05/07/2023 05:34 GMT+7 | Bóng đá Việt
Ra đời từ thập niên 30 của thế kỷ trước, rồi hồi sinh vào đầu những năm 1980. Chẳng ai dám tin rằng, các cô gái đá bóng Việt Nam từ chỗ phải tập chui, tập trốn, đá bóng bằng những đôi chân trần, chế độ đãi ngộ gần như không có... vậy mà giờ đã biến giấc mơ FIFA World Cup thành hiện thực.
90 năm ấy là những câu chuyện tưởng như là kỳ tích!
1. Từ đội bóng nữ Cái Vồn khi xưa, đến ngày hồi sinh...
Bóng đá cũng như nhiều môn thể thao hiện đại khác theo chân người Pháp vào Việt Nam vào đầu thế kỷ 20, rồi nhanh chóng phát triển mạnh ở cả 3 miền của đất nước. Theo các tài liệu cũ, thuở ấy bóng đá chưa thành nghề mưu sinh và người chơi bóng chỉ xem đây là một thú tiêu khiển, và tập luyện nhằm nâng cao sức khỏe là chính yếu.
Ấy vậy mà vào khoảng năm 1932, ở miệt Cần Thơ lại xuất hiện đội bóng nữ Cái Vồn với các cầu thủ xuất thân là học sinh, tá điền sức vóc tốt có độ tuổi 18-20. Vài năm sau, có thêm đội nữ mang tên Bà Trưng ở Rạch Giá, Long Xuyên. Theo nhiều nguồn sử liệu, vào những dịp lễ Tết, các đội bóng nữ này thường lên Sài Gòn để đá... biểu diễn.
Rồi tới năm 1933, đội nam Paul Bert vốn là nhà vô địch giải hạng Nhì đánh tiếng mời đội nữ Cái Vồn thi đấu giao hữu ở sân Mayer (ở Sài Gòn cũ, nay đã không còn). Trận cầu này diễn ra với rất đông khán giả đến xem và kết quả hai đội hòa với tỷ số 2-2 trong vui vẻ!
Vì nhiều những lý do, bóng đá nữ sau đó không tồn tại. Phải mãi tới năm 1984, ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ nhiệm CLB bóng đá Lam Sơn, sau là Trưởng phòng TDTT Quận 5 và ông Trần Thanh Ngữ, Trưởng phòng TDTT Quận 1 thành phố TP.HCM là những người đầu tiên nghĩ đến việc đưa chị em phụ nữ đến với bóng đá một cách chuyên nghiệp. Lúc đó, nhiều VĐV ở các môn khác như điền kinh, đá cầu, cầu mây, thậm chí cả những chị bán bánh mì, đạp xe ba gác, bán đồ ăn dạo... rủ nhau đến tập bóng đá.
Cũng ở bước hồi sinh ấy mọi thứ chẳng dễ dàng gì. Có lẽ ít người còn nhớ chuyện, một lãnh đạo ngành TDTT TP.HCM lúc đó còn tuyên bố "cấm" bóng đá nữ, ông này còn đi "lùng sục" những điểm tập bóng của chị em để ngăn cản. Nhưng rồi từ TP.HCM, bóng đá nữ lan ra phía Bắc với 2 trung tâm lớn là Hà Nội, Quảng Ninh với những đội bóng đầu tiên là Hoa học trò, Công ty Than Cẩm Phả, để làm nên bước hồi sinh ngoạn mục.
2. Chưa có giải VĐQG, nhưng đã có... đội tuyển quốc gia!
Bóng đá nữ Việt Nam chính thức hình thành từ năm 1990 với 3 trung tâm chính là TP.HCM, Hà Nội và Quảng Ninh, một số giải đấu cũng đã được tổ chức, nhưng vẫn chưa hề có mặt trong hệ thống thi đấu quốc gia.
Vậy nhưng đến năm 1997, khi Thể thao Việt Nam mở cuộc "tổng tiến công" vào đấu trường SEA Games 19 diễn ra ở Indonesia, bằng chiến lược "đi tắt, đón đầu" đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam chính thức được thành lập và nhanh chóng được nhận diện là 1 trong những thế mạnh của thể thao nước nhà. Khá thú vị là khi ấy, ông Mai Đức Chung - cựu danh thủ bóng đá Tổng cục Đường sắt được giao trọng trách cầm quân và ngay ở lần ra quân, giải Tiền SEA Games 19, đội bóng đá nữ Việt Nam đã giành được chức vô địch.
Tại kỳ SEA Games đó, dù chỉ giành hạng Ba chung cuộc, nhưng bóng đá nữ Việt Nam đã chính thức trở thành đội tuyển nữ hàng đầu khu vực. Tính cho đến nay, các cô gái Việt Nam đã giành được3 chức vô địch giải vô địch Đông Nam Á vào các năm 2006, 2012 và 2019. Tại SEA Games, những "cô gái kim cương" đã vượt qua Thái Lan để lập kỷ lục 8 lần lên ngôi Hậu vào các năm 2001, 2003, 2005, 2009, 2017, 2019, 2021 và 2023, điều mà những đồng nghiệp nam còn... mơ chưa thấy!
Tương tự, ở đấu trường châu lục như Cúp châu Á, ASIAD... dù chưa thể đi đến những trận đấu cuối cùng, nhưng trong nhiều năm nay, bóng đá nữ Việt Nam đã có mặt trong Top 5 đại gia bóng đá nữ châu Á cùng Australia, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc!
3. Thăng trầm giấc mơ World Cup
Số 1 Đông Nam Á, Top 5 châu Á... vị thế của bóng đá nữ Việt Nam không phải bàn cãi. Tuy nhiên, nằm ở châu lục có quá nhiều "chị đại" của làng cầu thế giới, đương nhiên, ngay cả những người mộng mơ nhất trong giới cũng không bao giờ dám... mơ đến suất tham dự World Cup, nhưng cơ hội lại đến thật bất ngờ.
Sau khi vượt qua vòng loại, Việt Nam tiếp tục là chủ nhà của giải vô địch bóng đá nữ châu Á 2014 và đây cũng là vòng loại World Cup nữ 2015 khu vực châu Á. Không nằm ngoài dự đoán, 4 đội bóng nữ mạnh nhất châu lục gồm Nhật Bản, Australia, Trung Quốc và Hàn Quốc đã giành 4 suất đầu tiên dự World Cup, nhưng chiếc vé thứ 5 vẫn mở ra cho đội tuyển Việt Nam khi gặp Thái Lan ở trận đấu cuối cùng.
Lợi thế sân nhà, được dẫn dắt bởi chuyên gia Trung Quốc nhiều kinh nghiệm Trần Vân Phát, vậy nhưng sân Thống Nhất chiều ngày 21/5/2014 chỉ là những giọt nước mắt đầy tiếc nuối - Đội tuyển nữ Việt Nam đã để thua Thái Lan 1-2, mất tấm vé dự World Cup vào tay đại kình địch.
Tới Asian Cup nữ 2022 tổ chức tại Ấn Độ cũng là vòng loại World Cup bóng đá nữ 2023, đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam dưới sự dẫn dắt của HLV Mai Đức Chung mới thêm lần nữa chạm vào giấc mơ World Cup và hiện thực nó bằng ý chí, bằng tinh thần tuyệt vời của những người phụ nữ Việt Nam.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến chỉ còn đủ 1 đội hình ra sân ở những trận đầu tiên vì dịch bệnh, rồi không ngoài dự đoán khi thua Nhật Bản và Hàn Quốc 0-3, đội tuyển nữ Việt Nam chỉ vào tứ kết sau trận hòa chật vật 2-2 trước Myanmar. Thầy trò HLV Mai Đức Chung dù thua tiếp Trung Quốc tại tứ kết, tuy nhiên đã đánh bại Thái Lan và Đài Bắc Trung Hoa ở vòng đấu loại trực tiếp để giành quyền tham dự giải vô địch bóng đá nữ thế giới 2023, kỳ World Cup đầu tiên trong lịch sử của bóng đá Việt Nam.
Có thể khẳng định, dù trải qua không ít khó khăn và có biết bao thăng trầm, bóng đá nữ Việt Nam vẫn chứng tỏ được sức sống mãnh liệt và thành công đạt được cho đến thời điểm này với đỉnh cao là tấm vé dự World Cup 2023. Đó chính là minh chứng rõ rệt nhất tinh thần và ý chí Việt Nam.
Bóng đá nữ Việt Nam đã trải qua nhiều đời HLV như Trần Thanh Ngữ (1997), Steve Darby (Singapore - 2001), Mai Đức Chung (2003-2005), Giả Quảng Thác (Trung Quốc - 2006), Trần Ngọc Thái Tuấn (2006), Ngô Lê Bằng (2007), Vũ Bá Đông (2010), Trần Vân Phát (Trung Quốc - 2007- 2010) và hiện nay, HLV Mai Đức Chung có nhiệm kỳ làm việc dài hạn nhất và thành công nhất với đội tuyển bóng đá nữ quốc gia Việt Nam, mà đỉnh cao là tấm vé tham dự World Cup 2023.
***
Dù gặp hái được nhiều kỳ tích trên đấu trường quốc tế, nhưng nền tảng phát triển của bóng đá nữ Việt Nam vẫn là bài toán chưa có lời giải. Giải bóng đá nữ VĐQG cho đến nay vẫn chỉ 7 đội tham dự, trong đó Hà Nội và TP.HCM mỗi địa phương có đến 2 đội cùng Hà Nam, Than Khoáng sản Việt Nam, Thái Nguyên.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất