Các đội bóng Trung Quốc bạo chi: Bóng đá châu Âu và nỗi ám ảnh... domino

27/12/2016 13:13 GMT+7 | Champions League

(lienminhbng.org) - Hai thương vụ gây sốc, hai mức lương kỷ lục, vượt xa cả Cristiano Ronaldo và Lionel Messi, bóng đá Trung Quốc lại khiến cả thế giới phải chú ý với bộ đôi Carlos Tevez cùng Oscar.

Tham vọng xưng bá toàn cầu ngày càng được thể hiện rõ rệt. Phải chăng đã đến lúc châu Âu, miền đất hứa của môn thể thao Vua, coi đó là vấn đề nghiêm túc?

Ronaldo hay Messi có chịu kém Tevez?

40 triệu đô la/năm cho một tiền đạo 32 tuổi, 26 triệu/năm cho một tiền vệ 25 tuổi, người bị thất sủng tại Chelsea. Những mức lương “tàn bạo” cho những cầu thủ chất lượng dù không phải ở đẳng cấp hàng đầu tưởng chừng như chẳng có hệ lụy gì sâu xa nhưng thực tế, bài toán kinh tế cho bóng đá châu Âu đang dần lộ diện và nó sẽ là vấn đề nan giải nếu người Trung Quốc tiếp tục thể hiện sức mạnh tiền bạc năm nay qua năm khác.

Ở kỳ CNMĐ năm ngoái, 5 trong 6 thương vụ lớn nhất gắn liền với giải VĐQG Trung Quốc. Liverpool bị Giang Tô Tô Ninh cuỗm tay trên với tiền đạo của Shakhtar Donetsk, Alex Teixeira. Jackson Martinez thì quyết định rời ông lớn Atletico Madrid, theo tiếng gọi đồng tiền để đến với Quảng Châu Evergrande. Arda Turan là trường hợp hiếm hoi ngoảnh mặt với lời đề nghị 105 triệu đô la trong 5 năm từ châu Á để ở lại châu Âu.

Tờ Marca: Trụ cột của Real Madrid đã 'đặt một chân rưỡi' tới Trung Quốc

Tờ Marca: Trụ cột của Real Madrid đã 'đặt một chân rưỡi' tới Trung Quốc

Hôm Chủ nhật vừa qua, tờ L'Equipe của Pháp loan tin rằng "siêu cò" Jorge Mendes đang đàm phán với một đội bóng Trung Quốc về vụ chuyển nhượng Angel Di Maria của PSG.

Năm ngoái chỉ là bước tiếp theo trong tham vọng nâng tầm giải đấu đã bắt đầu từ 2 năm trước của các CLB Trung Quốc. Họ không có một giải đấu danh giá hay chuyên môn cao nhưng họ dùng tiền để đánh bật các CLB châu Âu. Với chính sách “cái gì không mua được bằng tiền thì mua được bằng rất nhiều tiền”, Trung Quốc đang là điểm đến hấp dẫn thứ 5 trong thế giới bóng đá.  

Thử hỏi nếu bạn là Ronaldo và Messi, bạn sẽ nghĩ sao nếu một cầu thủ như Tevez nhận tiền lương cao gấp rưỡi mình? Có thể 2 siêu sao của La Liga vẫn vượt trội khoản thu nhập nhưng chắc chắn họ sẽ không vui nếu bị đem tiền lương ra so sánh, đó là tâm lý dễ hiểu của một ngôi sao hàng đầu khi nhìn về một cầu thủ ở đẳng cấp thấp hơn hẳn. Từ đó, hệ lụy sẽ đến, cụ thể là mặt bằng chi phí bóng đá tại châu Âu.

“Nếu cậu ấy là cầu thủ hay nhất thế giới, cậu ấy phải hay nhất ở mọi khía cạnh của bóng đá, kể cả vấn đề kinh tế”, Chủ tịch Barca, Josep Maria Bartomeu, nói về Messi, người đang trong quá trình đàm phán hợp đồng mới với đội chủ sân Nou Camp. Messi có quyền mong đợi những gì xứng đáng với vị thế của mình và tất nhiên anh chẳng quan tâm đến vấn đề mang tính vĩ mô. Cả Ronaldo, cả Gareth Bale, Luis Suarez, Neymar… rồi cũng sẽ như vậy. Người Trung Quốc cứ vung tiền thì mớ bong bóng ở châu Âu sẽ càng phình to, quy luật domino từ đó diễn ra theo cách thông thường.

Người Trung Quốc sẽ không dừng lại?

Nhiều người sẽ cho rằng các cầu thủ hàng đầu không đời nào chịu đến vùng trũng Trung Quốc, điều đó có thể đúng nhưng cũng có thể không. Những cầu thủ ở tuổi 25 như Oscar rồi sẽ nhiều hơn, những người vừa trải qua ít khó khăn tại châu Âu, sẽ cạn kiệt động lực vì đồng tiền. Ngoài ra, với túi tiền không đáy của người Trung Quốc, giá trị cầu thủ tại châu Âu sẽ còn bị thổi phồng hơn nữa, thậm chí còn rõ rệt hơn cả Premier League ở thời điểm hiện tại.

Có cảm giác, Trung Quốc sẽ khác với những giải đấu ở Nga, Brazil hay Ấn Độ. Họ được Chủ tịch Tập Cận Bình, một người hâm mộ bóng đá, hỗ trợ hết mình. Vị Chủ tịch còn muốn Trung Quốc đầu tư vào bóng đá 800 tỷ đô cho đến năm 2025. Người Trung Quốc vô cùng tham vọng, họ muốn thế giới có cái nhìn khác về họ, bao gồm cả môn thể thao Vua. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp lớn, chủ yếu là bán tư nhân, đầu tư mạnh tay vào bóng đá để có cơ hội dấn thân và khẳng định chỗ đứng nơi chính trị. Đó là lý do tại sao, các CLB tiêu tiền mạnh đến thế và tên của họ đều được gắn tên doanh nghiệp. Bóng đá vì thế trở thành một lĩnh vực hấp dẫn tại quốc gia này. Được biết, bản quyền truyền hình đã tăng từ 13 triệu đô trong năm 2015 lên 200 triệu đô trong năm 2016.

Vì vậy, không có lý do gì mà những năm tới, các thương vụ kỷ lục sẽ dừng lại. Lúc đó, bóng đá thế giới chứ không riêng gì châu Âu có thể sẽ bước sang một trang mới mà chẳng mấy tích cực.

Từ Sơn
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm