13/07/2014 06:16 GMT+7 | Các ĐTQG
(lienminhbng.org) - Màn ra mắt của HLV Toshiya Miura trên cương vị HLV trưởng ĐTQG Việt Nam đã có kết quả không thể tuyệt vời hơn, khi ông thầy người Nhật chứng kiến đội bóng của mình giành chiến thắng 6-0 trước ĐT Myanmar. Tuy nhiên, tỷ số này chưa nói lên được nhiều điều.
Kể từ khi bóng đá Việt Nam hội nhập trở lại với sân chơi khu vực và quốc tế cho tới nay, trong hơn 20 năm qua, ĐTQG và kể cả ĐT U23 QG hoặc ĐT Olympic QG luôn có sự khởi đầu rất ấn tượng ở những giải đấu hoặc trận đấu mang tính chất khởi động, chuẩn bị, nhưng khi chính thức vào giải thì thường không nhận được kết quả như ý muốn.
Thử không kêu đốt mới kêu
Lần duy nhất ĐTQG gặp trục trặc ở khâu xuất phát là dưới thời HLV Henrique Calisto năm 2008. Khi đó ĐTQG trải qua 11 trận liên tiếp không thắng trước khi tham dự AFF Cup 2008, và ngay trận đầu tiên ở vòng bảng, ĐTQG lại thất thủ trước Thái Lan với tỷ số 0-2 để nối dài mạch trận không thắng liên tiếp lên con số 12. Nhưng sau đó, ĐTQG đã không còn thua thêm một trận nào nữa và tiến thẳng tới chức vô địch AFF Cup đầu tiên và duy nhất cho tới nay.
Nhắc lại chuyện cũ như thế để thấy rằng tuy ĐTQG dưới thời HLV Miura đã có sự khởi đầu tương đối suôn sẻ, nhưng vẫn còn quá sớm để đưa ra những dự báo lạc quan và tích cực về hành trình sắp tới của ĐTQG ở AFF Cup 2014, giải đấu mà chúng ta là đồng chủ nhà với Singapore.
Sở dĩ nói vậy là bởi Myanmar không phải là đội bóng mạnh trong khu vực, bằng chứng là việc họ phải tham dự vòng sơ loại AFF Cup 2014 chứ không được vào thẳng như ĐT Việt Nam, cho dù cách đây 2 năm ĐT Việt Nam cũng bị loại ngay sau vòng bảng tại AFF Cup 2012 như ĐT Myanmar.
Không những thế, Myanmar cũng vừa có HLV mới là ông Rajdoko Avramovic, và khi sang Việt Nam để thi đấu giao hữu với đội chủ nhà, Myanmar cũng không mang theo đội hình mạnh nhất.
Theo dõi trận ĐT Việt Nam – ĐT Myanmar vừa qua thì thấy rằng về cơ bản thì lối chơi của ĐT Việt Nam vẫn giống như cách đây 6 năm, và đây là điều không khiến ai bất ngờ, bởi danh sách tuyển thủ tập trung lần này khộng phải tất cả đều do HLV Miura lựa chọn, và bản thân ông thầy người Nhật chưa xem đủ số trận cần thiết ở giải VĐQG để có thể tìm cho mình một thành phần ưng ý nhất.
Kỷ luật thép có là chìa khoá vàng?
Dấu ấn rõ rệt nhất mà HLV Miura để lại có lẽ là việc nề nếp kỷ luật của ĐTQG đã được xiết chặt lại một cách đáng kể, sau khi ít nhiều có dấu hiệu lơi lỏng dưới thời các HLV nội như Phan Thanh Hùng hay Hoàng Văn Phúc.
Tuy nhiên, hiệu quả lâu dài của chính sách quản quân nghiêm khắc như vậy vẫn còn là dấu hỏi, bởi trước đây, ĐTQG từng có không ít ông thầy ngoại rất đề cao yếu tố kỷ luật như HLV Falko Goetz, hay thậm chí là cả HLV Calisto, nhưng không phải lúc nào kỷ luật thép cũng mang lại kết quả như mong đợi.
Nhân tiện đề cập tới HLV Goetz mới thấy thêm lo lắng cho HLV Miura, bởi tương tự ông thầy người Đức, nhà cầm quân người Nhật cũng không có nhiều thời gian theo dõi V-League và giải hạng Nhất, vì khi HLV Miura sang Việt Nam thì giải VĐQG và giải hạng Nhất QG của chúng ta đã đi được 2/3 chặng đường. Mà tất cả chúng ta đều biết mỗi một HLV đều có triết lý bóng đá riêng, có quan điểm chiến thuật riêng, và trên cơ sở này vị HLV sẽ chọn cho mình những cầu thủ mà ông cho rằng phù hợp với triết lý bóng đá cũng như quan điểm chiến thuật của mình.
Qua thăm dò từ báo chí Nhật, chúng tôi được biết HLV Miura là một nhà cầm quân thực tài, và nếu đánh giá theo thang điểm 100 ở Nhật Bản thì HLV Miura xứng đáng được nhận điểm 90. Tuy nhiên, chúng ta cũng đều biết trước khi HLV Miura tới Việt Nam, HLV Goetz là ông thầy có bằng cấp cũng như bảng thành tích ấn tượng nhất mà VFF từng ký hợp đồng. HLV Goetz từng giúp Hertha Berlin đứng hạng 4 chung cuộc tại Bundesliga mùa bóng 2004/2005 và giành vé tham dự Cúp UEFA mùa giải 2005/2006, còn bản thân HLV Goetz được LĐBĐ Đức gửi thư bảo đảm để chứng nhận rằng ông có bằng HLV chuyên nghiệp do UEFA cấp. Thế nhưng, cuối cùng HLV Goetz vẫn thất bại với bóng đá Việt Nam và nhanh chóng bị sa thải, mà nguyên nhân chủ yếu được cho là vì ông có quá ít thời gian theo dõi giải VĐQG và không được làm việc với danh sách tuyển thủ do chính mình lựa chọn !
Những bài học từ World Cup
Từ trường hợp của HLV Goetz với bóng đá Việt Nam và nhìn vào danh tính 4 đội bóng tham dự vòng bán kết World Cup 2014, không khó để nhận thấy rằng khả năng thành bại của mỗi đội bóng phụ thuộc rất nhiều vào mức độ am hiểu cũng như gắn bó của HLV trưởng với đội bóng.
Điều này thể hiện rõ nhất qua trường hợp của Brazil và Hà Lan, những đội bóng không phải dư thừa ngôi sao ở tất cả các vị trí, nhưng khả năng ứng biến cũng như tài xoay sở của HLV Felipe Scolari và Louis van Gaal đã giúp Brazil và Hà Lan lọt vào vòng 4 đội cuối cùng, dù rằng chiến thắng của họ không phải lúc nào cũng hoành tráng và thuyết phục.
Bên cạnh tài năng cũng như sự dũng cảm và quyết đoán của HLV Van Gaal, chúng ta đều thấy rằng ông thầy này sẽ khó lòng đưa ra được những quyết định gây sốc như thế nếu không có sự am hiểu sâu sắc về sở trường sở đoản của từng cầu thủ dưới quyền, một điều chỉ có thể đạt được sau quá trình dài làm việc liên tục cùng nhau. Tương tự, HLV Scolari dù chỉ có duy nhất một tiền đạo đẳng cấp thế giới trong đội hình là Neymar nhưng ông thầy này vẫn biết cách xoay sở để đưa Brazil lọt vào tới bán kết, trước khi Neymar buộc phải nói lời chia tay World Cup vì chấn thương cột sống.
Hay câu chuyện ở ĐT Argentina cũng có nhiều màu sắc tương đồng, khi HLV Alejandro Sabella dù chỉ mang tới Brazil một vài ngôi sao như Lionel Messi, Gonzalo Higuain hay Angel Di Maria, nhưng vẫn đủ để đưa Argentina lọt vào bán kết World Cup lần đầu tiên sau 24 năm, dù cho lối chơi của Albiceleste suốt từ vòng bảng cho tới khi kết thúc vòng tứ kết vẫn không một lần được người hâm mộ tán dương.
Sau những câu chuyện của Hà Lan, Brazil hay Argentina, chúng ta hẳn đã nhận thức được thời gian gắn bó cũng như mức độ hiểu biết của HLV trưởng với đội bóng của mình có ý nghĩa quan trọng như thế nào trong thành tích chung cuộc. Vì thế, có lẽ không nên đặt quá nhiều kỳ vọng vào ĐTQG dưới thời HLV Miura tại AFF Cup 2014 sắp tới, mà chỉ nên coi đây như là một giải đấu mang tính chất “bản nháp” với ông thầy người Nhật Bản mà thôi.
Trao đổi với Thể thao & Văn hoá, HLV Lê Thuỵ Hải đánh giá rất cao những quyết định gây sốc (và cực kỳ hiệu quả) của HLV Van Gaal như tung Klaas-Jan Huntelaar vào sân thay Robin van Persie ở trận Hà Lan-Mexico, hay việc đưa thủ môn dự bị Tim Krul vào thay Jasper Cillessen chỉ vài chục giây trước loạt sút luân lưu ở trận Hà Lan-Costa Rica. |
Hoàng Huy
Thể thao & Văn hóa cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất