'Cốp' chỉ tiêu cho U23 Việt Nam

17/12/2015 12:23 GMT+7 | Các ĐTQG

(lienminhbng.org) - Mặc dù VFF không đưa ra một chỉ tiêu cụ thể nào cho U23 Việt Nam tại VCK U23 châu Á 2016 (diễn ra vào tháng 1/2016, tại Qatar), khi tại bảng D, chúng ta sẽ gặp phải 3 đối thủ cứng cựa là Jordan, Australia và UAE…, nhưng HLV Miura vẫn kỳ vọng vào suất chơi tứ kết?!

Trong một diễn biến khác, sau hợp đồng cho mượn Tuấn Anh hoàn tất với Yokohama FC (J-League 2), bầu Đức tự tin cho rằng, HAGL sẽ mở ra kỷ nguyên mới về xuất khẩu, làm lợi cho bóng đá Việt Nam.

“Trước tôi, có ai làm được điều đó không?! HAGL sẽ không chỉ có mỗi Tuấn Anh đi Nhật, mà sắp tới là Công Phượng, Xuân Trường và rất nhiều cầu thủ khác sẽ dang chơi ở các giải bóng đá hàng đầu. Đây chính là tiêu chí hướng tới khi chúng tôi mở Học viện”, bầu Đức chắc nịch.

1. Chúng ta sẽ bắt đầu với “những đứa trẻ của bầu Đức” trước tiên. Tại Lễ ký hợp đồng ghi nhớ - hợp tác toàn diện với CLB Yokohama (Nhật Bản), bầu Đức sau bài phát biểu (có văn bản) đã... "nổ" một tí. Theo đó, Tuấn Anh sẽ là “gói” hợp tác – trao đổi cầu thủ đầu tiên của HAGL với đối tác Nhật Bản, chứ chưa phải là cuối cùng. Sắp tới, Công Phượng cũng sẽ đến Mito Hollyhock FC và Xuân Trường có thể gia nhập K-League, Hồng Duy đến MLS (Mỹ)...

“Điều quan trọng là chúng ta phải có niềm tin và dám hành động. Trước đây, không một ai nghĩ rằng chúng tôi có thể hợp tác được với Arsenal, mở Học viện bóng đá. Và ngay lúc này, HAGL một lần nữa đi tiên phong trong việc xuất khẩu cầu thủ sang các thị trường Đông Bắc Á. Việc cầu thủ được tập luyện – chơi bóng ở các giải đấu hàng đầu, chỉ có lợi chứ không bao giờ có hại. Và cái lợi thu về không dành riêng cho HAGL, mà cho cả nền bóng đá Việt Nam”, ông chủ HAGL group tuyên bố.


U23 Việt Nam cần được rèn luyện nhiều hơn là áp đặt chỉ tiêu. Ảnh: V.S.I

Bầu Đức luôn là người đi tiên phong, dám nghĩ và dám làm. Hơn 10 năm trước, chính ông đã thuyết phục Sở TDTT Gia Lai (cũ), phát kiến ra mô hình bóng đá doanh nghiệp. Bằng các kênh quan hệ, mùa giải 2001 – 2002, bầu Đức cũng đã lôi được về phố Núi cầu thủ được cho là hay nhất Đông Nam Á vào thời điểm đó, Kiatisuk Senamuang, phục vụ mục tiêu thăng hạng V-League 2003. Ông chủ HAGL là người nhen nhóm khái niệm chuyển nhượng – mua bán cầu thủ theo cơ chế thị trường…

Sau hơn một thập kỷ chỉ biết mua vào, giờ ông Đức bắt đầu bán ra, kiếm lời. Sự thật là, với một nền thể thao vùng trũng nói chung và bóng đá nói riêng vẫn có năng lực xuất khẩu, hay ít nhất, vẫn có thể sản sinh những VĐV kiệt xuất. Trước khi bầu Đức giới thiệu cho J-League 2 những gương mặt ưu tú, Công Vinh (SLNA) cũng từng có 5 tháng chơi bóng ở Consadole Sapporo, hay Irfan Bachdim (cầu thủ quốc tế người Indonesia), đã thi đấu cho Ventforet Kofu và Consadole Sapporo…

Tại K-League 2014, hậu vệ mang 2 quốc tịch Brazil và Timor Leste, Diogo Santos Rangel từng chơi cho Gangwon FC, trước khi qua Thái Lan khoác áo Osotspa ở Thai – Premier League. Giải bóng đá cao nhất Thái Lan hiện cũng đang là điểm dừng chân cho hàng loạt cái tên xuất xứ Đông Nam Á khác, như thủ môn Hassan Sunny (Singapore và Army United), Greg Nwokolo (Indonesia và BEC Tero Sasana), Victor Igboefo (Indonesia và Osotspa), Sergio van Dijk (Indonesia và Suphanburi).

Nhưng, các giải đấu ở Nhật Bản và Hàn Quốc vốn ở một đẳng cấp khác. Ngay cả khi J-League và K-League (2 giải VĐQG hàng đầu châu Á) đã bỏ “thị thực” cho các cầu thủ gốc Đông Nam Á (được xem như một cầu thủ nội khi đến đây – PV), thì vẫn quá hiếm các cái tên từ bóng đá khu vực vùng trũng bậc nhất thế giới này, đủ năng lực – đẳng cấp chơi bóng tại đó. Cả Công Vinh và Irfan Bachdim, những gương mặt ưu tú, chỉ được chơi với số trận đếm trên đầu ngón tay ở Consadole Sapporo.

U23 Việt Nam vẫn ngổn ngang trăm mối

U23 Việt Nam vẫn ngổn ngang trăm mối

Tròn nửa tháng đội tuyển U23 Việt Nam tập trung, những vị trí chính thức đã dần định hình nhưng điều người hâm mộ nhớ nhất về thầy trò HLV Miura lại là những chấn thương, cùng một U23 thiếu bản sắc, thiếu gắn kết.


Thị trường sẽ quyết định một bản hợp đồng thành công hay thất bại. Cần thời gian để thẩm định xem những Tuấn Anh, Công Phượng hay Xuân Trường có phải những “gói ký gởi” hay phục vụ những lợi ích ngoài bóng đá. Những “gói” đầu tiên này cũtng là rất tích cực, song vấn đề là chúng ta cần phải bình tĩnh, đánh giá đúng bản chất sự việc và đón nhận thành quả (nếu có). Năng lực cầu thủ Việt Nam và đẳng cấp nền bóng đá là hữu hạn, đến Thai – Premier League cũng nói không, nữa là…

2. Trở lại với vấn đề đầu tiên mà chúng ta nêu ở đầu bài viết. HLV Miura liệu có những đánh giá sơ bộ về đội tuyển U23 Việt Nam và đặc biệt là các đối thủ tại bảng D hay chưa, mà đã vội "cốp" chỉ tiêu lọt vào tứ kết? Nó khác với tham vọng xuất khẩu cầu thủ của bầu Đức, bởi với một trường hợp cầu thủ cụ thể được bán đi (hay ký gởi), hoàn toàn là vấn đề cá nhân. Trong khi, để giành được thành tích cấp độ ĐTQG, liên quan đến rất nhiều khâu, nhiều công đoạn, bắt đầu từ năng lực chinh phục nội tại.

Khi HLV Miura quyết định chọn Asian Games 2014 làm giải đấu ra mắt với nền bóng đá xứ sở, nhiều ý kiến cho rằng, thuyền trưởng người Nhật Bản đã lựa chọn thiếu sáng suốt. Tuy nhiên, Olympic Việt Nam đã tạo nên bất ngờ lớn ở Incheon, Hàn Quốc, khi đánh bại cả Olympic Iran, để vào chơi vòng 1/8 lần thứ 2 liên tiếp tại một kỳ Á vận hội. Ông Miura ghi điểm cao trong lần ra mắt, đấy cũng là lý do ông tiếp tục nhận được sự tin tưởng ở AFF Cup sau đó, SEA Games 28 và đến tận bây giờ.

Hẳn chưa ai quên lời hứa – quyết tâm kéo lại chức vô địch AFF Cup 2014, sau 4 năm thất lạc, của HLV Miura, ngay sau lễ ký hợp đồng thời vụ (2 năm) với VFF ở TP.HCM hôm đó, dù các ông chủ Liên đoàn không giao chỉ tiêu cụ thể. Tuy nhiên, đến SEA Games 28, thuyền trưởng người Nhật Bản đã trở nên thực tế hơn, khi chủ động hạ chỉ tiêu từ lọt vào chung kết xuống còn vượt qua vòng đấu bảng. Mới đây, ông thầy người Nhật đã “bắt” thêm rất nhiều “bệnh” cho bóng đá Việt Nam.

Khách quan, HLV Miura khó thể lặp lại điều thần kỳ như cách đây 1,5 năm trên đất Hàn Quốc. Song vấn đề là, thân làm tướng, bạn phải đưa ra chỉ tiêu, dù có thể chỉ là “cốp” đại, được chăng hay chớ?! Suy cho cùng thì ngay cả khi thất bại tại VCK U23 châu Á sắp tới đây, nền bóng đá cũng chẳng phải ôm mặt xấu hổ và HLV Miura cũng đã đếm ngược ngày tại vị từ trước đó rất lâu rồi. Vậy hà cớ gì phải hạ chỉ tiêu, nhỉ?! Bầu Đức và ông Miura cũng có điểm tương đồng chứ không chỉ “khắc” nhau.

Nhận xét về lối chơi của các ĐTQG dưới thời HLV Miura, cựu thuyền trưởng đội tuyển Việt Nam, ông Phan Thanh Hùng, cho rằng, chúng ta gần như chẳng có một lối chơi nào cả, ngoài việc cố gắng đưa bóng lên phía trước, càng xa khung thành đội nhà càng tốt.

“Rất nhiều những đường chuyền dài vượt tuyến không điểm đến, như thể “thả gà ra đuổi” và nó khiến cho thể lực của cầu thủ bị bào mòn ghê gớm. Ông Miura nói rằng, khi mất bóng thì đồng loạt cầu thủ dừng lại và không tham gia tình huống nữa, mà không biết rằng họ đã kiệt sức vì phục vụ triết lý của ông. Cố gắng áp đặt thứ triết lý bóng đá mình muốn, mà thiếu đi tính thực tế, linh động, là sai lầm lớn của một HLV”, ông Phan Thanh Hùng.


Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm