15/08/2019 07:21 GMT+7 | Bóng đá Việt
(lienminhbng.org) - Đã có những chỉ trích cũng như những căn nguyên “tại-vì-do-bởi” được đặt ra khi các đội tuyển trẻ quốc gia như U15 hay U18 thi đấu không thật sự ấn tượng ở những giải đấu gần đây. Sau thành công lọt vào VCK U20 FIFA World Cup cách đây 2 năm của lứa cầu thủ U19, có phải bóng đá trẻ Việt Nam đang có sự chững lại khi liên tiếp nhận thất bại tại các giải đấu trong khu vực cũng như châu lục?
Rộng hơn, đó là dấu hỏi về công tác đào tạo bóng đá trẻ ở nước ta. Vấn đề này đã ghi nhận nhiều ý kiến trên tinh thần góp ý và xây dựng để tìm ra hướng đi tốt hơn, chứ không phải chỉ trích và nhìn vấn đề trên tinh thần phủi tay và dìm hàng.
“Không hài lòng và đáng lo với thành tích đi xuống của các đội tuyển U15, U16, U18 và U19 trong 4 giải đấu ở 2 năm 2018 và 2019 là có thật, nhưng không phải vì thế mà chúng ta phủ nhận tất cả những điểm sáng đã có.
Cũng cần phải nhìn nhận với nhau một thực tế là bóng đá trẻ không phải năm nào và lò đào tạo cũng cho ra các lứa cầu thủ đều như gieo. Hơn thế, tính ổn định vẫn luôn là mấu chốt của vấn đề này.
Có thể đội trẻ đó không thành công ở giải này nhưng vẫn đá tốt hơn ở những giải sau. Còn nhớ, ở giải U18 Đông Nam Á gần nhất, thế hệ của những Quang Hải, Đoàn Văn Hậu, Trần Đình Trọng cũng không thật sự thành công, nhưng sau đó họ lại bùng nổ tại giải U19 châu Á, rồi lấy vé dự VCK World Cup U20. Chúng ta đừng trách ai cả, từ HLV đến các em cầu thủ”, chuyên gia Đoàn Minh Xương nêu quan điểm như thế.
Và ông nhìn nhận: "Đúng là công tác xây dựng và thi đấu của bóng trẻ thời gian qua tạo ra được những thành quả nhất định. Nhưng nhìn toàn cục, chúng ta chưa có hệ thống tuyển chọn, đào tạo thống nhất trên bình diện cả nước một cách quy củ và bài bản.
Do vậy, khi gọi cầu thủ tập trung vào đội tuyển, Ban huấn luyện quá mất thời gian cho việc lắp ráp, uốn nắn các em vào một cách chơi chung nhất, hòa hợp nhất. Hệ thống thi đấu vừa ít lại vừa mỏng, cầu thủ trẻ khó có cơ hội lẫn động lực để chứng minh năng lực chuyên môn".
“Công tác đào tạo trẻ là cơ bản đáp ứng, nhưng các em cầu thủ có quá ít cơ hội được thi đấu và rèn giũa nhiều, quá ít sân chơi và giải đấu để họ thử lửa, đúc kết và thể hiện. Thậm chí không ít người sau những thành công đã ngộ nhận như thế là vượt bậc, là trưởng thành.
Thành công đã có là không thể phủ nhận nhưng nhìn qua nhìn lại quá ít so với yêu cầu. Chỉ vài lò đào tạo như thế là chưa đủ, trong khi đó vẫn còn rất nhiều CLB chuyên nghiệp bỏ trắng công tác đào tạo cầu thủ trẻ”.
Chuyên gia Đoàn Minh Xương cũng cho rằng chúng ta đừng quá nặng lời chỉ trích về việc thi đấu chưa như ý của các cầu thủ trẻ ở những giải đấu vừa qua.
Ông nói: “Quan trọng nhất là làm sao vực dậy tinh thần, giúp các em đứng dậy mạnh mẽ, tạo cơ hội cho các em được cọ xát, thi đấu nhiều hơn trong tương lai bởi lứa trẻ hiện nay sẽ là thành phần trụ cột của đội tuyển U22 Việt Nam ở SEA Games 2021 mà chúng ta là nước chủ nhà hay cho cả mục tiêu World Cup 2026”.
Đồng quan điểm cùng chuyên gia Đoàn Minh Xương, BLV Vũ Quang Huy cũng đã có những đánh giá thẳng thắn trên nhiều khía cạnh: "Việc đào tạo trẻ phải được đảm bảo liên tục, dài hơi và thật sự bài bản, khoa học. Các CLB cũng phải có nền tảng chắc chắn, còn chúng ta hiện tại các lứa trẻ vẫn chưa đáp ứng được đầy đủ các tiêu chí đó. Quan điểm của tôi là giải trẻ lập ra để giúp cầu thủ cọ xát, cái đích vẫn là U23 hoặc ĐTQG. Nói cho cùng, đội trẻ hết lứa này lứa khác ra lò, đến hẹn lại lên, không thể đòi hỏi lứa nào cũng tốt như lứa nào”.
“U15 và U18 Việt Nam đã không có những thể hiện đúng như kỳ vọng nhưng ở một khía cạnh nào đó, thất bại là điều cần thiết để biết chúng ta đang ở đâu thay vì những lầm tưởng rằng chúng ta đã hoàn toàn thắng lợi và bài bản trong công tác đào tạo trẻ.
Thực tế cái đích lớn nhất của bóng đá trẻ không hẳn ở thành tích mà là câu chuyện làm sao cung cấp càng nhiều tài năng cho đội tuyển quốc gia về sau càng tốt. Đó mới là cái đích để gây dựng nền móng vững chắc hơn”, BLV Vũ Quang Huy nhìn nhận vấn đề như thế.
Nói vậy để thấy thành công hay thất bại các giải đấu trẻ chưa thể nói lên điều gì. Chúng ta lo lắng là có nhưng nhìn một cách bi quan và phủ nhận tất cả cũng chưa hẳn là đúng.
Quan trọng chính là những kinh nghiệm và bài học mà tất cả các bên liên quan từ mỗi cầu thủ, HLV cho đến các trung tâm đào tạo trẻ cần phải nhìn thẳng vấn đề, góp nhặt ý kiến, tận dụng nguồn lực.
Tất cả điều đó phải được giải quyết trên lộ trình bài bản, chuyên nghiệp, khoa học và thật sự tâm huyết để cho công tác ươm mầm tài năng ngày càng chỉn chu hơn.
Trần Tuấn
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất