03/03/2021 11:09 GMT+7 | Bóng đá Việt
(lienminhbng.org) - Nhà ĐKVĐ Super League Trung Quốc Giang Tô Tô Ninh đã ngừng hoạt động, trong khi Lỗ Năng Sơn Đông lâm cảnh nợ nần. "Bong bóng" phát triển của bóng đá Trung Quốc đang vỡ sớm hơn dự kiến. Đây được coi như cú sốc cho bóng đá châu lục trong thời điểm hiện nay, đồng thời cũng báo hiệu về nguy cơ rơi vào một cuộc suy thoái của bóng đá đất nước tỷ dân này.
Sự sụp đổ của Giang Tô Tô Ninh không chỉ là hồi chuông cảnh báo cho bóng đá Trung Quốc mà còn như bài học cho bóng đá Việt Nam trên hành trình xây dựng phát triển bóng đá chuyên nghiệp lúc này. Chuyên gia Đoàn Minh Xương đã đưa ra những nhìn nhận của mình về “cú sốc” này trong chuyên mục “Đối thoại cùng Thể thao & Văn hóa”.
Khi “bóng bóng” phát triển bóng đá Trung Quốc đổ vỡ
Trong những năm qua, Trung Quốc được coi là mảnh đất “màu mỡ” để các ngôi sao bóng đá thế giới (cho dù đã ở tuổi xế chiều nghề nghiệp) tề tựu về Super League. Các đội bóng không tiếc tiền để chiêu mộ những cầu thủ cùng những HLV tên tuổi. Có thể sự “mạnh vì gạo, bạo vì tiền” như thế từ các ông chủ giúp Chinese Super League trở thành một trong những giải đáng xem nhất châu Á. Tuy nhiên, điều này cũng có mặt trái mà sự đổ vỡ từ CLB Giang Tô Tô Ninh là một minh chứng.
Chuyên gia Đoàn Minh Xương nhìn nhận câu chuyện này quả thật rất sốc nhưng không hề bất ngờ: “Nói cách khác, chính những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã khiến cho sự đổ vỡ này diễn ra nhanh hơn, còn sự sụp đổ như thế không có gì bất ngờ lắm.
Chính khủng hoảng kinh tế của các nhà đầu tư, ông chủ đội bóng đã giúp phơi bày ra mọi thứ không căn cơ của công cuộc phát triển quá nóng đối với bóng đá Trung Quốc. Sự sụp đổ của Giang Tô Tô Ninh đâu chỉ là hồi chuông cảnh báo với nền bóng đá nước này mà còn cho cả bóng đá châu lục, nhất là bóng đá Việt Nam chúng ta hiện nay”.
Ông Xương nhận xét: “Chúng ta thấy rất rõ rằng mấy năm vừa qua, nhiều đội bóng của quốc gia này vung tiền không có điểm dừng trên thị trường chuyển nhượng. Họ đã hô hào một cách cao hứng rằng rồi đây giải bóng đá Ngoại hạng Trung Quốc sẽ phát triển vượt bậc, thu hút nguồn lực và tạo ra tiếng vang lớn hay rộng hơn nền bóng đá của họ sẽ vươn lên đứng đầu bóng đá châu lục và tiến ra thế giới.
Tham vọng sớm biến Trung Quốc thành một nền bóng đá mạnh đủ sức vô địch World Cup hay đăng cai VCK World Cup đã khiến những nhà đầu tư, cộng đồng doanh nhân nước này bỏ tiền không tiếc với cách làm bóng đá theo kiểu “ăn xổi” rất khác người.
Họ vung tiền để thu hút những cầu thủ nổi tiếng ở tuổi xế chiều về giải đấu trong nước nhằm đánh bóng và khuếch trương thanh thế hơn là đem lại chất lượng chuyên môn. Họ cũng không ngại ngần mua đứt các CLB nước ngoài theo kiểu “đi tắt đón đầu” chẳng hạn. Đó là tham vọng không được dựa trên cơ sở nào vững chắc cả, vì thế lúc này những tham vọng đó bị triệt tiêu rất nhanh, thậm chí đổ vỡ dây chuyền cũng là điều dễ hiểu”.
Chuyên gia Đoàn Minh Xương cho rằng cứ nhìn vào cung cách phát triển từ CLB Giang Tô với nhà đầu tư Tô Ninh sẽ thấy rất rõ điều này: “Vài năm trước, đội bóng cũng vung tiền chiêu mộ nào những danh thủ như Ramires rồi Alex Teixeira, Joao Miranda. Chính hợp đồng với những danh thủ này đã khiến mức lương cao ngất ngưởng của họ trở thành bài toán lớn trong chi phí hoạt động của CLB.
Tuy nhiên, khi tình hình tài chính khó khăn, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19, vì thế tập đoàn Tô Ninh không thể chi tiền cho Giang Tô hoạt động nữa. Họ thậm chí còn không thể duy trì hoạt động cầm chừng cho đội bóng này mà phải tuyên bố ngừng lại mọi việc.
Giống như phần lớn các CLB ở Chinese Super League, Giang Tô là một điển hình cho việc phụ thuộc hoàn toàn vào bầu sữa kinh phí từ ông chủ đứng sau. Bởi vậy, mỗi khi ông chủ gặp khó khăn trong kinh doanh, lập tức lao đao rồi sụp đổ như thế cũng có gì là lạ cả”.
Hồi chuông cảnh báo cho bóng đá Việt Nam
Câu chuyện phát triển nóng, phát triển không được tạo ra từ những nền tảng cơ bản cùng kết cấu vững chắc đã khiến sự sụp đổ bây giờ của giải Ngoại hạng Trung Quốc được coi như điều “tất-lẽ-dĩ-ngẫu” mà thôi. Bóng đá nước nhà chúng ta cũng đã, đang và sẽ đi trên con đường xây dựng, phát triển chuyên nghiệp với những cung cách khác nhau.
Chính vì thế, hồi chuông cảnh báo từ bóng đá Trung Quốc sẽ như bài học vô cùng quý giá để chúng ta nhìn vào rút tỉa, đúc kết và tránh phạm phải sai lầm.
Chuyên gia Đoàn Minh Xương cho rằng những mà bóng đá Trung Quốc đang đối mặt là bài học quý, lời cảnh tỉnh giá trị cho chúng ta hiện nay: “Sẽ không thừa nếu chúng ta nhìn vào đó như kinh nghiệm, rút ra được bài học và tránh phạm phải những sai lầm trong con đường phát triển của mình.
Chúng ta đặt câu hỏi vì sao, Nhật Bản hay Hàn Quốc đang phát triển mạnh, bền vững và tạo ra sự vững chắc ngày càng tăng lên như thế còn Trung Quốc thì không trong địa hạt bóng đá. Hay nói cách khác, bóng đá Việt Nam nên tìm cái hay, cái được của Nhật Bản, Hàn Quốc để nhìn mà học, đồng thời từ câu chuyện đổ vỡ của bóng đá Trung Quốc để tránh “vết xe đổ”.
Hẳn nhiên, để phát triển bóng đá thì cần tiền, điều đó rõ rồi nhưng tiền đổ vào bóng đá từ đâu, lộ trình ra sao, mục đích thế nào, tính minh bạch và kết quả ra sao mới là câu chuyện cốt lõi của vấn đề”.
Ông Xương chia sẻ: “Nhìn lại sẽ thấy, nhiều năm qua, đời sống bóng đá Việt Nam thể hiện qua hình ảnh các đội bóng đều trên mô hình hoạt động từ nguồn lực các ông bầu, nhà đầu tư kết hợp cùng “bầu sữa” kinh phí địa phương bao cấp ít nhiều. Thực tế, cũng đã có chuyện ông bầu “hắt hơi” thì đội bóng “sổ mũi” ngay.
Thậm chí chuyện những ông bầu không còn đam mê với bóng đá khi rời bỏ cuộc chơi sẽ khiến các đội bóng lao đao. Nếu không muốn nói thẳng ra, khi các nhà đầu tư hết tiền hoặc cảm thấy không có lợi ích hay thu về được nguồn lực gì khác thì họ cũng sẵn sàng dừng lại”.
Từ những góc độ như thế, chuyên gia Đoàn Minh Xương cho biết: “Như đã nói, kinh phí rất cần cho bóng đá nhưng tất cả chúng ta phải nên hiểu rằng muốn xây dựng căn cơ, phát triển bền vững cần có, phải có và tuân thủ, tôn trọng rất nhiều quy tắc, nguyên tắc, phương thức, chế định kèm theo khác nữa.
Xây dựng mô hình CLB thế nào, giải VĐQG ra sao, bản thân bóng đá có dần dần đẻ ra tiền để tự nuôi bóng đá hay không. Mô hình hoạt động, quản trị của mỗi đội bóng rồi cả câu chuyện đào tạo bóng đá trẻ như nguồn lực song hành cho chặng đường đó”.
Ông Xương nhận định:“Nói cách khác, vấn đề chuyên nghiệp và phát triển bóng đá nước nhà vẫn chưa thật sự căn cơ, chỉn chu và quy củ. Chúng ta ghi nhận tình yêu, đam mê, nhiệt huyết và cả sự đầu tư tiền bạc từ các ông bầu.
Tuy nhiên, như thế vẫn chưa đủ, bởi mỗi nơi, mỗi người vẫn đi theo cách của riêng mình trong những lối đi riêng theo kiểu mạnh ai nấy làm. Chúng ta cần một sự đồng bộ, chung nhất, hài hòa của tất cả các nguồn lực từ cộng đồng doanh nghiệp, cộng đồng xã hội chung tay.
Tựu trung lại, tất cả chúng ta, những ai tham gia vào địa hạt bóng đá phải cùng ngồi lại với nhau, thống nhất và vạch ra một cách thức bài bản, chuyên nghiệp cho hướng đi đó. Thậm chí, không quá khi nói rằng, có thể lúc nào đó, Chính phủ cần đưa ra một lộ trình với những quy chế hẳn hoi để bóng đá Việt Nam dựa vào đó như “bản thiết kế” cho sự phát triển”.
Trần Tuấn (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất