02/07/2016 05:55 GMT+7 | V-League
(lienminhbng.org) - Trong 2 năm qua, B.Bình Dương gần như không có đối thủ ở sân chơi quốc nội. Việc lấy cúp đối với họ không quá khó khăn. Thế nhưng, ở V-League 2016, nhà ĐKVĐ đang có những bước lùi đáng kể sau giai đoạn lượt đi. Qua Thể Thao & Văn Hóa Cuối tuần, TGĐ Cty CP thể thao – bóng đá Bình Dương, Lê Hồng Cường đã có những chia sẻ thẳng thắn.
Sau giai đoạn lượt đi, B.Bình Dương đứng ở vị trí thứ 7 với chỉ vỏn vẹn 19 điểm. Cảm giác của ông như thế nào về thành tích này của đội bóng?
- Tôi thấy thất vọng, buồn vì thành tích chưa đạt yêu cầu đề ra. Bóng đá có trận thắng trận thua, lúc lên lúc xuống nhưng đến bây giờ, kết quả đó rõ ràng khiến đội bóng chưa hài lòng. Với một đội bóng như B.Bình Dương thì kết quả này không phải là cú sốc lớn.
Đâu là nguyên nhân cho sự đi xuống đó?
- Thứ nhất, do chúng tôi bung sức quá nhiều ở đấu trường AFC Champions League. Có thời điểm hơn 40 ngày mà đá tới 11 trận, lại di chuyển nhiều, bào mòn thể lực của cầu thủ. Từ đó dẫn đến tình trạng chấn thương dai dẳng, thường rơi vào những trụ cột như Trọng Hoàng, Văn Thành, Moses,… khiến sức mạnh tập thể yếu đi.
Thứ hai, chúng tôi đang có sự thay đổi trong xu hướng phát triển của đội bóng. Đó là chú trọng sử dụng cầu thủ trẻ do mình đào tạo, tăng tính địa phương để lôi kéo khán giả đến sân. Thứ ba, chất lượng ngoại binh mùa giải này rất hạn chế.
Sau hai chức vô địch, phải chăng B.Bình Dương đã không còn nhiều khát khao vô địch ở sân chơi quốc nội?
- Nói không có khát khao là không phải bởi những ai làm bóng đá cũng đều hướng đến vinh quang cả. Về mặt tinh thần, tôi dám chắc các cầu thủ luôn ra sân với 100% sức lực vốn có của họ. Ở một vài thời điểm, chỉ một vài vị trí non kinh nghiệm hoặc bị vấn đề thể lực khiến họ không thể hiện hết khả năng mà thôi.
B.Bình Dương của mùa giải 2016 khác gì so với hai mùa giải trước đó mà đội bóng giành chức vô địch?
- Không có sự khác biệt ghê gớm nào cả. Vấn đề ở chỗ năm nay chúng tôi có lứa cầu thủ trẻ tiềm năng nhưng kinh nghiệm chưa có. Thêm nữa, B.Bình Dương lại hướng đến xây dựng đội bóng với nhiều người bản địa. Đó là sự khác biệt trong cách làm.
Thay vì mua một loạt cầu thủ ở độ chín sự nghiệp rồi hai hay ba năm sau họ đi xuống thì lúc đó buộc chúng tôi phải đi mua lại một lứa cầu thủ khác. Làm như thế rất tốn kém nên nếu không có sự đầu tư cho lứa trẻ thì sẽ bị hụt hẫng một khi đội bóng khó khăn. B.Bình Dương muốn đầu tư bài bản, lâu dài, có hệ thống chiến lược nên năm nay hầu như chúng tôi không mua.
Không chỉ gây thất vọng ở yếu tố thành tích, B.Bình Dương còn “thua” cả trên khán đài?
- Tôi phải thừa nhận điều này khi B.Bình Dương chưa thể giành chiến thắng với “cầu thủ thứ 12” của mình. Cần phải nói rằng B.Bình Dương là một trong những đội bóng có sự đầu tư rất lớn cho Hội CĐV, cho việc thu hút khán giả đến sân.
Chúng tôi đã suy nghĩ, trăn trở và làm rất nhiều nhưng vẫn chưa đạt được như yêu cầu. Song song với việc phát triển chuyên môn, thành tích của đội bóng, khán giả cũng là mục tiêu mà B.Bình Dương cần phải chinh phục thành công và sẽ được kiện toàn trong thời gian tới.
“Còn nước cứ tát”
Ở mùa giải trước, có thời điểm B.Bình Dương bị bỏ xa tới 9-10 điểm nhưng vẫn giành chức vô địch. Hiện tại, đội đầu bảng Hải Phòng đang bỏ xa 10 điểm, liệu B.Bình Dương có tái hiện như năm ngoái?
- Trên lý thuyết, với 13 vòng đấu nữa, khả năng vô địch vẫn còn nhưng sẽ rất khó. Năm ngoái, chúng tôi vô địch với số điểm 52 và nếu năm nay muốn tái hiện số điểm đó, cần phải có thêm 11 trận thắng nữa. Điều này cực kỳ khó, thôi thì cố gắng từng trận, từng trận. Nếu cảm thấy không được thì phải thay đổi theo từng thời điểm nhưng vẫn phải quyết tâm, còn nước cứ tát. Ở Cúp QG, B.Bình Dương vẫn còn tràn đầy cơ hội vô địch.
Một khó khăn nữa là năm ngoái chỉ có 3 đội (B.Bình Dương, Hà Nội T&T và FLC Thanh Hóa) đua nhau nhưng năm nay cơ hội dành cho rất nhiều đội nên khả năng ganh đua hứa hẹn sẽ rất hấp dẫn và gay cấn.
Đã quá no nê với đấu trường quốc nội, mục tiêu của B.Bình Dương có phải là hướng ra sân chơi châu lục?
- Đó là hướng phát triển và đầu tư của B.Bình Dương nhưng cũng cần nhớ rằng, để bước ra đấu trường châu lục, bạn cần phải vô địch giải quốc nội. Việc có thành tích tốt ở đấu trường châu lục không chỉ mang lại lợi ích của CLB mà đó còn là kênh giới thiệu hình ảnh bóng đá Việt Nam không thể tốt hơn đến với bạn bè châu lục.
Chúng tôi luôn đặt tham vọng vô địch ở đấu trường V-League để giành vé trực tiếp vào vòng bảng AFC Champions League chứ nếu tham gia ở vòng play-off, sẽ khó có “cửa” cho các đội bóng ĐNÁ.
Hướng đi sắp tới của B.Bình Dương là gì, thưa ông?
- Năm nay phải nói là năm bản lề của chúng tôi. B.Bình Dương kết hợp giữa sức trẻ của các cầu thủ tự đào tạo với kinh nghiệm. Một năm ở V-League sẽ giúp ích ít nhiều cho các em và năm tới, ngoài việc tiếp tục đôn các cầu thủ trẻ, chúng tôi sẽ chiêu mộ những cầu thủ có kinh nghiệm, chuyên môn tốt.
Phải chăng, B.Bình Dương đã quá thấm thía với nhận định “ở V-League, muốn vô địch thì cứ đổ nhiều tiền vào sẽ được”?
- Tôi không nghĩ như vậy. Tất nhiên, vấn đề tài chính là một yếu tố quan trọng trong việc đạt được thành tích tốt. Tuy nhiên, phải sử dụng tiền đúng hướng mới là sự quyết định; nghĩa là phải phù hợp với từng thời điểm.
Bên cạnh đó phải có sự may mắn. Đồng thời được tạo điều kiện, hỗ trợ tốt nhất từ VFF. Chẳng hạn, nếu B.Bình Dương được hỗ trợ phân bố lịch thi đấu giãn ra, hợp lý thì chúng tôi không đến nỗi hụt hơi ở cả hai đấu trường.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
Kết thúc lượt đi mùa giải trước, B.Bình Dương xếp đầu bảng với 28 điểm. Thế nhưng, mùa giải này, họ chỉ thu về 19 điểm. Ở những mùa giải mà số lượng đội bóng tham dự V-league là 14 thì đội vô địch cần ít nhất 46 điểm. Đó là Hà Nội T&T vào năm 2010. SHB Đà Nẵng vô địch 2012 cần 48 điểm, SLNA (2011, 49 điểm), SHB Đà Nẵng (2009, 50 điểm) và B.Bình Dương (2008, 48 điểm và 2007, 55 điểm). |
Nam Giao (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất