05/03/2021 09:01 GMT+7 | Bóng đá Việt
(lienminhbng.org) - Hệ thống các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam 2021 sẽ trở lại vào trung tuần tháng Ba này. Đó là một tín hiệu rất, rất đáng mừng, khi nhịp đập - hơi thở làng túc cầu nội sẽ được duy trì, sau thời gian đóng băng vì Covid-19. Nhưng...
Các CLB (và cả nhà tổ chức VPF) sẽ phải tính toán rất kỹ các phương án, khi ĐTQG sẽ hội quân vào cuối tháng 5/2021, đặng chuẩn bị thi đấu tập trung các trận đấu còn lại của bảng G, Vòng loại FIFA World Cup 2022. Xen lẫn đó là lịch thi đấu AFC Champions League và AFC Cup 2021, với các đại diện Việt Nam như Viettel, CLB Hà Nội và CLB Sài Gòn.
Trước đây, các đại diện Việt Nam vẫn kêu trời khi không được tạo điều kiện tốt nhất có thể, mà yên tâm bơi ra đấu trường châu lục. Ví như các suất đăng ký (và thay thế) ngoại binh, rồi việc xếp lịch thi đấu, di chuyển. Đó là lý do mà phần lớn đều chơi cho có, bởi sự sống còn của đội bóng vẫn là giải đấu quốc nội.
Duy chỉ có B.Bình Dương năm 2009 và CLB Hà Nội mùa 2019, tạo ra sự khác biệt. Nhưng làng túc cầu nội, mấy ai được như họ, ở thời hoàng kim!
Không kể quãng thời gian hơn một năm qua, khi bóng đá thế giới phải chịu tác động xấu từ đại dịch Covid-19, hệ thống các giải đấu vốn dĩ đã được kiện toàn. Tuy nhiên, việc đó dường như lại chẳng mảy may đến các con tính của VFF và VPF. Bằng chứng là các đại diện Việt Nam khi trở về, phải chơi dồn toa các trận đấu. Không có ưu tiên nào cả, và điều này là không công bằng.
Phải vất vả lắm, V-League và Cúp quốc goa mới giới thiệu đủ 3 đại diện ra châu lục, bao gồm các yếu tố về hạ tầng phục vụ di chuyển, ăn ở (cho đối phương) và thi đấu; hệ thống các tuyến trẻ được kiện toàn (đôi khi là sự lấp liếm cho qua); mô hình CLB chuẩn chuyên nghiệp (với công ty cổ phần được thành lập, có thu chi, danh chính) và tiềm lực tài chính... Trước đó một thời gian dài, V-League đánh mất vị thế, bị hạn chế hoặc tước suất chơi.
CLB Hà Nội từng công khai tham vọng vươn ra tầm châu Á, chơi giải đấu cao nhất là AFC Champions League, nhưng chỉ một sơ suất nhỏ, họ đã mất suất chơi mùa giải 2020. Đó là một bài học. Và bài học đó không giống như Quảng Nam (2018) hay Quảng Ninh phải thuê sân Mỹ Đình, cách đây nửa thập niên...
Nói chung, bóng đá chuyên nghiệp kiểu Việt Nam, vẫn vừa chạy vừa xếp hàng. Nhiều CLB thậm chí còn phải thuê mướn sân bãi tập luyện, thi đấu và nơi ăn, chốn ở. Không sở hữu bất cứ yếu tố cấu thành nào, ngoài cái tên mua đi bán lại.
Trở lại với mật độ thi đấu dày đặc, ở nhiều cấp độ và hạng mục giải đấu trong năm 2021, vốn dĩ đã được cảnh báo trước vì đại dịch Covid-19. Việc được báo trước, xem như thành công đã đến phân nửa, nửa còn lại là nỗ lực cải thiện của người trong cuộc, nhà tổ chức đến đâu mà thôi. Theo quan điểm của người viết, ưu tiên cho ĐTQG và các CLB đại diện Việt Nam ra châu Á, vẫn phải đặt lên hàng đầu.
Đơn giản, đó là bộ mặt, là đỉnh cao nhất mà nền bóng đá và hệ thống các giải đấu quốc nội (bao gồm cả giải chuyên nghiệp và giải trẻ) giới thiệu với bè bạn quốc tế. V-League, hạng Nhất, hay Cúp quốc gia, đương nhiên vẫn phải chạy, nhưng chúng ta đã chạy từ hơn 20 năm qua, mà đã ra chiến thuật đâu. Tít mù rồi lại vòng quanh, khái niệm chuyên nghiệp vẫn là thứ xa xỉ.
Chúng ta đã nỗ lực đủ chưa? Hỏi mà như đã trả lời vậy.
CCKM
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất