Trọng tài nội lên tiếng: 'Chúng tôi không kém trọng tài ngoại'

28/08/2016 11:04 GMT+7 | Bóng đá Việt

(lienminhbng.org) - Câu chuyện trọng tài trở thành điểm nóng ở mùa giải gần đây. Thế nên, các ông Vua sân cỏ nội rất tế nhị trong việc ra mặt đưa ra nhận định hay đánh giá của mình. Trong khuôn khổ bài viết này, một trọng tài đang điều khiển ở V-League xin phép được giấu tên đã có những nỗi lòng và đánh giá về các trọng tài ngoại cùng với Thể thao & Văn hóa cuối tuần.

“Trọng tài ngoại như diễn viên điện ảnh”

Sau vòng 22, đã có 3 trọng tài ngoại điều khiển các trận cầu then chốt là Nasaruddin (Malaysia, Hải Phòng – Hà Nội T&T), Teetichai (Thái Lan, Long An – HAGL) và Okabe (Nhật Bản, Hải Phòng – FLC Thanh Hóa). Đã có những ý kiến nhất định về ba vị trọng tài này. Và dưới góc độ của một người trong nghề, vị trọng tài này cho rằng các đồng nghiệp ngoại cũng chẳng hơn gì về chuyên môn so với trọng tài nội. Cái họ hơn chỉ là vấn đề tâm lý và sự tôn trọng.

“Nhân đây, tôi nói thẳng luôn. Họ làm cũng không hơn gì mình. Họ còn thua cả những trọng tài cứng ở trong nước mình. Tuy nhiên, nói gì thì nói, họ nhận được sự tôn trọng từ hai đội bóng, kể cả khán giả. Đó là sự sính ngoại. Ví dụ như trọng tài người Malaysia, chưa cần biết ông này như thế nào nhưng một ngày trước trận đấu, ở buổi tập, khán giả đội nhà đến sân xin chụp hình, chữ ký như là một diễn viên điện ảnh. Tâm lý trọng ngoại của mình đã giải quyết được vấn đề. Cái đó trọng tài trong nước không nhận được nên làm rất là khó. Năng lực chuyên môn không hơn gì nhưng được cái, họ nhận được sự tôn trọng và niềm tin,” ông nói nhưng lòng thì vẫn không phục.


Trọng tài Takuto Okabe điều khiển trận Hải Phòng - FLC Thanh Hóa tương đối tốt.Ảnh: V.S.I

Theo vị trọng tài này thì ngoài sự khác biệt lớn kể trên, không có sự khác biệt nào đáng kể cả. Theo đó, trước mỗi trận đấu, họ chuẩn bị và sinh hoạt rất tốt. Họ lên mạng xem băng ghi hình, hỏi han bảng xếp hạng hai đội bóng, trong hai đội có ai có thể phá trận đấu. Chuyện này cũng giống như trọng tài nội, chẳng có gì khác biệt cả. Có chăng thì khác biệt lớn nhất là tâm lý.

Khi trọng tài trong nước ra nước ngoài bắt cũng thế, trước trận đấu phải tìm hiểu đủ thứ liên quan đến nó. Nếu bắt giải quốc nội của họ thì mình cũng thế thôi. Mỗi khi nhận bảng phân công thì buộc phải tìm hiểu những vấn đề đó.

Trận đấu trên sân Lạch Tray giữa Hải Phòng – FLC Thanh Hóa đã xảy ra tình huống gây tranh cãi khi trọng tài Okabe cho đội chủ nhà hưởng quả penalty. Theo phân tích của vị trọng tài xin được giấu tên này thì trọng tài người Nhật đã sai khi thổi phạt các vị khách.

“Quả phạt đền đó là biếu. Xét về luật dùng tay chơi bóng thì phải xét 3 yếu tố: động tác tay có tự nhiên hay không, bóng tới tay chứ không phải tay tới bóng, thứ ba nữa là khoảng cách ở cự ly gần hay không.

Khi một cầu thủ ép sát tay người mà khi bóng bay đến họ vẫn đưa thân người đến đón dù tay ép sát thân người thì vẫn dùng tay chơi bóng. Ở tình huống này, động tác tay của Bật Hiếu là tự nhiên. Bóng bật từ Bật Hiếu qua Đình Đồng rồi bật lại qua Bật Hiếu thì làm sao tránh được mà kể cả tình huống đó Bật Hiếu không khép tay người nhưng động tác giậm nhảy của anh em mình là phải thấp trọng tâm cơ thể xuống rồi mới nhảy lên. Song động tác của Bật Hiếu không có đưa tay lên để ngăn cản nên đó là pha bóng tự nhiên. Thứ hai cự ly gần, thứ ba là bóng tới tay chứ không tay tới bóng làm sao bắt penalty được. Đây là sai lầm trong lỗi nhận định của trọng tài”, ông nói.

Điều đáng nói, sau tình huống này, HLV Thanh Tùng của FLC Thanh Hóa đã có những phát biểu đầy ngụ ý: “Tình huống penalty này, nếu là trọng tài Việt Nam, họ chắc chắn sẽ không thổi quả đó”. Câu nói này dường như động chạm tới lòng tự trọng của giới trọng tài để vị này phải thốt lên: “Ông Tùng nói như vậy thiệt thòi cho anh em trọng tài nội. Nó chẳng khác nào ngụ ý nói ngoại dám làm còn nội không dám làm. Tức là nói trình độ trọng tài nội chuyên môn mình kém nhưng thật ra thì tình huống đó không xứng đáng để thổi phạt đền”.

“Trọng tài ngoại chẳng gặp khó khăn nào cả”

Cũng như trọng tài các nước trong khu vực. Trọng tài Việt Nam từng nhiều lần được mời sang nước ngoài để bắt. Theo vị trọng tài này, cảm giác của họ rất thoải mái và không hề có chút áp lực. “Làm trọng tài ở nước ngoài thoải mái, đơn giản lắm còn ở mình thì bắt áp lực vô cùng. Thứ nhất về khán giả, hai đội bóng tăng áp lực trong suốt trận đấu.

Trọng tài ngoại bắt tốt vì có tâm sáng

Trọng tài ngoại bắt tốt vì có tâm sáng

Đã có 3 trận đấu tại Toyota V-League 2016 được giao cho trọng tài ngoại là người bắt chính. Cầu thủ, HLV các đội bóng trực tiếp tiếp xúc với 3 vị “vua áo đen” trên sân cỏ đa phần khẳng định họ đã làm tốt nhiệm vụ của mình...


Làm một việc gì mà bị chửi ở bên tai thì chắc chắn không đảm bảo 100% được. Có những trận đấu rất đơn giản, đồng ý năm nay anh em mắc sai sót về chuyên môn như quên mang thẻ thì không chấp nhận được hay tình huống không công nhận bàn thắng của trọng tài Phùng Đình Dũng ở sân 19/8. Tuy nhiên, không thể đổ hết trách nhiệm, lỗi lên đầu trọng tài được. Bất kể sai sót gì rồi cũng đổ vấy lên trọng tài khiến áp lực tăng lên. Cái này thì trọng tài ngoại không gặp phải.”

Theo vị trọng tài xin được giấu tên, các trọng tài ngoại khi sang Việt Nam đều được hỗ trợ tối đa nên họ không có bất cứ khó khăn nào cả. “Một số vấn đề về văn hóa, phong tục tập quán hay ngôn ngữ thì họ hơi gặp khó khăn còn trong vấn đề chuyên môn, các trợ lý và giám sát hỗ trợ tối đa. Mọi người đều cung cấp những thông tin cần thiết cho họ.

Rào cản ngôn ngữ cũng được xem là một trong những khó khăn nhưng đó lại là thuận lợi. Tôi được nghe anh em chia sẻ lại từ trọng tài người Malaysia là ở trận đấu đó, rất nhiều cầu thủ sừng cồ, muốn tranh cãi, nói này nói kia nhưng cuối cùng không nói được tiếng Anh rồi thì chịu.

Ở trận đấu trên sân Hải Phòng, sau khi kết thúc thì trọng tài nhận được những cái bắt tay từ cổ động viên rồi bảo “trọng tài tuyệt vời”. Khi được các anh em dịch sang cho họ thì họ cũng bảo giống như ở giải quốc nội của họ. Đội thắng thì trọng tài được tung hô còn thua thì bị chửi bới”, ông nói.

Mỗi khi trọng tài ngoại sang bắt thì đó cũng là cơ hội để anh em trong nghề trao đổi, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. “Tất cả những cái hay của họ mình phải học. Đó là những trao đổi về chuyên môn, tình hình trọng tài các nước, kinh nghiệm, tình huống để phân tích còn về luật lệ, phương pháp trọng tài thì cả thế giới đều giống nhau cả. Vấn đề con người làm đúng theo luật hay không là chuyện khác”, vị trọng tài này bày tỏ.

Nam Giao (ghi)
Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm