22/04/2014 12:04 GMT+7 | Bóng đá Việt
(lienminhbng.org) - Ít nhất 6/11 cái tên có liên quan đến vụ dàn xếp tỷ số trận đấu giữa V.Ninh Bình và Kelantan FC trong khuôn khổ vòng bảng AFC Cup 2014 từng trưởng thành từ lò đào tạo Nam Định. Và ngoài Lê Văn Duyệt và Phạm Xuân Phú, 4/6 trong số họ từng khoác áo các ĐTQG.
Đào thoát khỏi thành Nam
Không tính một số cá nhân phát tiết sớm và cũng được đưa lên đội 1 từ rất sớm, lứa cầu thủ sinh năm 1979-1981 của những Trung Kiên, Lương Phúc, Duy Hoàng, Trọng Lộc…, trong khoảng 10 năm đổ lại đây, lò đào tạo thành Nam đã sản sinh thêm rất nhiều tài năng bóng đá.
Tóm lại có thể quy thành 2 lứa cầu thủ: Thế hệ 82 – 85 với đại diện là Quang Huy, cựu đội trưởng đội bóng thành Nam, từng khoác áo U23 Việt Nam và ĐTQG và thế hệ sinh sau 1988, mà anh em nhà Danh Ngọc-Nhật Nam, cùng Trần Mạnh Dũng là những đại diện tiêu biểu.
Năm 2010, khi Nam Định lần đầu tiên ở V-League phải xuống chơi tại giải hạng Nhất, cuộc đào thoát khỏi thành Nam lên đến đỉnh điểm, với thế hệ của Quang Huy gần như sạch bóng. Một năm sau đó, mặc cho U21 Nam Định đã lên ngôi lần thứ 2 ở giải U21 QG - Cúp Báo Thanh Niên, đội 1 Nam Định tiếp tục phải xuống chơi ở giải hạng Nhì. Đó chính là nguyên nhân dẫn đến lần ly tán tiếp theo, mà Danh Ngọc chính là lá cờ đầu (chấp nhận chịu án phạt nặng của VFF), kế đến là Mạnh Dũng, Chu Ngọc Anh, Văn Duyệt, rồi Phạm Văn Quý…
Khi những Nhật Nam, Lâm Anh Quang, Hữu Khôi…, vì những điều khoản ràng buộc của bản hợp đồng đào tạo ký vô thời hạn, hiện vẫn đang mắc kẹt ở thành Nam mấy năm qua chơi giải hạng Nhì, thì Văn Quý chính là cầu thủ cuối cùng của lứa 88-92 được V.Ninh Bình mua lại. Rất may, hậu vệ này không (hay tạm thời chưa) dính vào nghi án dàn xếp tỷ số, dù Văn Quý là người ghi bàn duy nhất, giúp V.Ninh Bình hòa South China 1-1, mở cánh cửa vào vòng 1/8 cho đội bóng đất cố đô Hoa Lư.
Trách tại con đường
Ngày rời Nam Định làm biệt phái cho bóng đá Ninh Bình, trước khi gắn sự nghiệp với mảnh đất này, HLV Nguyễn Văn Sỹ đã chia sẻ rằng, các thế hệ HLV và cầu thủ Nam Định dù rất có năng lực nhưng gần như không có điều kiện phát triển nếu ở lại. Cựu danh thủ “thế hệ vàng” không phải không có lý, khi bao năm qua, Nam Định chỉ chơi ở giải hạng thấp (hạng Nhì) và các tuyến trẻ ở Trung tâm bóng đá thưa thớt cầu thủ trẻ đến tập, dù họ từng được liệt vào hàng kiểu mẫu. Đội bóng luôn gặp khó khăn trong việc kêu gọi tài trợ vì lý do muôn thuở: Cơ chế.
“Tôi nhận thấy là nhân tài người Nam Định ở đủ mọi ngành nghề đều có. Nhưng thường họ chỉ khẳng định mình ở một nơi nào đó, chứ không phải tại thành Nam. Đó là lý do, tôi cố gắng giúp các cầu thủ trẻ thoát ly để nuôi tiếp sự nghiệp và nếu được, để khẳng định tên tuổi”, HLV trưởng V.Ninh Bình từng chia sẻ với Thể thao & Văn hóa. Chung quan điểm này, cựu HLV trưởng ĐT Việt Nam và CLB Hà Nội.T&T, Phan Thanh Hùng, cho rằng, việc trung vệ trẻ tài năng Lâm Anh Quang hay tiền vệ Nhật Nam vẫn kẹt lại ở Nam Định là một sự phí phạm lớn.
Vì nhiều lý do, trong đó phải kể đến cơ chế rất đặc thù của bóng đá Nam Định, những người “nổi loạn” thường chịu thiệt. Thế nên, cần có những người tiên phong, để phá vỡ cái cấu trúc cũ kỹ, lạc hậu ấy và Hoàng Danh Ngọc chính là đại biểu cho thế hệ cầu thủ đầy tài năng của anh. Ngay cả khi đã nộp lại 2,4 tỷ đồng phí đào tạo, thì Ngọc vẫn phải chịu án phạt 18 tháng của VFF, do tự ý phá vỡ hợp đồng đào tạo.
Phải, một khi không còn ý niệm (hay không thể) làm bóng đá đỉnh cao, với uy tín của mình, bóng đá Nam Định có thể chuyển đổi mô hình đào tạo để bán. Chuyện lãnh đạo bóng đá Nam Định tiêu tiền vào đâu sau khi bán cầu thủ với những bản hợp đồng tiền tỷ là việc của họ, nhưng nếu đối chiếu với cú trượt dài của bóng đá thành Nam mấy năm qua thì đấy rõ ràng là một dấu hỏi rất lớn.
Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất