Cần môi trường tốt cho GĐKT Gede

23/06/2016 15:46 GMT+7 | Bóng đá Việt

(lienminhbng.org) - Sau 12 năm, chiếc ghế GĐKT của bóng đá Việt Nam mới lại có chủ. Vậy GĐKT có vai trò như thế nào đối với một nền bóng đá và GĐKT cần điều kiện gì để phát huy tối đa khả năng? Để đi tìm câu trả lời, Thể thao & Văn Hóa Cuối tuần muốn có thêm nhiều ý kiến về vấn đề này.

Chuyên gia Vũ Mạnh Hải: “GĐKT phải là một nhà kiến trúc sư trưởng”

“Mới đây, VFF đã bổ nhiệm HLV người Đức Jurgen Gede làm GĐKT. Như vậy, kể từ năm 2004 tới nay, phải sau hơn 10 năm, sau thời ông Rainer Wilfeld, bóng đá Việt Nam mới có một GĐKT mới. Cá nhân tôi thấy điều này là quá chậm trễ.

Tôi nghĩ đó là nguyên nhân lí giải cho câu hỏi vì sao bóng đá Việt Nam trong quãng thời gian qua luôn thiếu một chiến lược dài hơi. Và gần như là cứ mỗi một đời HLV trưởng lên thay, lập tức có ngay một trường phái bóng đá mới. Nó đi ngược với xu thế là HLV chỉ là những người thợ được thuê để thi công công trình do GĐKT hoạch định nhưng ở Việt Nam thì làm điều ngược lại.

Trong sự phát triển của bóng đá chuyên nghiệp, GĐKT sẽ là người hiểu rõ một nền bóng đá cần phải làm gì, hướng đến cái đích nào với lộ trình ra sao. Nói một cách khác, GĐKT giống như một kiến trúc sư trưởng, quy hoạch sự phát triển của cả nền bóng đá.

Dù ông Jurgen Gede sở hữu bản lí lịch hoàn tráng cùng kinh nghiệm ngồi ghế GĐKT tại nhiều nền bóng đá khác nhau nhưng chưa thể khẳng định, HLV người Đức sẽ thành công tại Việt Nam.


GĐKT Jurgen Gede cần một môi trường làm việc tốt mới có thể giúp bóng đá Việt Nam phát triển.Ảnh: H.B

Trước hết, để làm việc có hiệu quả thì Jurgen Gede cần được tạo một môi trường thuận lợi, được mọi người hỗ trợ để chứng tỏ khả năng. Ông Jurgen Gede  cần được cung cấp các thông tin, thông số chính xác, khách quan về năng lực, hệ thống các lò đào tạo trẻ.

Thứ 2, GĐKT và các chức danh khác như Hội đồng HLV, HLV trưởng phải có được sự đồng bộ, rạch ròi về quyền hạn để tránh sự chồng chéo nhiệm vụ và trách nhiệm.

Theo tôi được biết, hợp đồng của VFF với GĐKT Jurgen Gede có thời hạn 2 năm từ 1/8/2016 đến hết 31/7/2018. Với mục tiêu nhằm thay đổi nhận thức, đầu tư hơn nữa cho các đội tuyển trẻ và các vấn đề khác thì tôi nghĩ quỹ thời gian 2 năm là chưa đủ để Jurgen Gede có thể hoàn thành nhiệm vụ.

HLV Lê Thụy Hải: “GĐKT là rất cần thiết”

“Thực ra mà nói bóng đá Việt Nam tôi nghĩ luôn luôn cần một GĐKT. Nếu để nói là GĐKT cho riêng Liên đoàn thì đúng là không cần nữa vì chúng ta đã có Chủ tịch Hội đồng HLV quốc gia rồi, người hoạch định ra mọi thứ. GĐKT nói chung phải hoạch định kế hoạch, mọi tính toán của CLB ở tầm vĩ mô, GĐKT đúng ra không đi làm sự vụ, huấn luyện ở đội bóng.

GĐKT Jurgen Gede ngạc nhiên với cơ sở vật chất của VFF

GĐKT Jurgen Gede ngạc nhiên với cơ sở vật chất của VFF

Trả lời báo chí trong buổi ra mắt ngày hôm qua (20/6), Tân GĐKT Jurgen Gede đã có những chia sẻ sâu sắc về công việc mới với bóng đá Việt Nam trong thời gian tới.


Ở Việt Nam, vai trò HLV trưởng là quyết định nhưng nếu có GĐKT thì giúp được nhiều về chuyên môn, có thể là thảo luận, đưa ra những quyết sách cùng HLV trưởng sau khi theo dõi đối thủ… giúp HLV trưởng giảm bớt được công việc.

Hai công việc đó hoàn toàn khác nhau nhưng vẫn có thể hỗ trợ cho nhau. Nói chung nếu có GĐKT thì HLV trưởng giảm tải được rất nhiều công việc ở đội bóng vì đã có một người lo toan được mọi thứ rồi”.

Chuyên gia Nguyễn Thành Vinh: “Hy vọng sẽ khác”

“Trong quá khứ, dù không được tạo những điều kiện tốt nhất nhưng với tài năng và sự tâm huyết với bóng đá Việt Nam, trên cương vị GĐKT, ông Rainer Wilfeld cũng đã để lại những dấu ấn nhất định. Tôi xin chia sẻ câu chuyện về ông Rainer Wilfeld, 1 người rất tâm huyết nhưng chưa được làm việc đúng như chức năng, vai trò của một GĐKT.

Năm 2004, lúc đó tôi dẫn dắt U23 Việt Nam và có nhiều thời gian tiếp xúc và làm việc với ông sau thời ông Rainer Wilfeld.

Tôi thấy Rainer Wilfeld rất chăm chỉ đi dự khán và theo dõi các giải đấu từ cấp độ CLB cho tới đội tuyển. Khi tôi hỏi, ông đi nhiều thế để làm gì thì ông ấy trả lời rằng, việc chỉ ngồi 1 chỗ bàn giấy thì lấy đâu ra thực tế để chỉ ra những yếu kém tồn tại của 1 nền bóng đá.

Tuy nhiên, việc ông Rainer Wilfeld đi thực tế nhiều, hầu hết đều là những chuyến đi tự phát theo nhu cầu riêng chứ chẳng có ai yêu cầu hay đòi hỏi, khuyến khích ông ta phải làm thế cả.

Theo tôi hiểu, tức là ở thời điểm đó, ông Rainer Wilfeld cảm thấy rất mơ hồ với nhiệm vụ GĐKT tại Việt Nam khi ông không thực sự được làm những việc cần phải làm đối với 1 người mang trọng trách GĐKT.

Tuy nhiên với sự, tâm huyết, trong khoảng thời gian làm việc tại Việt Nam, ông đã có thời gian theo dõi sát sao các lứa đội tuyển. Đồng thời ông thu thập một lượng kha khá các băng hình liên quan tới lối chơi, đấu pháp của nhiều đội tuyển và các nền bóng đá phát triển. Đối với những người làm công tác huấn luyện như tôi, thời điểm ấy, đó là những thứ tài liệu, kiến thức bóng đá rất có ý nghĩa và hữu dụng.

Ông Rainer Wilfeld chính là người mở mang và tiên phong áp dụng sơ đồ chiến thuật 4-4-2 cho các cấp độ đội tuyển của bóng đá Việt Nam lúc bấy giờ. Chính Rainer Wilfeld là người tư vấn, hướng dẫn, giảng dạy trực tiếp cho các HLV về cách thức vận hành sơ đồ 4-4-2 để thay thế sơ đồ cổ lỗ sĩ 3-5-2 mà bóng đá Việt Nam sử dụng suốt trong quãng thời gian dài trước đó. Và những điều mà Rainer Wilfeld làm được với sơ đồ 4-4-2 được xem là tiền đề cho lối chơi mang lại những thành công vang dội sau này của ĐT Việt Nam dưới thời HLV trưởng Alfred Ried.

Tôi vẫn nhớ một câu mà HLV Alfred Ried ngậm ngùi  nói với tôi rằng, tội cho ông Rainer Wilfeld khi ông không được trọng dụng. HLV Alfred Ried đánh giá Rainer Wilfeld là người rất có tâm, có tầm nhưng dường như chưa được đặt vào môi trường thuận lợi để phát huy khả năng.

Tôi nghĩ để tránh đi vào vết xe đổ của sự lãng phí như dưới thời ông Rainer Wilfeld thì Liên đoàn cần phải xác định cho rõ nét vai trò, chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của chức danh GĐKT để từ đó tạo điều kiện tốt nhất để ông Jurgen Gede có thể phát huy tài năng.

Theo như chia sẻ của tân GĐKT Jurgen Gede, năm 2011 ông ta từng nộp đơn làm HLV trưởng đội tuyển Việt Nam và suốt thời gian qua  vẫn theo dõi sự phát triển của BĐVN. Thế nên, tôi hy vọng, ông Jurgen Gede sẽ không quá ngỡ ngàng với đặc thù bóng đá Việt Nam và có thể làm được như nhưng gì ông ấy đã nói với giới truyền thông: “Tôi không có thời gian để nói mà để dành cho công việc”.

Huy Hùng (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm