Góc khuất cựu tiền đạo Quang Hải (Kỳ 2): Hành trình AFF Cup 2008, ký ức và những bài học không quên

01/05/2017 06:06 GMT+7 | Bóng đá Việt

(lienminhbng.org) - Không đến như một vị vua và ra đi như một huyền thoại, như “tuyên ngôn” của siêu tiền đạo Zlatan Ibrahimovic sau khi anh rời Paris Saint Germain mùa hè 2016 để gia nhập Manchester United, Nguyễn Quang Hải, (còn gọi là Hải “gà”), cựu tiền đạo ĐTQG Việt Nam và các CLB Khatoco Khánh Hoà, Navibank Sài Gòn, XM Hải Phòng cũng như Than Quảng Ninh, luôn khiến người hâm mộ cũng như các đồng đội phải nhớ tới mình, ở bất cứ nơi đâu anh đặt dấu giầy.

"Tôi là Nguyễn Quang Hải"

Trước trận bán kết lượt về với Singapore ở Kallang Roar, AFF Suzuki Cup 2008, như đã nhắc, Nguyễn Quang Hải bất chợt nằm ra cạnh đường piste sân tập làm động tác ăn mừng và nhờ chúng tôi chụp một kiểu ảnh và dạy anh một câu tiếng Anh để trả lời phỏng vấn đài truyền hình nước ngoài là Football Asia.

Ít ai nghĩ, đấy là thước ảnh “huyền thoại”, khi một ngày sau đó, Quang Hải đã ghi bàn thắng duy nhất, hạ gục nhà đương kim vô địch, đưa Việt Nam đi Thái Lan đá chung kết. “I am Nguyễn Quang Hải, football player of Vietnam national team”, Hải đã gào lên trước ống kính máy quay đặt ở góc sân Kallang Roar sau bàn thắng.

“Tôi là Nguyễn Quang Hải”

“Tôi là Nguyễn Quang Hải”

Hải “gà” đang là chân sút nội hiệu quả số 1 của K.Khánh Hòa (ghi 4 bàn thắng, chỉ sau Jonathan Quartey-6 bàn). Từ đầu mùa, tiền đạo số 13 này đã có nhiều pha lập công mang thương hiệu Quang Hải.

 

Số ít những phóng viên “đi cùng lịch sử”, từ Kallang Roar (Singapore) đến Rajamangala (Thái Lan) và Mỹ Đình (Việt Nam) cho chiến tích vô địch Đông Nam Á lần đầu tiên và duy nhất của nền bóng đá, đến giờ nhắc lại những khoảnh khắc vẫn còn rợn gai ốc. Đầu tiên là bàn thắng của Qung Hải, một pha tổ chức phản công nhanh kinh điển, chính xác đến từng centimet và có thể đưa vào sách giáo khoa;, kế đến là các pha lập công khác của Vũ Phong, rồi Công Vinh…, hạ gục người Thái, đưa đội bóng của HLV Henrique Calisto đến đỉnh vinh quang. Quang Hải và đồng đội trở thành những người hùng mà không cần phải bàn cãi.

“Được làm việc với HLV Calisto thực sự là một diễm phúc với chúng tôi. Chúng tôi đã học hỏi được rất nhiều điều bổ ích, không chỉ mỗi chuyện chuyên môn. Qua từng buổi tập, từng mắt xích trận đấu, từng nấc thang danh vọng…, chúng tôi hiểu nhau hơn. HLV Calisto không chỉ là một người thầy, một HLV, ông thậm chí giống một người cha hơn, ân cần và rất đàn ông. Từ những buổi tâm sự riêng, những giờ lên lớp không chính thức, đến chiến thuật chuẩn bị…, HLV Calisto trang bị cho chúng tôi tất cả để giành chiến thắng. Ông không chấp nhận thất bại”.


Quang Hải với pha ăn mừng nháp để đời trước trận gặp Singapore

Trong thành phần ĐT Việt Nam dự AFF Suzuki Cup 2008, Nguyễn Quang Hải có thể chỉ là sự lựa chọn thứ 4 trên hàng công, sau Việt Thắng, Công Vinh và Thanh Bình. Với sơ đồ 4-1-4-1, Hải “gà” thậm chí còn không biết mình đứng ở đâu, với hàng tiền vệ quá chật chội và thừa mứa các cái tên đẳng cấp.

Đến ngay cả Công Vinh cũng phải đá lùi, hoặc dạt biên. Cho đến trước khi được tung vào sân (thế chỗ Việt Thắng), Quang Hải vẫn không tin là mình được chọn, sau tất cả những gì đã diễn ra ở vòng bảng, cũng như trận bán kết lượt đi. Nhưng cuộc sống đôi khi lại là những khoảnh khắc, được quyết định bởi khoảnh khắc. Khoảnh khắc đó tạo nên Hải “gà”.

“Chúng tôi không bao giờ được phép hỏi HLV Calisto, rằng tại sao mình không được dùng, hay tại sao lại thế này thế kia, mà chỉ biết tập luyện và giữ sự tập trung, luôn sẵn sàng xung trận. Ví như các trận chung kết với Thái Lan, HLV Calisto dùng Minh Châu đá chính thay vì đội trưởng Minh Phương, đấy là có lý do.


Quang Hải sẽ không bao giờ quên được khoảnh khắc này

Hay như việc ông kiên nhẫn với Công Vinh đến thời khắc cuối cùng, rồi anh ấy toả sáng. HLV Calisto được ví như thầy phù thuỷ, cũng vì lý do này, vì ông rất giỏi trong việc “đọc” đối thủ, tình huống, thế trận và điều chỉnh nhân sự. Chúng ta sẽ không thể tìm được một ông thầy thứ 2 như thế”.

Sự nghiệp chơi bóng của Hải “gà” từng trải qua nhiều HLV khác nhau, từ các cấp độ trẻ đến đội lớn, nhưng có 3 người mà anh tự dặn mình không bao giờ được phép quên. Đầu tiên là HLV ở tuyến trẻ Khánh Hoà, Dương Quang Hổ, kế đến là cựu HLV trưởng Khatoco Khánh Hoà và là đương kim thuyền trưởng U20 Việt Nam chuẩn bị FIFA U20 World Cup 2017 tới đây – Hoàng Anh Tuấn và người còn lại đương nhiên là Henrique Calisto.

“Họ là những người rất giỏi chuyên môn và làm tâm lý chiến cực tốt. Tôi còn may mắn được hợp tác với một người giỏi khác là HLV Phan Thanh Hùng, ở cả cấp độ ĐTQG lẫn CLB Than Quảng Ninh”.

Mối quan hệ sư đồ, với Quang Hải, tất nhiên quan trọng và có ý nghĩa lớn hơn quan hệ phụ tử nhiều. “Tất nhiên, cũng có thời điểm không như ý. Đấy là khi chúng tôi phải làm việc với những ông thầy không hiểu nhiều về chuyên môn, cũng như tâm lý cầu thủ.

Góc khuất cựu tiền đạo Quang Hải (Kỳ 1): Cái nghèo, giọt nước mắt và ‘địa chỉ vàng’

Góc khuất cựu tiền đạo Quang Hải (Kỳ 1): Cái nghèo, giọt nước mắt và ‘địa chỉ vàng’

Nguyễn Quang Hải, (còn gọi là Hải “gà”), cựu tiền đạo ĐTQG Việt Nam và các CLB K.Khánh Hoà, N.Sài Gòn, XM Hải Phòng cũng như Than Quảng Ninh, luôn khiến người hâm mộ cũng như các đồng đội phải nhớ tới mình, ở bất cứ nơi đâu anh đặt dấu giầy.

 

Khi đội bóng cứ thua liên tiếp, chúng tôi thậm chí được lệnh không được… “đá ma” lúc khởi động cho các buổi tập, cũng như trước trận đấu. Tại sao lại có quy định ngược đời như thế nhỉ. Chúng tôi cứ đá, mặc ông ấy tỏ vẻ không hài lòng”.

Năm 2013, tức là sau khi trở về từ AFF Suzuki Cup 2012, Navibank Sài Gòn giải thể, mạnh ai nấy chạy, phần còn lại khoảng chục người phải chuyển qua một đội khác, XMXT Sài Gòn, nhưng Quang Hải thì không, dù vẫn còn 1 năm hợp đồng.

Anh tìm cách ra XM Hải Phòng để tái hợp cùng ông thầy cũ Hoàng Anh Tuấn, sau khi đội bóng đất cảng mua lại Khatoco Khánh Hoà. Lần Bắc tiến bắt đầu từ đó và bản thân Quang Hải cũng xác định chỉ là dấn thân, chứ không nghĩ lại ở lâu đến vậy.

“Hết Hải Phòng rồi Quảng Ninh, tôi yêu những nơi này và cũng được yêu lại. Nếu không dính chấn thương nặng khiến tôi phải giải nghệ, ngay lúc này tôi vẫn có thể ở Cẩm Phả để cháy hết mình cùng đồng đội và CĐV”.

Số ít của lịch sử

Trong lịch sử bóng đá Việt Nam, tính cả sự nghiệp cầu thủ lẫn HLV ,chỉ một đôi người miền Nam thành công và chinh phục được tình yêu của khán giả miền Bắc, và Hải “gà” là một trong số đó. Trước anh có Nguyễn Ngọc Thanh của Hải Phòng, song ít nhiều, Thanh là người gốc xứ Thanh, chứ không như Hải tận Khánh Hoà hay Phước Tứ quê Quảng Nam đá cho Thể Công theo dạng biệt phái từ QK5.


Trận đấu bán kết lượt về AFF Cup 2008 với Singapore là mốc son trong sự nghiệp Quang Hải. Ảnh: VSI

Những cầu thủ tỉnh lẻ, lại thiếu quan hệ, rất khó để trụ lại trong một môi trường tập thể khắc nghiệt, chứ đừng nói là có cơ hội toả sáng. Quang Hải từng tự ti mà nhụt chí, ở những lần đầu tiên lên ĐTQG, nếu không có sự động viên của đồng đội thân thiết một thời – Lê Công Vinh: “Ở đây tất cả mọi người đều như nhau”.

“Tôi đá bóng và tất nhiên cũng có kết thân với người này, người kia hoặc nhóm này, nhóm nọ. Song, tôi đặc biệt ghét chuyện bè phái được tạo ra trong lòng đội bóng. Lợi ích tập thể cần được đặt ở nơi cao nhất, chứ không phải lợi ích nhóm hay lợi ích cá nhân.

Ở Than Quảng Ninh, tôi từng nói thẳng với HLV của đội bóng trước đây, rằng anh ấy cần phải thay đổi quan điểm, hoặc có thể phải đón nhận thất bại. HLV ấy ngày trước từng cùng khoác áo Khatoco Khánh Hoà với tôi ở chương cuối sự nghiệp.

Cuối cùng thì chúng tôi ở lại cùng đội bóng, còn anh ấy về nhà xem TV. Sự khác biệt nằm ở tiêu chí hướng tới là phục vụ ai, chứ không phải cái tôi cá nhân. Nếu bạn chống lại khán giả hay chống lại cái nghề của mình, rồi bạn sẽ bị phụ bạc”.

Cái chân trái như được đo ni, nhanh thoăn thoắt như những nhát kéo, song rất thường xuyên, Hải lại ghi phần lớn các bàn thắng bằng chân phải, vốn không phải là chân thuận. Ở vị trí tiền đạo lùi, tiền đạo cánh hoặc thậm chí là trung phong cắm, Quảng Hải chơi bóng và nhảy múa với quả bóng, tung hứng cùng đồng đội.

Anh từng được hưởng lợi nhiều từ các người đá cặp Agostinho, Felix hay Jonathan Quartey (người được Việt hoá với cái tên Lê Văn Tân sau này) trên hàng công, trong màu áo Khatoco Khánh Hoà. Các đồng đội Lê Tấn Tài, Nguyễn Minh Phương, Được Em hay Vũ Minh Tuấn, Hải Huy cũng là những vệ tinh chơi rất ăn ý khác, ở các đội bóng mà Hải “gà” từng kinh qua.


Quang Hải và Thành Lương, 2 cầu thủ thuận chân trái của ĐT Việt Nam tại AFF Cup 2008

“Tôi rất quý Thành Lương và một người khác trẻ hơn, cũng thuận chân trái là Huy Toàn. Hơi tiếc cho Toàn khi cậu ấy thường xuyên gặp chấn thương và còn không may mắn nữa. Bóng đá Việt Nam có nhiều cầu thủ giỏi, nhưng chúng ta phải cần thêm những HLV giỏi và tận tuỵ với nghề nữa. Tôi may mắn khi được chơi bóng và toả sáng cùng thế hệ cầu thủ có thể nói là tốt nhất của nền bóng đá, trong khoảng 15-17 năm đổ lại đây. Ngày đó ở trên ĐTQG, HLV Calisto dạy chúng tôi rằng, không có kẻ chiến thắng khi đội bóng thất bại. Và, người chiến thắng có tất cả, còn kẻ chiến bại phải đứng lẻ loi. Sau chức vô địch AFF Suzuki Cup 2008, thầy Calisto có ý định tiến cử vài đồng đội của tôi ra nước ngoài thi đấu, song cuối cùng chỉ có mỗi Công Vinh đi Bồ Đào Nha”.

Hạnh phúc là ở ngay đây

Vinh quang, tiền bạc đã khiến bao đồng đội của Quang Hải, tất nhiên là lứa vô địch năm 2008, thối chí, thậm chí một số đáng kể đã sa ngã. Họ không buồn cố gắng nữa, mà trở thành những sản phẩm chuyển nhượng chuyên nghiệp.


Quang Hải và vợ con

Cho đến thời điểm này, vài người vẫn còn đang chơi bóng chuyên nghiệp như Tài Em, Tấn Tài, Thành Lương và “đó là những tấm gương tuyệt vời” theo lời Hải nói. “Không một ai trong số chúng tôi có tổng giá trị chuyển nhượng dưới 10 tỷ đồng, sau kinh qua các CLB khác nhau cả. Cơ chế chuyên nghiệp mở ra, nhưng quan trọng hơn, đấy là giá trị cầu thủ được đề cao hơn nhờ danh hiệu mà đội bóng đạt được. 5-7 phần cũng là nhờ HLV Calisto mà có. Tiền là phương tiện sống và cũng là súng đạn, nếu dùng hoang phí, nó thậm chí khiến mình gặp khó, lệ thuộc vào nó. Tôi yên tâm vì có một nhà quản trị đại tài ở nhà, người có thể sắp xếp cuộc sống của chúng tôi một cách ngăn nắp”.

Cả đời cố gắng, chắt chiu, Quang Hải giờ có vợ đẹp và 4 đứa con xinh (2 trong số này là con riêng của người vợ với chồng trước), 3 tầng, 4 bánh; xây thêm được căn nhà riêng cho mẹ và chị; có cả khu đất rộng 2.000 mét vuông ở mạn Cam Lâm, cách Nha Trang chừng 40 km, dành làm trang trại, được sống lại với thú nuôi và chơi gà chọi cùng người bạn từ thuở cởi truồng tắm mưa tên Quang “mập”...

Hải từng lớn lên và trải qua nửa đời người trong cảnh thiếu thốn, vật chất không khiến anh mờ mắt, mà quan trọng là hạnh phúc gia đình, người thân được tạo dựng. “Gia đình là số 1 với tôi và tôi có thể đánh đổi tất cả để đảm bảo rằng, mẹ mình, vợ con mình được bình yên”.

Đó là một phần lý do mà Hải “gà” quyết định tạm thời đoạn tuyệt với bóng đá, thay vì gia nhập một Học viện đào tạo bóng đá trẻ theo lời mời làm HLV, để ở lại quê nhà Nha Trang, phụ vợ bán yến và chăm sóc gia đình. “Cả đời tôi tìm kiếm hạnh phúc và giờ nó ở ngay đây rồi. Tôi cần bù đắp cho vợ con mình”.

Tùy Phong

 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm