HLV trưởng đội tuyển quốc gia: Hãy chọn Lê Huỳnh Đức!

24/01/2016 06:30 GMT+7 | Các ĐTQG

(lienminhbng.org) - Khi lên đội hình “Best XI” cho ĐT Việt Nam, ở cả thì hiện tại và tương lai, cựu đội trưởng ĐTQG, Nguyễn Minh Phương, đã khẳng định, chỉ HLV Lê Huỳnh Đức mới có thể lèo lái ĐT Việt Nam, nếu VFF quay lại với các phương án thầy nội.

Thực tế, đây không phải phát kiến quá mới mẻ, bởi từ thời HLV Calisto, cựu danh thủ đội trưởng “thế hệ vàng”, Lê Huỳnh Đức đã được đặt vào ghế lái phụ ĐT Việt Nam rồi.

Thầy nội, tại sao không?

Sau khi HLV Calisto rời ghế thuyền trưởng các ĐTQG năm 2010, VFF mở cuộc tìm kiếm quy mô, để rồi Falko Goetz, người được giới thiệu là có bản “CV” (lý lịch trích ngang) hoành tráng nhất, xuất hiện với rất nhiều kỳ vọng. Trên thực tế, cựu danh thủ Bundesliga cũng là HLV trưởng ĐT Việt Nam hưởng lương cao nhất, qua các thời kỳ (hơn 25 ngàn USD/tháng, chưa bao gồm các chế độ kèm theo như nhà ở, xe cộ và vé máy bay 2 chiều hạng thương gia Việt Nam – Đức…).

Nhưng, thành quả mà Falko Goetz đem lại chỉ là vị trí thứ 4 tại SEA Games 26 (Jakarta, năm 2011). HLV Falko Goetz được thông báo cắt hợp đồng khi ông đang trải qua kỳ nghỉ ở quê nhà và không bao giờ quay lại xứ sở nhiệt đới này nữa. Cùng với đó, nguyên TTK VFF, trưởng đoàn U23 Việt Nam tại SEA Games 26, Trần Quốc Tuấn, cũng mất ghế. Một cuộc cách mạng mini ở thượng tầng VFF diễn ra và sau rất nhiều lần nâng lên hạ xuống, phương án thầy nội được đề cập.


HLV Lê Huỳnh Đức đủ "cứng" để bảo vệ đội bóng của mình tới cùng - Ảnh VSI

Nếu như Falko Goetz là khởi thuỷ cho sự đi xuống có hệ thống của bóng đá Việt Nam các cấp độ ĐTQG, thì Phan Thanh Hùng và Hoàng Văn Phúc đã chạm đáy của thất vọng. Những lần hiếm hoi, chúng ta lần lượt bị loại từ vỏng bảng các kỳ AFF Cup 2012, SEA Games 2013, đồng thời thua tan tác ở vòng loại Asian Cup 2015… Các quan chức Liên đoàn như ngồi trên đống lửa, cho đến khi đạt được “gói” hợp tác chiến lược với đối tác Nhật Bản (2014). Và, Toshiya Miura xuất hiện.

Dài dòng như thế để thấy rằng, sự thành bại của đầu ra nền bóng đá (tức các ĐTQG) đôi khi không được quyết bởi ai ngồi ghế HLV trưởng. Nó liên quan đến nhiều khâu, nhiều công đoạn, có cả tính thời điểm. Giai đoạn 2007 – 2010, nền bóng đá thăng hoa cùng với các cựu công thần Alfred Riedl và Henrique Calisto, cũng là tính thời điểm, khi chúng ta sở hữu một giải VĐQG giàu cả tiền bạc lẫn tính cạnh tranh, cùng một thế hệ cầu thủ có thể nói là tốt nhất trong khoảng 15 năm đổ lại.

Mỗi thời mỗi khác, với một nền bóng đá thiếu tính chiều sâu, thiếu các chiến lược bài bản như Việt Nam, việc duy trì sự ổn định dù chỉ ở tầm cao khu vực đã là rất khó. Các suất chơi bán kết AFF Cup 2014 và SEA Games 2015, rồi suất chơi vòng 1/8 Asian Games 2014, vượt qua vòng loại U23 châu Á 2016…, dưới thời HLV Toshiya Miura không là sự đảm bảo cho một cuộc chấn hưng nền bóng đá. Mà ngược lại, nó có vẻ như là bắt đầu của các cuộc bể dâu tiếp theo, hiệu ứng domino.

Xét về mặt bối cảnh và hoàn cảnh, bóng đá Việt Nam lúc này không khác thời điểm cuối 2011, đầu năm 2012 là mấy. Khi nội bộ VFF đang xảy ra quá nhiều vấn đề, ảnh hưởng tới việc chăm sóc các ĐTQG. Năm 2016, với giải vô địch Đông Nam Á (AFF Cup) là đấu trường chính và gần như duy nhất, nếu dùng thầy nội cũng không bị cho là chữa cháy.

Sao lại là Huỳnh Đức?

Sự nghiệp cầu thủ và huấn luyện, bóng đá Việt Nam khó ai bì được với Lê Huỳnh Đức. Nếu như năm 2008, khi mới tiếp quản SHB Đà Nẵng (thay Phan Thanh Hùng, sau 2 lượt trận đầu tiên V-League 2008), Lê Huỳnh Đức vẫn vừa học, vừa làm, thì lúc này, có thể nói thuyền trưởng SHB Đà Nẵng vừa hồng vừa chuyên. Năm 2009, khi được thầy cũ Henrique Calisto mời lên làm trợ lý số 1 ĐT Việt Nam, Đức đã là nhà vô địch V-League trẻ tuổi nhất trong lịch sử HLV (37 tuổi).


HLV Lê Huỳnh Đức từng có quán xuyến cả đội tuyển khi anh còn là đội trưởng ĐTVN dưới thời HLV Tavares 2004 - Ảnh VSI

Cùng với Huỳnh Đức, ông “Tô” mời thêm Văn Sỹ khi ấy vừa đưa V.Ninh Bình vô địch giải hạng Nhất 2009; ở cấp độ U23 Việt Nam, Đức Thắng cũng sát cánh cùng Phan Thanh Hùng… Giải thích về điều này, HLV Calisto cho biết: “Tôi hoàn toàn tin tưởng vào năng lực huấn luyện của họ, những học trò cũ của tôi hồi năm 2002. Nếu tiếp tục phấn đấu, học hỏi, họ sẽ còn phát triển nữa”. Huỳnh Đức, Văn Sỹ và Đức Thắng có thể nói là cùng thời.

Phần lớn trong chúng ta đều hiểu dụng ý của phù thuỷ Calisto, khi ngoài nhiệm vụ dẫn dắt các ĐTQG, ông còn cấy vào cabin BHL những “hạt giống”, để làm lợi cho nền bóng đá sau này. Được làm việc với các chuyên gia ngoại quốc giỏi như Henrique Calisto là cơ hội quá tuyệt vời để học hỏi và phát triển. Phan Thanh Hùng sau đó đưa Hà Nội T&T vô địch V-League 2010 và 2013; Huỳnh Đức có thêm chức vô địch V-League 2012… Văn Sỹ, Đức Thắng cũng dần khẳng định.

HLV Lê Huỳnh Đức: Phong độ không chỉ là nhất thời!

HLV Lê Huỳnh Đức: Phong độ không chỉ là nhất thời!

Theo HLV Lê Huỳnh Đức,ở bất kỳ vị trí nào, dù là sân cỏ hay “sân nhà” đàn ông cũng cần đạt chuẩn CCT để luôn duy trì, giữ vững phong độ.


Phan Thanh Hùng đã thất bại với ĐT Việt Nam ở chiến dịch AFF Cup 2012 phần nhiều bởi các yếu tố ngoài chuyên môn tác động. Vị tướng họ Phan bị cho là quá lành tính, có xu hướng thoả hiệp, thay vì cần quyết đoán và đấu tranh cho đội bóng, nếu cần. Nội bộ đội bóng bất ổn tử trước khi đi Thái Lan, nhưng cơ bản, các vấn đề với VFF mới là mấu chốt. So với Phan Thanh Hùng, Lê Huỳnh Đức thuộc tuýp người gần như đối lập hoàn toàn: Cứng rắn, quyết đoán và thừa tinh thần đấu tranh.

Có nhiều phương pháp và giải pháp khác nhau để đi đến thành công, tuy nhiên, trong vai trò một HLV trưởng ĐTQG, điều cần thiết phải tạo được tính tự chủ, độc lập tương đối với các ông chủ VFF. Ít nhất về chuyên môn và tuyển chọn nhân sự, HLV trưởng phải là người quyết định đầu tiên và cuối cùng. Bắt đầu từ việc mời họ ngồi vào chiếc ghế lái trưởng, tất nhiên, VFF cũng cần phải cho thấy sự trọng thị, không thể “bắt cóc bỏ dĩa” như đã từng, rồi hoạ may có thành tích thì vơ vào…

Về Huỳnh Đức, có lẽ không cần phải nói thêm, bởi bản “CV” của anh đã là câu trả lời hoàn hảo cho sự nghiệp thi đấu, cũng như huấn luyện bóng đá đỉnh cao. Nếu cựu đội trưởng ĐTQG này được tạo một cơ chế làm việc thoáng, với đầy đủ sự hỗ trợ như danh thủ cùng thời Kiatisuk Senamuang (ở Thái Lan), chúng ta có quyền hy vọng.

Thế nên, chọn thầy nội thay Miura lúc này, chỉ có thể là Lê Huỳnh Đức, chứ không phải bất cứ ai khác.

Chưa mời, chưa bàn

“Tôi đang tập trung tối đa cho công việc ở CLB và không quan tâm đến những chuyện ngoài lề khác”, Lê Huỳnh Đức trả lời khi Thể thao & Văn hoá Cuối tuần đề cập chuyện anh đã sẵn sàng làm HLV trưởng ĐTQG chưa.

“Khi chưa có gì chính thức, ít nhất cũng là một lời mời, tôi chưa thể nói bất cứ điều gì. Cũng đừng hỏi tôi về HLV Miura hay U23 Việt Nam, vì nó rất nhạy cảm và không phải tính cách của tôi”, vẫn lời HLV trưởng SHB Đà Nẵng. Lê Huỳnh Đức hiện còn là ủy viên Hội đồng HLV quốc gia.

Chức năng của Hội đồng là tư vấn cho Liên đoàn trong việc lựa chọn HLV trưởng, xây dựng kế hoạch cho các đội tuyển, tham gia tuyển chọn lực lượng.


Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm