07/05/2021 19:42 GMT+7 | Bóng đá Việt
(lienminhbng.org) - HLV Lê Thụy Hải, “người đặc biệt” đúng nghĩa của bóng đá Việt Nam đã qua đời ngày 7/5, vĩnh viễn lìa xa cõi trần ở độ tuổi 76, khép lại một cuộc đời đầy chông gai nhưng cũng lắm vinh quang. Ông, người mà bao thế hệ cầu thủ Việt Nam gọi với cái tên trìu mến, bố Hải đã sống trọn đời, hết mình với bóng đá, niềm đam mê bất tận.
Con người của bóng đá, thuộc về bóng đá
HLV Lê Thụy Hải đúng nghĩa là một con người bóng đá, sống thuộc về bóng đá. Phần lớn thời gian trong hơn 70 năm cuộc đời ông đều dành cho bóng đá. HLV Lê Thụy Hải có thể nói cả ngày về bóng đá mà không hết. Đó không phải là những câu chuyện về chuyên môn, chiến thuật, cách đá với cầu thủ, những học trò mà tất thảy đều gọi ông là bố dù quãng thời gian làm việc ngắn hay dài.
Cũng vẫn cách nói chuyên môn, phân tích ấy nhưng khi trò chuyện với giới truyền thông thì lại khác và cánh phóng viên không phải ai cũng được ông ưu ái, tận tình chia sẻ. Với HLV Lê Thụy Hải, báo chí cũng là một kênh thông tin, nơi mà ông có thể trao đổi thẳng thắn những suy nghĩ của mình về từng cầu thủ, từng trận đấu, từng đội bóng một, nhưng với yêu cầu, phải đăng tải đúng sự thật.
Cũng chính vì sự thẳng thắn, không phải va chạm, chỉ đích danh từng nhân vật, sự việc và hiếm khi khen trực diện một ai đó nên bất cứ phát biểu nào của ông cũng trở thành chủ đề bàn luận, gây tranh cãi. Thậm chí có những bài viết, những câu ông chưa từng nói nhưng vẫn được chia sẻ trên một số trang thông tin và mạng xã hội khiến ông bị “tai bay, vạ gió”.
Thế nên mới có chuyện HLV Lê Thụy Hải không thân quen nhiều phóng viên, chỉ một số ít người được ông tin tưởng mới sẵn sàng trải lòng, chia sẻ quan điểm bất cứ thời điểm nào vì ông thường bảo: Tôi nói rồi người ta lại ném đá. Không phải là sợ mà vì tôi không thích người ta bảo ông già, nghỉ rồi thì nói lắm làm gì? Nhưng tôi nói đúng, phải không nào?
Ông Hải với biệt danh Hải “lơ” cùng người bạn, đồng đội, bạn thân, HLV Mai Đức Chung – Chung “xe ca” chính là những người ghi dấu ấn với hai bàn thắng vào lưới Cảng Sài Gòn trong màu áo Tổng cục Đường sắt ở trận đấu năm 1976 khi bóng đá hai miền thống nhất.
Cũng chính ông và người bạn Mai Đức Chung còn song hành cùng nhau khi chuyển qua làm huấn luyện viên ở đội U22 Việt Nam vô địch Merdeka 2008 và CLB B.Bình Dương sau này. Riêng cá nhân ông Lê Thụy Hải được giới chuyên môn cũng như tất thảy những người yêu mến, gắn bó và theo dõi bóng đá Việt Nam đánh giá là HLV giàu thành tích số một của bóng đá Việt Nam.
Kỳ thực có mấy HLV ở Việt Nam có được thành tích như ông trên băng ghế huấn luyện. HLV Lê Thụy Hải gây dựng tên tuổi cho CLB Becamex Bình Dương với chức vô địch V-League các năm 2007, 2008, 2014; á quân V-League năm 2006 và đoạt Cúp quốc gia năm 2008, 2014 trên cương vị HLV (sau đó làm giám đốc kỹ thuật) đội bóng đất Thủ.
Ngoài Bình Dương, ông Lê Thụy Hải còn dẫn dắt SHB Đà Nẵng (2005), Thể Công Viettel (2009), Xi măng The Vissai Ninh Bình (2010), CLB Thanh Hóa (2011), CLB Hải Phòng (2012) rồi trở về FLC Thanh Hóa giữ vai trò giám đốc kỹ thuật. Ngoài ra, ông có nhiều giai đoạn làm trợ lý cho HLV nước ngoài và sát cánh bên HLV Mai Đức Chung vô địch Cúp Merdeka 2008.
Thành công với bóng đá nam ở cả cấp độ CLB lẫn đội tuyển quốc gia nhưng ít ai biết được HLV Lê Thụy Hải cũng từng có một khoảng thời gian gắn bó với bóng đá nữ. Huấn luyện cầu thủ nữ ở Việt Nam người bạn của ông Mai Đức Chung là số 1 nhưng, thế hệ đầu tiên của bóng đá nữ nước nhà cũng từng biết đến cái tên Lê Thụy Hải.
Với những thành tích lẫy lừng đó, việc HLV Lê Thụy Hải được vinh danh tại lễ trao giải Fair-Play năm 2020 là hoàn toàn xứng đáng dù ở thời điểm này, bệnh tình trở nặng hơn và ông không thể trực tiếp góp mặt tại lễ trao giải để đón nhận.
Cá tính, thẳng thắn và chuyên gia trị sao
Nếu như giới truyền thông từng không ít người phàn nàn về việc HLV Lê Thụy Hải khắc khẩu, thậm chí tố ông phũ miệng, nói mỉa mai theo kiều các anh giỏi nhảy vào đây mà làm, hay nhà báo à, các anh thì giỏi rồi, cần gì phải hỏi, cứ thể mà viết…thì với các cầu thủ, cũng có lời ra tiếng vào cho rằng bị ông ghét, cố tình cất ngoài sân và không cho thi đấu.
Nhưng suy cho cùng, đó cũng chỉ là điều tiếng, một số ý kiến đơn lẻ, không đại diện cho số đông và chính HLV Lê Thụy Hải cũng thừa biết, cuộc sống mà, luôn có người yêu, kẻ ghét và không chỉ bóng đá, bất cứ lĩnh vực nào cũng không thể làm hài lòng tất cả.
Chính bởi cá tính thẳng thắn ấy mà HLV Lê Thụy Hải khi đi đến đội bóng nào làm việc thì vẫn giữ vững nguyên tắc của bản thân, không có chỗ cho ngôi sao. Ở đội này, chỉ tôi là ngôi sao chứ không phải là ai khác.
Thời còn làm việc cho B.Bình Dương, HLV sẵn sàng nhiều trận đấu cất ngôi sao tấn công số 1 của đội tuyển Việt Nam thời bấy giờ trên băng ghế dự bị nhiều trận đấu, thậm chí trả lời thẳng cầu thủ đó khi được hỏi rằng: con là cầu thủ Chủ tịch đưa về chứ không phải bố. Con không phù hợp chiến thuật, phong độ không tốt thì phải dự bị, để người khác đá chính..
Những câu chuyện như thế sau này được truyền tai nhau, bàn tán ra ngoài, biến tướng đi ít nhiều, thậm chí còn là một trong số những chi tiết được đưa vào sách khiến không ít những dư luận không hay nhắm đến ông Hải sau này. Ông có đọc và biết nhưng cười nhẹ rồi cho qua với suy nghĩ đơn giản, mình chấp làm gì, chúng nó trẻ con, toàn tuổi con cháu mình cả. Ai hiểu thì mình cảm ơn còn không thì cũng chẳng sao, ông Hải từng chia sẻ với người viết như thế.
Từ Hà Nội ACB, Thể Công, XM the Vissai Ninh Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Đà Nẵng và sau này là Becamex Bình Dương với 5 lần đi và đến, bất cứ ở đội bóng nào, thời điểm nào HLV Lê Thụy Hải cũng đặt cá tính của mình vào đội bóng.
Dù có nhiều người không thích cách làm việc và sự thẳng thắn, đặt cái vị trí của mình lên cao nhất của HLV Lê Thụy Hải nhưng chính thành tích, những chiếc Cup và danh hiệu mà ông có được, đặc biệt là khi làm việc tại Becamex Bình Dương trong cả vai trò HLV lẫn Giám đốc kỹ thuật đã tạo nên giá trị thương hiệu cho ông.
HLV Lê Thụy Hải chính là HLV đầu tiên tại V-League được hưởng mức lương 100 triệu đồng/tháng, ông cũng là HLV đầu tiên đưa ra yêu cầu phải có phí lót tay như chuyển nhượng cầu thủ mới nhận lời về làm việc như hồi ở XM the Vissai Ninh Bình.
Những chi tiết đầu tiên mà ông chính là người mở đường đã tạo nên những thuận lợi cho các HLV tại V-League sau này được quyền ra điều kiện với các ông chủ đội bóng khi được mời làm việc chứ không có chuyện được hưởng lương không lót tay hoặc dùng cầu thủ do lãnh đạo CLB đưa về.
60 tuổi mới cầm một đội bóng ở V-League, không có bằng AFC như yêu cầu của Ban tổ chức nhưng bao năm HLV Lê Thụy Hải vẫn luôn là HLV được săn đón hàng đầu, trải thảm đỏ để mời về. Ông từng bảo, tôi thích làm đội khó, chỗ khó, nhận việc khó. Người ta cần mới mời mình về và nếu không làm được thì tôi sẽ đi, ở lại để làm gì.
Trái tim của một con người, HLV cá tính Lê Thụy Hải đã ngừng đập trưa 7/5 nhưng những hình ảnh, đóng góp của ông cho bóng đá Việt Nam cả trong sự nghiệp cầu thủ lẫn trên băng ghế huấn luyện viên vẫn còn mãi. Không chỉ trước đây, bây giờ mà cả sau này, nhiều thế hệ cầu thủ của bóng đá Việt Nam sẽ vẫn còn nhắc và nhớ đến ông.
Bóng đá Việt Nam đã làm nên lịch sử và cái tên Lê Thụy Hải cũng chính là một phần lịch sử của bóng đá Việt Nam..
Xin mượn lời của cậu học trò cũ, cựu trung vệ tuyển thủ Việt Nam Vũ Như Thành để kết lại bài viết chia tay HLV Lê Thụy Hải. “Trong tâm trí con, bố là một người đàn ông gai góc và sống rất đời, giàu tình cảm, thương yêu, dạy dỗ cầu thủ một cách rất đặc biệt. Dù yêu hay ghét nhưng có một điều chắc chắn rằng tất cả mọi người luôn tôn trọng bố”.
Vâng tất cả mọi người dành cho ông, HLV Lê Thụy Hải một sự tôn trọng!
Lâm Chi
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất