Bóng đá TP.HCM kỳ vọng ở tương lai

04/01/2013 13:28 GMT+7 | Bóng đá Việt

(lienminhbng.org) - Đó là câu khẩu hiệu của bóng đá TP.HCM được ông Chủ tịch Liên đoàn bóng đá TP.HCM (HFF) Trần Anh Tú trịnh trọng tuyên bố trong năm mới 2013. Và cũng vì ngày mai nên có lẽ phải đợi thêm nhiều thời gian nữa, những hiệu quả của nó mới được nhìn nhận.

Dẫn lời ông Tú, bóng đá TP.HCM thời điểm này gần như bắt buộc phải đập mới cả hệ thống tư duy bao cấp cũ kỹ của những người tiền nhiệm để xây mới hoàn toàn. Bởi lẽ, trong hoàn cảnh kinh tế đất nước thời hưng thịnh, bóng đá TP.HCM có thể sống khỏe nhờ cơ chế xin-cho dưới cái mác chuyên nghiệp.



SG.XT (áo cam) vẫn chưa phải là đội bóng đích thực của TP.HCM. Ảnh: Quang Nhựt

Nhiều năm liền, dưới sự phù phép của các ông bầu, bóng đá TP.HCM có tới 3 CLB chuyên nghiệp khiến sân Thống Nhất phải hoạt động hết tần suất để phục vụ. Nhưng khi cả làng cùng ôm bụng, người ta không thể mãi sống mòn với tư duy cũ.

Dưới thời của tân Chủ tịch Trần Anh Tú, HFF đang có những tầm nhìn vươn xa hơn. Có thể ghi nhận thông điệp bóng đá vì ngày mai qua những hành động như đưa bóng đá mini vào các trưởng tiểu học.

Đây là định hướng được ông Tú nhấn mạnh là quan trọng nhất trong nhiệm kỳ của mình. Lần đầu tiên đã có một giải đấu gắn kết tất cả các trường tiểu học trên địa bàn TP.HCM tham gia tranh tài trong nhiều tháng liền năm 2012.

Hiệu quả của mô hình này nhằm hướng đến việc truyền lửa đam mê cho các em học sinh, thế hệ tương lai của đất nước. Cách tìm nhân tài thể thao quốc gia từ học đường không có gì mới mẻ đối với thế giới.

Nó vừa nâng cao thể chất cho công dân, vừa là bộ mặt đại diện cho quốc gia đó. Nhưng để duy trì định hướng này trong nhiều năm nữa là cả một vấn đề. HFF xác định không có nghĩa vụ đào tạo trẻ cho bất cứ ai mà đó là nhiệm vụ của CLB, của Sở VH-TT&DL.

Song HFF vẫn phải có trách nhiệm kề vai sát cánh cùng sự phát triển của phong trào. Ngoài việc cung cấp, đào tạo nhân sự là các HLV cho các trường học, HFF cũng liên kết với Sở VH-TT&DL cùng Sở GD-ĐT TP.HCM và các TTTT quận, huyện nhằm tạo ra sân chơi cho học sinh.

“Những gì chúng tôi đang làm chẳng có gì mới mẻ cả, đó là sao chép cách làm của FIFA, AFC áp dụng trên toàn thế giới mà thôi. Thế giới họ làm được, không lẽ TP.HCM này chúng ta không làm được”, ông Tú nói.

Song ông Tú cũng không phủ nhận cái hạn chế của HFF hiện tại là với số nhân lực ít ỏi, hiệu quả công việc của các nhân viên dưới tư duy mới sẽ đến mức nào?!

Năm 2013, HFF đặt mục tiêu tổ chức hơn 50 giải đấu lớn nhỏ trên địa bàn. Và vấn đề đầu tiên họ nghĩ đến là tiền đâu, bởi hoàn cảnh kinh tế khó khăn hiện tại không cho phép các doanh nghiệp vứt tiền qua cửa sổ.

“Nhà tài trợ đòi hỏi các sự kiện bóng đá HFF tổ chức phải thu hút được khán giả. Càng đông người quan tâm thì họ mới chịu bỏ tiền tài trợ”, ông Nguyễn Quốc Hưng, Phó Chủ tịch HFF phụ trách tiếp thị tài trợ, thẳng thắn nêu vấn đề.

Nếu muốn tồn tại bền vững, HFF phải chú trọng hơn nữa vấn đề này. Thế nên, lần đầu tiên ở HFF, một ban Kế hoạch Truyền thông và Tiếp thị đã ra đời. Sau khi nâng cấp trang web www.hff.vn, HFF dự kiến sẽ tăng cường các hoạt động truyền thông kết nối CĐV và các tổ chức xã hội. Những thông tin về sân bãi, cầu thủ, các giải đấu sẽ được xây dựng và hình thành nhiều gói sản phẩm để bán cho nhà tài trợ.

Để tồn tại, HFF phải thay đổi về tư duy. Nhưng phải chờ rất lâu nữa, hiệu quả của sự đổi mới này mới cụ thể hóa. Vì là ngày mai và chưa rõ là khi nào nên thời hoàng kim của bóng đá Sài thành giờ chỉ còn trong hồi ức.

Việt Hòa
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm