Các CLB sợ hoãn hơn hủy V-League

22/07/2021 18:34 GMT+7 | V-League

(lienminhbng.org) - Sau khi VPF gửi văn bản đề nghị góp ý về thời gian đưa V-League 2021 trở lại, đa số các CLB đều giữ nguyên quan điểm không muốn kéo dài mùa bóng sang tháng 2/2022. 

'Không thể hủy V-League'

'Không thể hủy V-League'

Đấy là phát biểu của ông Trần Anh Tú, Ủy viên Thường trực VFF, Chủ tịch HĐQT Công ty CP VPF, kiêm Trưởng Ban chỉ đạo các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. Vấn đề là chúng ta sẽ tiếp tục giải đấu như thế nào, trong bối cảnh dịch dã hết sức căng như thế này...

Theo đề xuất của VPF, V-League 2021 sẽ tổ chức vào tháng 2/2022, thời điểm các đội tuyển quốc gia không vướng bận nhiều về các giải đấu quốc tế.

Đó cũng là lúc các CLB thường xuyên tập trung chuẩn bị cho mùa bóng mới 2022 nên mùa giải 2021 và 2022 có thể diễn ra liên tục tính từ thời điểm đó.

bóng đá, bóng đá Việt Nam, bóng đá hôm nay, đội tuyển Việt Nam, Park Hang Seo, VPF, Nam Định, HAGL, Hải Phòng, Viettel, SHB Đà Nẵng, V-League 2021, hoãn V-League 2021
Các CLB như TP.HCM hay Sài Gòn FC có thể muốn huỷ luôn mùa giải 2021 thay vì thi đấu tiếp vào sang năm. Ảnh: VPF

Hầu hết các CLB khi nghe  "kịch bản" của VPF đã phản ứng. Điều dễ nhận thấy đầu tiên là tốn kém kinh phí. Theo tìm hiểu, các CLB đa số ký hợp đồng với cầu thủ tính theo thời điểm kết thúc mùa giải.

Nếu giải đấu kéo dài đến tháng 2/2022, các CLB sẽ vẫn phải trả tiền lương cho các cầu thủ dù không thi đấu. Giám đốc điều hành CLB Nam Định Trần Thái Toán không ngần ngại tiết lộ đội bóng được xem là “nhà nghèo” như họ cũng tốn khoảng 1 tỷ đồng/tháng để trả lương cho toàn đội.

Các CLB đã chờ lịch thi đấu mới từ VPF khoảng 3 tháng qua nên càng kéo dài thời gian, họ càng gánh chi phí khổng lồ.

Chủ tịch CLB Hải Phòng Văn Trần Hoàn cũng tiết lộ đội bóng của ông ước tính sẽ thiệt hại đến 10 tỷ đồng với phương án VPF nêu.

Theo kinh nghiệm của các CLB, việc ký hợp đồng với các cầu thủ, đặc biệt là ngoại binh sẽ kéo dài đến hết mùa bóng thay vì một tháng cụ thể.

Nhiều ngoại binh sau khi hết hạn hợp đồng đã không chịu thi đấu, buộc CLB phải trả thêm một khoản tiền không nhỏ để đá tiếp.

Nhiều CLB hiện tại phải trả mức lương 10-20 nghìn USD/tháng cho các ngoại binh. Ngoài ra, mức lót tay mỗi mùa cho họ vào khoảng 100-200 nghìn USD.

Về chuyên môn, có lý do để những đội nhóm cuối như SLNA, Sài Gòn FC, TP.HCM… không có nhiều động lực để mong giải trở lại. Ngoài vấn đề có thể xuống hạng, những CLB như TP.HCM từ lâu đã xả trại vì là điểm nóng dịch bệnh ở địa phương và họ không thể tập luyện.

Nếu thi đấu trở lại, họ phải tập hợp lực lượng để chuẩn bị và ít nhiều thua thiệt các đội bóng đã duy trì sự chuẩn bị kỹ càng hơn mình. Nếu giải hoãn dài hạn rồi mới trở lại, các CLB nếu xuống hạng sẽ lâm vào hoàn cảnh trớ trêu.

Ngay cả những CLB thuộc TOP đầu như Than Quảng Ninh cũng sẵn sàng tư tưởng nghỉ chơi khi lãnh đạo đội bóng đang mắc món nợ khổng lồ với toàn đội. 

Vướng mắc lớn nhất nằm ở chiếc Cúp vô địch khi HAGL và Viettel vẫn đang đua tranh quyết liệt và V-League 2021 cũng cần xác định đội đăng quang để đại diện Việt Nam dự các giải châu Á.

VPF ở vào thế khó hơn khi phải tổ chức mùa bóng 2021 để trả quyền lợi cho nhà tài trợ. Nếu huỷ giải, các CLB sẽ xem đó là cơ sở pháp lý để chấm dứt hợp đồng lao động với các cầu thủ và cả nhà tài trợ đã cùng song hành để duy trì đội bóng đến hiện tại.

Ngày mai 23/7 là thời điểm VPF yêu cầu các CLB trả lời trước để tổng hợp ý kiến trước khi trình lên VFF.

V.H

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm