Bóng đá Trung Quốc: Tiền bạc vẫn không thể mua được thành công

23/10/2016 07:05 GMT+7 | Thể thao

(lienminhbng.org) - Trung Quốc đã nổi như cồn trên bản đồ bóng đá thế giới vài năm qua, nhưng không phải vì một thành tựu nào đó, mà là cách họ tiêu tiền, khiến ngay cả những ông chủ giàu có ở các đội bóng hàng đầu châu Âu cũng phải kiêng nể.

Nỗi hổ thẹn mang tên bóng đá

HLV Gao Hongbo đã buộc phải từ chức ngay trong cuộc họp báo ở Tashkent sau thất bại 0-2 của đội tuyển Trung Quốc trước chủ nhà Uzbekistan ở vòng loại World Cup 2018 khu vực châu Á. HLV 50 tuổi này tuyên bố sau thất bại bẽ mặt trước Syria ngay trên sân nhà rằng ông sẽ từ chức nếu Trung Quốc không thể thắng Uzbekistan, và ông đã giữ lời.

Trận thua Uzbekistan khiến Trung Quốc vẫn phải chôn chân ở vị trí bét bảng A với vỏn vẹn 1 điểm sau 4 trận, và dù vòng loại vẫn còn tới 6 trận nữa, ngay cả người lạc quan nhất cũng không tin rằng Trung Quốc có thể giành một trong hai vị trí đầu tiên để lấy vé trực tiếp tới Nga. Và ngay cả vị trí thứ 3, đồng nghĩa với một suất đá play-off (giữa hai đội xếp thứ 3 của bảng A và B, và đội thắng sẽ gặp đội xếp thứ 4 khu vực CONCACAF để giành vé dự World Cup), cũng là nhiệm vụ khó khăn với Trung Quốc nếu nhìn vào tinh thần rệu rã của họ hiện tại.

Clip Trung Quốc thua Uzbekistan ở vòng loại World Cup 2018


“Ở các đội bóng hàng đầu Trung Quốc, xương sống trong đội hình của họ chủ yếu là các cầu thủ nước ngoài. Các cầu thủ Trung Quốc không có nhiều cơ hội ra sân và do vậy, chúng tôi gặp khó khăn khi triệu tập họ lên tuyển”, Gao Hongbo chua chát nói trong cuộc họp báo cuối cùng trên cương vị HLV Trung Quốc. 


Shanghai SIPG chiêu mộ Hulk từ Zenit với giá 47,5 triệu bảng

Các đội bóng Trung Quốc đã chi khoảng 440 triệu USD chỉ trong năm 2016 này để đưa những ngôi sao ngoại quốc về giải vô địch quốc gia của họ (Chinese Super League), tức không kém gì một giải đấu lớn nào của châu Âu. Chỉ trong năm 2016, các đội bóng Trung Quốc đã liên tiếp phá vỡ kỷ lục chuyển nhượng của chính họ, mà đỉnh điểm là thương vụ Shanghai SIPG chiêu mộ Hulk từ Zenit với giá 47,5 triệu bảng, đồng thời là kỷ lục châu Á. Trước đó, Alex Teixeira đến Jiangsu Suning với giá 42,5 triệu bảng, Jackson Martinez gia nhập Guangzhou Evergrande với 38 triệu bảng…


Marcello Lippi đã được bổ nhiệm làm HLV đội tuyển Trung Quốc

Chưa kể các công ty giàu có của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới còn thâu tóm hoặc mua cổ phần của nhiều CLB ở Anh, Italy, Tây Ban Nha. Kể từ đầu năm 2015 tới nay, các đại gia Trung Quốc đã đầu tư khoảng 2 tỷ USD vào bóng đá của cựu lục địa. Mục tiêu của người Trung Quốc khi chi tiền không tiếc tay là rất rõ ràng: họ muốn nâng cấp giải VĐQG, tạo ra ảnh hưởng lên bóng đá thế giới với mục đích biến Trung Quốc thành một đội tuyển mạnh.

CẬP NHẬT tối 22/10: Lippi chính thức dẫn dắt tuyển Trung Quốc. Trở lại Man United là giấc mơ của Pogba

CẬP NHẬT tối 22/10: Lippi chính thức dẫn dắt tuyển Trung Quốc. Trở lại Man United là giấc mơ của Pogba

Marcello Lippi chính thức trở thành HLV đội tuyển Trung Quốc, Juventus đang hy vọng có thể chiêu mộ Thiago Silva như Pirlo, Antonio Conte: “Trở lại Man United là giấc mơ của Pogba” là những tin tức đáng chú ý trong bản tin tối ngày 22/10.


Nhưng cho tới lúc này, tiền bạc mà người Trung Quốc đổ vào bóng đá có lẽ chẳng có ích lợi gì với đội tuyển quốc gia của họ, vốn là bộ mặt của cả nền bóng đá. Thậm chí, người hâm mộ và truyền thông nước này đang đặt ra câu hỏi, “liệu bóng đá Trung Quốc có nên bắt đầu lại từ đầu?”, như tít trên trang chủ của tờ Nhân dân nhật báo. Cũng tờ báo này nhận định rằng số tiền khổng lồ các tập đoàn bỏ ra chỉ che lấp phần nào những điểm yếu của bóng đá Trung Quốc, nhưng lại tạo ra ảo tưởng về sự tiến bộ, trong khi thực tế là “giậm chân tại chỗ, hay tệ hơn là bước lùi”.

Tiền bạc làm gia tăng sự quan tâm và kỳ vọng, nhưng nó không thể giúp cầu thủ Trung Quốc tiến bộ ngay được. Ting Wai-kit, một bình luận viên thể thao kỳ cựu, còn cho rằng sự có mặt của các ngôi sao ngoại quốc thậm chí còn huỷ hoại sự phát triển của các tài năng “cây nhà lá vườn”. 

“Ở Chinese Super League, họ có các HLV đẳng cấp thế giới, những cầu thủ ngoại quốc tiếng tăm và cả nguồn tài chính lớn nữa. Nhưng tất cả những điều đó đều chẳng có lợi ích gì với đội tuyển quốc gia, mà chỉ có hại. Bởi các cầu thủ Trung Quốc giờ còn chẳng biết làm gì nếu không có ngôi sao ngoại quốc”, Ting Wai-kit nói.


Các cầu thủ Trung Quốc đang phải đối chọi gay gắt với các cầu thủ nước ngoài ở giải quốc nội 

Nhưng trong khi nhiều CĐV sốc với thất bại liên tiếp của đội tuyển Trung Quốc thì những người trong cuộc lại chẳng tỏ ra ngạc nhiên. “Thế hệ trẻ đang hy vọng hão huyền về một sự thay đổi. Thất bại như thế này là bình thường. Chẳng có ai tham gia vào môn này mà sốc cả”, Zhang Geyuan, HLV một đội trẻ ở Bắc Kinh cảm thán. Cameron Wilson, người sáng lập blog bóng đá Wild East Football, cũng cho rằng “Bạn biết mọi thứ sẽ kết thúc thế nào mà. Thất bại bây giờ chẳng khiến ai thất vọng thêm nữa”.

Mới đây, tờ Trung Hoa nhật báo cũng cảnh báo rằng các công ty Trung Quốc nên “đầu tư một cách cẩn thận vào bóng đá châu Âu”. Mark Dreyer, chuyên gia phân tích thể thao của một công ty có trụ sở ở Bắc Kinh, cũng đồng ý với cảnh báo này. “Đầu tư bằng cách mua thật nhiều ngôi sao ngoại quốc cho Chinese Super League và mua lại các CLB ở châu Âu đem lại sự chú ý và những tít báo, nhưng nó gần như chẳng có tác dụng gì trong việc nâng cao chất lượng của đội tuyển quốc gia”, Dreyer nói.

Đội tuyển Trung Quốc hiện đang xếp thứ 78 trên BXH FIFA, dưới cả quốc đảo Caribbean vốn chỉ có 50726 dân là St Kitts & Nevis. Trong lần duy nhất được dự World Cup (2002), Trung Quốc thua cả 3, thậm chí không ghi nổi 1 bàn. “Đơn giản thế này, cầu thủ Trung Quốc chưa đủ khả năng để vượt qua vòng loại World Cup và cũng chẳng có HLV nào trên thế giới có thể thay đổi được sự thật đó”, Dreyer nhấn mạnh.

Dreyer còn nói thêm rằng việc Chính phủ Trung Quốc quá quan tâm vào đội tuyển với mục đích nâng tầm thật nhanh chỉ làm tăng áp lực lên các cầu thủ và quan chức mà thôi.

Hy vọng vào cách làm mới

Người hâm mộ bóng đá Trung Quốc có lẽ sẽ phải cam chịu thêm ít nhất là một thập kỷ thất vọng nữa để nhìn thấy hy vọng cất cánh của bóng đá nước nhà. Tất nhiên là trong trường hợp kế hoạch mới của bóng đá Trung Quốc được triển khai một cách thuận lợi.

Chính xác là Trung Quốc đã đưa các chương trình đào tạo bóng đá trẻ trở thành ưu tiên quốc gia, mà kế hoạch chính thức hứa hẹn từ nay tới 2020 sẽ xây dựng khoảng 20.000 trung tâm huấn luyện, 70.000 SVĐ với 30 triệu người chơi bóng thường xuyên. Mục tiêu của dự án này là giúp Trung Quốc trở thành một trong những đội tuyển hàng đầu thế giới vào năm 2050. 

Tuyển Trung Quốc bị truyền thông trong nước 'đánh' tơi tả vì đá quá kém

Tuyển Trung Quốc bị truyền thông trong nước 'đánh' tơi tả vì đá quá kém

“Bóng đá Trung Quốc có nên bắt đầu lại từ đầu”? Đó là câu hỏi mà truyền thông nước này đặt ra sau thất bại mới nhất của tuyển Trung Quốc trước Uzbekistan.


Theo Marcus Luer, người sáng lập và là CEO của công ty tiếp thị thể thao Total Sports Asia, Trung Quốc có đủ mọi nguồn lực để thành công với tham vọng này. “Nguồn lực con người, tiền bạc, sự hậu thuẫn của Nhà nước và sự khát khao của thế hệ mới, đó là những yếu tố mà người Trung Quốc đang có”, Luer cho hay.

“Nhưng trước hết, họ cần để mọi thứ đi đúng. Đó là một quá trình tốn thời gian, tiền bạc và sự kiên nhẫn. Sẽ là bình thường nếu bạn cần ít nhất 10 năm thực hiện bài bản trước khi thấy được sự thay đổi mang tính bước ngoặt”, Luer kết luận.

Vũ Mạnh
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm