03/05/2019 06:07 GMT+7 | Bóng đá Việt
(lienminhbng.org) - Mới đây, chính phủ UAE đã thành lập Bộ Ministry of Possibilities, để giải quyết những "khoảng mù", khe hở mà pháp luật sở tại không thể can thiệp vào. Vẫn biết, mọi so sánh chỉ là tương đối, nhưng xét bối cảnh bóng đá Việt Nam, với rất nhiều những tồn tại - điểm mù không thể giải quyết, không thể can thiệp, liệu có nên thành lập một bộ phận độc lập hoàn toàn có nhiệm vụ giám sát và thậm chí "xuống tay"?
Thực ra thì vài năm trước, VFF cũng từng thông qua việc thành lập Ban Tư vấn Đạo đức, với ông Trưởng ban là Nhà báo Nguyễn Công Khế, một người có uy tín trong giới bóng đá, đặc biệt là bóng đá trẻ và công tác báo chí trong nhiều năm. Nhưng Ban này hoạt động không mấy hiệu quả, nếu không muốn nói là sai chức năng, trước khi đi vào quên lãng.
Ví như việc chống tiêu cực và tố giác các biểu hiện tiêu cực, thực ra là công việc của Cơ quan điều tra, chứ không phải Ban Tư vấn Đạo đức. Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược, Ban Tư vấn Đạo đức thực sự là "hữu danh vô thực", dù về tiêu chí hoạt động là khá văn minh.
Trở lại với vấn đề mà chúng ta nêu ở đầu bài viết. Những luật bất thành văn đã và đang tồn tại từ nhiều năm qua, những góc khuất và cả những chỉ đạo không hợp thời, thực sự đã cản trở sự phát triển của nền bóng đá, cũng như các giải bóng đá chuyên nghiệp và ngoài chuyên nghiệp. Đơn cử như nạn đưa hối lộ, biếu xén tổ trọng tài, trước và sau các trận đấu, chưa thể chấm dứt, khiến nhiều "vua áo đen" từng bị điểm mặt đặt tên và buộc phải treo còi, treo cờ trong im lặng. Hay vụ xử lý tiền hậu bất nhất như Ban Kỷ luật vừa rồi với án phạt dành cho sân Hàng Đẫy, cũng gây khá nhiều bức xúc trong công và dư luận.
Tại sao và như thế nào, ông Trần Mạnh Hùng - Chủ tịch CLB Hải Phòng lại vẫn còn chân trong Hội đồng quản trị VPF, sau khi buộc phải thôi nhiệm từ vụ "băng ghi âm" bị phát tán trong cuộc đấu tố với Phó Ban trọng tài khi đó là ông Dương Văn Hiền (giờ đã là Trưởng ban)?
Nếu lấy lý do VPF trong quá trình phôi thai và thiếu nhân sự cấp cao, thời Chủ tịch Võ Quốc Thắng, để vừa đá bóng vừa thổi còi, thì 8 năm sau ngày thành lập và đi vào hoạt động, về bản chất Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam vẫn không có gì thay đổi. Bình mới, rượu cũ, nên bao tồn tại vẫn diễn ra như chuyện thường ngày ngoài chợ.
"Không gì là không thể" là slogan được xăm trên mình của khá nhiều các cầu thủ Việt Nam, thể hiện ý chí vươn lên, không đầu hàng số phận. Bóng đá Việt Nam từ thời bao cấp đến kỷ nguyên lên chuyên, quả là cũng rất nhiều vụ việc "không gì là không thể xảy ra", kiểu như sáng đúng, chiều sai, tối lại có lý vậy.
Những HLV hàng đầu như Jose Mourinho từng không ít lần lấy bóng đá Việt Nam ra làm trò đùa cho một sự ví von, kiểu như nếu bạn muốn xem các màn đấu võ trên sân thì xin mời qua V-League. Các vấn đề bạo lực sân cỏ và pháo sáng, luật thi đấu cũng chưa từng được giải quyết triệt để.
Vài năm gần đây, VFF và Ban Trọng tài (thuộc VFF) thường cử những cán bộ giảng dạy xuống tận CLB để phổ cập luật thi đấu cho các đội bóng, cũng như cầu thủ. Chế độ cho những cán bộ này, đương nhiên là do VFF chi trả, nhưng kèm theo đó cũng có "quà mang về" từ đội bóng. Gọi là được ăn, được nói, được cả gói mang về. Thế thì đừng hỏi tại sao các CLB lại lờn thuốc.
Nếu Ban (hay một tổ chức nào đó) "Không gì là không thể" được thành lập tại Việt Nam, để can thiệp và xử lý những góc khuất, điểm mù, chúng tôi cho rằng hoàn toàn tích cực. Chỉ với riêng địa hạt bóng đá, tuy nhỏ nhưng lại dành được sự quan tâm, đầu tư nguồn lực lớn của xã hội, nhất thiết phải được minh bạch hóa hoạt động, bởi suy cho cùng VFF cũng chỉ là tổ chức xã hội nghề nghiệp.
Bất cứ ai có tâm, có tài đều có thể tham gia để xây dựng hình ảnh và phát triển nền bóng đá, cũng như hệ thống các giải đấu, chứ không phải mãi bưng bít như hiện tại. Nhất thiết phải có bộ phận giải quyết những vấn đề nóng.
Tùy Phong
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất