25/01/2022 14:49 GMT+7 | Bóng đá Việt
(lienminhbng.org) - Đã có ý tưởng mở học viện đào tạo trọng tài, nhằm đáp ứng nhu cầu thúc bách trong bối cảnh lực lượng cầm cân nảy mực vừa yếu cả lượng lẫn chất. Tuy thế, để hiện thực hóa cần rất nhiều sự phối hợp.
Bởi nếu tư nhân (doanh nghiệp) làm thì cơ chế thông thoáng, tính chuyên nghiệp cao, “chất lượng sản phẩm” rất khả quan. Thế nhưng, đầu ra thì thế nào? Vai trò của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam ở đâu? Quản lý về mặt nhà nước luôn được VFF và cơ quan chủ quản coi trọng.
Phân tích thế để thấy VFF và VPF cần nâng cao trách nhiệm đào tạo lực lượng trọng tài bởi Ban Trọng tài thuộc một bộ phận của VFF. Vậy nhưng, cái Ban này (trước đây là Hội đồng trọng tài quốc gia) đã không làm tròn trách nhiệm để rồi sau 22 năm khâu trọng tài vẫn là điểm nóng và yếu trong hệ thống bóng đá chuyên nghiệp.
Thật nghịch lý khi chế độ của đội ngũ “vua sân cỏ” hiện nay đã được cải thiện vượt bậc, đi đến các sân rất được trọng thị nhưng rồi chất lượng vẫn không cải thiện.
Nói thế không có nghĩa sân cỏ Việt Nam thiếu tiềm năng trọng tài. Thậm chí, rất nhiều người muốn gia nhập đội ngũ này, vấn đề sau một thời gian thì khả năng bỗng nhiên chững lại.
Có nghĩa, môi trường để giới trọng tài phát triển là không màu mỡ, nếu không muốn nói đang có vấn đề.
Một thực tế tồn tại rất lâu là lãnh đạo Hội đồng Trọng tài quốc gia trước đây, nay là Ban trọng tài, không có sự đột biến về nhân sự. Vẫn những gương mặt cũ kỹ ngồi trên ghế “vua của vua”, hoạt động theo kiểu “đóng cửa dìu nhau”, “quân anh, quân tôi”. Cơ chế vận hành đậm đặc tính chất bao cấp, quan liêu. Thành ra, sự cạnh tranh trong giới trọng tài thiếu ông bằng, lành mạnh.
Những người đến với nghề trọng tài thường chỉ là tay trái, đa số là giảng viên thể thao, cán bộ các trung tâm, sở, ban, ngành thể thao. Họ ít có trải nghiệm trong lĩnh vực điều hành các trận đấu đỉnh cao, phải theo năm tháng nhưng cuộc cạnh tranh để có “số má” không đơn giản.
Giới trọng tài cũng có “luật lệ” khá hà khắc. Nếu không hợp cạ, dù tài giỏi nhưng chỉ cần vài sai sót có khi thân bại danh liệt bởi chính “người trong nhà”. Ngược lại, có sự nâng đỡ thì dù sai nặng thành nhẹ, sai nhẹ thành… không có gì. Do đó, không ít gương mặt có triển vọng đã quay sang sống theo kiểu “dĩ hòa vi quý” để được làm nghề, số tự trọng thì giải nghệ để chú tâm đeo đuổi sự nghiệp ở cơ quan chủ quản.
Mối quan hệ giữa CLB và giới trọng tài chưa thực sự lành mạnh. Đấy cũng là môi trường tốt để các dạng thức tiêu cực nảy mầm, đẩy tiếng còi của trọng tài và ngòi bút phê của các vị giám sát thiếu đi tính trách nhiệm.
Tóm lại, học viện đào tạo trọng tài là một ý tưởng không kém phần lãng mạn. Đấy cũng là thông điệp để VFF và Ban trọng tài cần phải cách mạng toàn diện hệ thống trọng tài - từ quản lý, điều hành, phân công, đào tạo, phát triển… để đội ngũ cầm cân nảy mực cải thiện về chất, tính chuyên nghiệp. Xây dựng được một môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng và kỷ cương ngay ở bộ phận chóp bu, chắc chắn sẽ không khó để đào tạo nên những thế hệ trọng tài tốt cho bóng đá Việt Nam.
Xin nhắc lại, lực lượng trọng tài là của VFF, nên tổ chức này không thể bàng quan trước sự trì trệ của các “vua sân cỏ”. Đáng buồn nhất là không tạo nên niềm tin để các CLB tôn trọng, khiến mỗi năm phải bỏ ra không ít tiền để thuê trọng tài ngoại. Các “vua” ngoại không phải quá giỏi, nhưng họ đáng tin cậy hơn.
“Ao nào thì cá đó”, đấy cũng là băn khoăn kiểu tại sao các doanh nghiệp mở học viên bóng đá thì nhiều tài năng ló dạng, trong khi Trung tâm đào tạo trẻ của VFF thì tậm tịt nhân tài?
Trọng tài cũng vậy cả thôi!
Nam Giao
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất