghĩ là thành công vì bóng đá Nhật Bản đã từng thành công với 1 HLV bản địa, và bây giờ tất cả các đội bóng trong giải nhà nghề Nhật Bản đều sử dụng HLV người Nhật Bản. Và như ta biết đất nước bạn đã là nền bóng đá số 1 ở châu Á. Họ thành công từ các ĐT trẻ đến việc dự World Cup. Vì thế ý tưởng dùng HLV người Nhật sẽ tốt cho bóng đá Việt Nam.

* Là cầu thủ thi đấu ở cả 2 nền bóng đá, Công Vinh có cảm nhận như thế nào về cách làm bóng đá của Việt Nam và Nhật Bản, xa hơn bóng đá Việt Nam có thể học hỏi được điều gì ở nền bóng đá số 1 châu Á hiện nay?

- Tôi nghĩ bóng đá Nhật Bản thành công được như hiện nay thì bước đầu cũng phải đi học hỏi các nền bóng đá khác tiên tiến hơn,nhưng tôi biết họ có chọn lựa nền bóng đá giỏi nhưng phải phù hợp với thể hình, con người của Nhật Bản. Bây giờ nền bóng đá Nhật đứng đầu châu Á nhưng họ vẫn không quên tiêu chí phát triển dựa trên nền tảng người Nhật, đó là lối chơi kỹ thuật, đan bóng ngắn.

Và quan trọng hơn, đến giờ họ vẫn có sự hỗ trợ cho bóng đá bản địa phát triển cho dù có rất nhiều cầu thủ ngoại quốc sang Nhật thi đấu. Vì thế, tôi nghĩ những bài tập luyện, những chính sách của bóng đá Nhật Bản rất đáng để Việt Nam học tập để phát triển nền bóng đá phù hợp với thể trạng của người Việt Nam.

* Trong các CLB Nhật Bản khi tiến lên chuyên nghiệp họ cũng cần thuê các ngoại binh ngôi sao chất lượng về thi đấu ở giải quốc nội giống như V-League hiện nay. Công Vinh là cầu thủ ngoại được thuê về thi đấu kiểu như thế. Đâu là điểm khác biệt giữa nền bóng đá chuyên nghiệp Nhật Bản và Việt Nam trên phương diện tìm kiếm ngoại binh?

- Tôi nghĩ rằng các CLB Nhật Bản đã xác định ngay vấn đề từ việc học hỏi thông qua việc thuê cầu thủ ngoại. Vì thế gần như tất cả các CLB đều xác định thuê các cầu thủ có chất lượng kỹ thuật tốt, chủ yếu từ Brazil, Argentina và các nước Nam Mỹ, ngoài ra còn có một số cầu thủ gốc châu Á.

Họ rất hạn chế thuê các cầu thủ ngoại có quốc tịch châu Âu. Quan điểm bóng đá Nhật Bản là họ không phù hợp với lối đá của các cầu thủ châu Âu khi thể lực, thể hình khác biệt. Đặc biệt các CLB Nhật Bản không thuê các cầu thủ châu Phi vì Nhật Bản cho rằng họ không học hỏi được gì từ lối đá, kinh nghiệm của những cầu thủ người châu Phi. Gần như các CLB ở Nhật Bản đến cấp độ các ĐT đều tuân thủ lối đá theo chiến thuật 4-2-3-1.

Vì thế khi tiếp cận với nền bóng đá lớn khác họ không bỡ ngỡ vì họ là một tập thể thống nhất phát huy được thế mạnh của mình. Mặc dù CLB Nhật Bản đều thuê cầu thủ ngoại nhưng trong thi đấu đều không phụ thuộc vào cầu thủ ngoại. Nhiều cầu thủ ngoại không phù hợp với lối đá, họ sẵn sàng cho đá dự bị.

Ở Việt Nam các CLB chuyên nghiệp chủ yếu thuê các cầu thủ ngoại gốc châu Phi để tận dụng sự to khỏe, càn lướt tì đè để ghi bàn, và rất nhiều CLB hoàn toàn phụ thuộc vào ngoại binh nên không thể xây dựng được lối đá bản sắc riêng của CLB theo đúng thể trạng, thể hình của người Việt Nam. Sự hợp nhất của các CLB Việt Nam đã không trở thành một khối thống nhất thì khó mà xây dựng được một phong cách lối đá chiến thuật của riêng chúng ta.

* Năm 2009 Công Vinh từng có một chuyến thi đấu ngắn hạn tại CLB Leixoes (Bồ Đào Nha), khi trở về anh nói đó là chuyến đi để học hỏi. Sau này khi sang thi đấu cho CLB Sapporo Vinh cũng từng nói sẽ quyết tâm học hỏi kinh nghiệm của nền bóng đá số 1 châu Á. Vậy bây giờ, Công Vinh nhận thấy mình đã học hỏi được gì từ 2  chuyến đi đó?

- Tôi nghĩ rằng mình đã lớn lên rất nhiều sau chuyến thi đấu tại Bồ Đào Nha năm 2009. Tôi được tiếp thu rất nhiều từ một nền bóng đá phát triển như Bồ Đào Nha, ngoài ra còn có thể nhìn nhận bao quát hơn về khả năng chuyên môn của mình, cũng như giúp cho mình nghị lực sống, phải làm chủ bản thân ở một môi trường khắc nghiệt

hơn và phải tự bươn chải một mình. Chuyến đi đó đã giúp cho tôi nhiều thứ, giúp cho tôi tự tin hơn. Và những tháng thi đấu ở Nhật Bản là quãng thời gian quý báu của cuộc đời cầu thủ khi được trải nghiệm và học hỏi một nền bóng đá mới, chuyên nghiệp hơn.

Tôi nghĩ môi trường bóng đá và chất lượng cầu thủ khác nhau thì tất nhiên tính chuyên nghiệp cũng khác. Bóng đá Nhật Bản là nền bóng đá số 1 châu Á, họ có rất nhiều thứ để các nước Đông Nam Á như Việt Nam học hỏi. Cầu thủ thi đấu ở Nhật Bản được chăm sóc chu đáo về cuộc sống, nhưng lại đòi hỏi cao về chế độ làm việc khi tính đào thải trong bóng đá Nhật Bản rất cao. Cầu thủ Nhật Bản có lòng tự trọng cao và chịu khó học hỏi tất cả những gì mang lại lợi ích cho họ, kể cả với tôi.

* Được trải nghiệm cuộc sống, lao động ở CLB của Nhật Bản anh cảm nhận như thế nào về công tác đào tạo trẻ của các CLB Nhật Bản?

- Nếu nói để cảm nhận hết tất cả các CLB Nhật thì tôi chưa có dịp tìm hiểu hết, nhưng ở CLB Sapporo thì biết chút ít. Họ là CLB  chuyên nghiệp nên rất chú trọng việc đào tạo cầu thủ trẻ. Các cầu thủ khi được lựa chọn đều được hướng dẫn tận tình của các HLV, nhất là phía CLB Nhật Bản luôn có các bài học ngoại khóa cho các cầu thủ trẻ được tiếp xúc với thần tượng hoặc những cầu thủ ngoại quốc hướng dẫn để tạo động lực cho các em thi đấu. Tôi cũng đã từng có buổi như thế khi phía CLB chủ động mời tôi giao lưu. Đó cũng là cách làm tốt.

* Điều gì ấn tượng với  Vinh về bóng đá Nhật Bản?

- Đó là khán giả. Tất cả trận đấu nào ở đó các khán đài đều kín khán giả. Họ cổ động rất nhiệt tình, cháy lửa nhưng lại rất văn minh. Cho dù đội nhà có thua thì khán giả vẫn cổ vũ cho đến hết trận đấu. Khi tôi thi đấu,phía CLB đã chuẩn bị rất nhiều cờ Việt Nam để phát cho những CĐV người Việt vào sân cổ vũ cho tôi. Cách làm ấy đã thu hút được rất nhiều CĐV Việt Nam ở nhiều tỉnh thành khác đến xem Sapporo thi đấu. Đó là cách tạo mối tương tác giữa CĐV, CLB và cầu thủ để khiến cho cầu thủ, CĐV sẽ hết mình với CLB.

- Xin cảm ơn Công Vinh về cuộc trao đổi!

Đại Nghĩa (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm