29/02/2020 06:51 GMT+7 | Bóng đá Việt
(lienminhbng.org) - “Bóng đá không có khán giả thì chán lắm, rất vô vị, thật sự như thế. Nhưng với bối cảnh bất khả kháng như thế này, chúng ta đành phải chấp nhận, tạm hài lòng với việc xem qua truyền hình”. Nhà báo Nguyễn Lưu nói về quyết định trận tranh Siêu cúp quốc gia (có thể cả V-League 2020 vài vòng đấu đầu tiên) sẽ được tổ chức kiểu “kín cổng cao tường”.
“Cũng như những loại hình văn-thể-mỹ khác khi được tổ chức cần phải có người xem. Bóng đá, với chúng ta không chỉ trò chơi, không chỉ chuyện thi thố hơn thua hay đá quả bóng đơn thuần. Ở đó, trên sân bóng giống như một sân khấu đa chiều với đủ các cung bậc xúc cảm khác nhau.
Hãy thử mường tượng về trận đấu không có khán giả sẽ như thế nào. Có nghĩa là trên sân các cầu thủ cứ việc tranh chấp, thể hiện kỹ năng trong bối cảnh im lặng, mênh mông của những khán đài trống vắng. Khán giả vào sân đâu chỉ có xem-nghe- thấy đơn thuần. Khán giả là chất xúc tác cần thiết để tạo nên nét thi vị, tính hấp dẫn và sức sống cho bóng đá. Tôi nhìn thấy anh, thấy những người bạn cùng hò reo, cổ vũ, buồn vui, tiếc nuối hay hạnh phúc với những diễn biến trên sân. Có tính kết nối, sự sẻ chia và hiệu ứng lan tỏa rất mạnh, rất thật ở mỗi trận đấu, mỗi sân bóng”.
Nhà báo Nguyễn Lưu khẳng định tình yêu của khán giả với bóng đá luôn có những gắn kết mật thiết như thế. Ai yêu rồi thì yêu hơn, ai mới bỡ ngỡ xem lần đầu sẽ cảm thấy thích thú và dần dà lớn hơn trong những cảm xúc dành cho bóng đá như thế: "Không phải vô cớ mà chúng ta đúc kết những khái niệm bóng đá là túc cầu giáo, khán giả là tín đồ và sân vận động là thánh đường".
Trở lại vấn đề BTC trận tranh Siêu cúp quốc gia 2020 đang để ngỏ chuyện sẽ “đặc cách” cho mỗi CLB có khoảng 100 khán giả vào sân xem trận đấu này, quan điểm cá nhân của nhà báo Nguyễn Lưu cho rằng không nên như thế. Mỗi CĐV đều nên được đối xử công bằng như nhau, không nên so đo chuyện ưu ái dành cho số lượng hạn chế người xem vào sân. Nếu đảm bảo an toàn thì chúng ta tổ chức bình thường, còn nếu thấy không thể đáp ứng điều kiện bảo vệ cho khán giả thì cứ theo quyết định đá không có khán giả. Không nên có suy nghĩ và quyết định cho một số cổ động viên vào xem theo kiểu đặc cách thế được.
“Còn với V-League, lúc này phương án được các nhà tổ chức đưa ra thì bóng sẽ lăn vào ngày 7/3 như dự tính sau khi đã hoãn hơn 2 tuần vì dịch bệnh. Thêm vào đó, đã có những tính toán là bóng vẫn lăn nhưng sân phải chịu cảnh trống vắng trong vài vòng đấu nhất định nếu tình hình dịch bệnh chưa được kiểm soát ở mức tốt nhất.
Tổ chức vào thời gian nào và theo phương án nào, đó là công việc của các cơ quan quản lý, điều hành bóng đá nước nhà. Cá nhân mình không có thẩm quyền can thiệp gì cả. Riêng với tôi, tôi thấy thế này, nếu như giải đấu tiếp tục dừng mà không đảo lộn vì cái chung, cái lớn hơn như ĐTQG chẳng hạn thì chưa vội đá ngay. Có lẽ, điều này hơi khó cho chúng ta, vì như thế không chỉ việc tập trung, tập luyện của ĐTQG bị ảnh hưởng. Cùng với đó, sẽ làm rối tung mọi thứ tiếp theo khi các giải đấu sẽ dồn toa và cập rập.
Vì lẽ đó, dù muốn bóng đá phải có khán giả và cần khán giả cũng đành phải chấp nhận như thiệt thòi như thế. Vấn đề này, không chỉ địa hạt bóng đá mà tất cả chúng ta đều phải tuân thủ theo các quyết định cũng như giải pháp phòng chống dịch bệnh rất quyết liệt được đưa ra từ Chính phủ vào thời điểm hiện nay.
Nói tóm lại, bóng đá không còn ý nghĩa khi không có khán giả. Nhưng chúng ta cần phải hành động thích ứng để đề cao vẻ đẹp đó bởi những tôn trọng và tuân thủ các quy định dành cho nhau”, nhà báo Nguyễn Lưu chốt lại câu chuyện cuối tuần.
Trần Tuấn (ghi)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất