25/12/2017 06:09 GMT+7 | Bóng đá Việt
(lienminhbng.org) - Bức tranh bóng đá nội đã phát tiết một phần qua VCK U21 QG và quốc tế. Vấn đề, qua những giải này mới thấy nền tảng bóng đá Việt Nam vẫn còn thấp.
U21 Yokohama lần thứ 2 được mời đến tham dự giải U21 quốc tế và thầy trò HLV Tomonobu Hayakawa đã khiến nhiều người thán phục với triết lý bóng đá mà người Nhật mang lại. Không hoa mỹ, ồn ào phô trương, sự khiêm tốn và hiệu quả của người Nhật là thứ bóng đá Việt luôn hướng tới để học hỏi.
HLV Đoàn Minh Xương theo dõi và bình luận giải đấu này thích thú cho biết ấn tượng lớn nhất mà bóng đá Nhật Bản làm được là sự thống nhất triết lý bóng đá chung cho mọi cấp CLB đến ĐTQG. Xem U21 Yokohama thi đấu không khác U20 Nhật Bản tham dự giải giao hữu M150 Cup và xa hơn ĐTQG cũng sử dụng lối chơi tương tự.
Việc xây dựng nền móng kiên định từ bóng đá trẻ giúp các cầu thủ Nhật không khó thích nghi từ đội trẻ đến đội lớn. Cái được lớn nhất của người Nhật chính là sự đồng thuận của cả nền bóng đá vì mục đích chung. Thực tế, người làm bóng đá Việt Nam thừa biết chuyện này và không ít lần bàn tính tới các “Hội nghị Diên Hồng”, nhưng rốt cuộc, mọi thứ “vũ như cẫn”.
U21 Yokohama sau 2 lần vô địch U21 Quốc tế đã cho các đội bóng Đông Nam Á thêm phần kiêng nể sức mạnh người Nhật. Đáng nói hơn, cả giải họ chỉ sử dụng 16 người. Sau giải năm nay, HLV Tomonobu Hayakawa ngụ ý muốn giải đấu trên đất Việt Nam có sự tham dự của những khách mời chất lượng hơn.
Lý do là bởi chỉ có thi đấu với đối thủ mạnh, các cầu thủ trẻ của họ mới có cơ hội “lên chân” nhanh hơn thay vì “cùn” khi chạm trán đội bóng yếu. U21 Yokohama mang tiếng với tên gọi U21 nhưng đội hình của họ chỉ thực sự có 3 cầu thủ chạm ngưỡng 21 tuổi được gọi lên đội 1 (ít có cơ hội ra sân), còn lại đa phần từ 17-19 tuổi.
HLV lão làng Petrovic của FLC Thanh Hóa từng cho biết ở độ tuổi lên 10, các cầu thủ chuyên nghiệp thế giới đã được học tư duy chiến thuật và đến năm 18, họ đã ý thức được rành mạch điều đó. Lứa tuổi 20 thực tế các cầu thủ đã phải lao vào môi trường cạnh tranh khắc nghiệt để tìm chỗ đứng chứ không chỉ đơn thuần tham dự các giải trẻ. Thế nên các cầu thủ không nên dựa vào các giải U để viện dẫn mình “hãy còn trẻ” và còn tương lai rất dài để phấn đấu.
Các lò đào tạo đang bão hòa
Việc Hà Nội và Khánh Hòa, 2 CLB lọt đến trận chung kết U21 QG năm ngoái, thậm chí không thể đến VCK năm nay phần nào cho thấy sự thiếu bền vững của các lò đào tạo khi tiến xa hơn.
HLV Trần Minh Chiến cho rằng việc đào thải của bóng đá chuyên nghiệp là bình thường. Muốn các tài năng phát huy tiếp để trụ lại đỉnh cao cần rất nhiều sự đầu tư, từ phương pháp huấn luyện tiên tiến, môi trường thi đấu, dinh dưỡng…
Với CLB Hà Nội, họ cũng không đủ nhân tài thay thế hàng loạt trụ cột ở đội 1 đã luống tuổi hoặc chuyển đến CLB khác. Một lò đào tạo khác cũng đóng chân tại thủ đô là Viettel chắc chắn không thể khiến các CĐV trung thành của Thể Công hài lòng. Bởi lẽ ngoài vài cái tên như Hoàng Đức, Ngọc Sơn, Trọng Đại, Viettel cũng không quá nổi bật so với những CLB khác khi cạnh tranh ở các sân khấu lớn.
Thành công của HAGL ở giải U21 QG 2017 là chiến quả của 10 lần tham dự VCK. Riêng HLV Trịnh Duy Quang, phải “quá tam ba bận”, ông thầy gốc Quy Nhơn mới có thể lần đầu làm nên lịch sử cho bóng đá Gia Lai nói chung và bầu Đức nói riêng. Bài học của HAGL phản ánh chữ “Nhẫn” trong công tác đào tạo trẻ. Song cũng như những lò danh tiếng khác, ai cũng thấy “những đứa trẻ nhà bầu Đức” khốn khó ra sao khi bước lên sàn diễn đỉnh cao.
Đúc kết lại, bóng đá trẻ Việt Nam xuất hiện nhiều dấu hiệu tích cực thời gian qua nhưng đến đỉnh cao là một bức tranh hoàn toàn khác. Làm sao để các tài năng trẻ không phải chỉ mãi ở dạng tiềm năng có lẽ là vấn đề gai góc không kém cách tìm ra hướng đi đúng cho cả nền bóng đá.
Việt Hà
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất