V-League tiến thoái lưỡng nan vì Covid-19

27/03/2020 05:56 GMT+7 | V-League

(lienminhbng.org) - Tối ngày 25/3, 14 CLB tham dự V-League 2020 đã nhận được 3 văn bản của VPF về lùi thời hạn thi đấu và thăm dò phương án tổ chức tập trung. Nhưng ngay lập tức, nhà điều hành giải đấu, VPF đã đau đầu với những phản hồi không dễ nghe.

Các đội bóng V League không mạo hiểm thi đấu khi dịch Covid-19 phức tạp

Các đội bóng V League không mạo hiểm thi đấu khi dịch Covid-19 phức tạp

Một số đội bóng tham dự V-League như Hà Nội, Than Quảng Ninh hay Hải Phòng khẳng định, họ sẽ không mạo hiểm tham gia thi đấu khi dịch Covid-19 còn đang diễn biến phức tạp.

1. Cụ thể, khi tổ chức trở lại, VPF dự kiến 2 lịch thi đấu của lượt đi V-League 2020 (đều không khán giả, số lượng thành viên làm nhiệm vụ trên sân từ 100-120 người) gồm: Phương án 1 - Từ ngày 15/4/2020 đến ngày 29/5/2020. Phương án 2 - Từ ngày 1/5/2020 đến ngày 28/6/2020.

VPF cũng lựa chọn các sân vận động sau làm địa điểm tổ chức: Thanh Hóa, Thiên Trường, Lạch Tray, Cẩm Phả, Hàng Đẫy, PVF, Mỹ Đình và dự phòng SVĐ Việt Trì. Các CLB tiếp tục thi đấu vòng tròn (sân nhà - sân khách) theo kết quả bốc thăm từ đầu mùa giải. Nhà điều hành cũng phân tích những ưu, nhược điểm của cách thức tổ chức này để các CLB nắm rõ và đề nghị phản hồi muộn nhất vào ngày 28/3 đến BTC.

Tuy nhiên, ngay sau khi nhận được các công văn trên, VPF có lẽ cũng không lường trước được sự phản ứng rất quyết liệt của các lãnh đạo CLB. Đơn cử như bầu Đức hay bầu Hiển, những người kín tiếng từ đầu mùa giải đến nay đã phản đối đề xuất đó.

Bầu Đức tuyên bố: “Hiện tại, chúng tôi “nhốt” các cầu thủ ở đại bản doanh Hàm Rồng, không một ai được ra ngoài. Chúng tôi đang chung tay cùng xã hội chống dịch. VPF cứ muốn đá, nhưng lỡ bùng phát dịch bệnh thì ai chịu trách nhiệm cho cầu thủ của tôi? Phòng chống dịch bệnh lúc này là đại sự cấp quốc gia, thậm chí quốc tế. VFF, VPF là ai trong xã hội này mà dám đi ngược lại? Theo tôi, cứ lo chống dịch đi, bóng đá tính sau. Lúc này, cần tập trung lo mạng sống trước, đừng nghĩ ngợi gì về bóng đá nữa. Do đó, bất cứ đề xuất nào về việc tổ chức thi đấu, kể cả quy hoạch ở một số khu vực như gợi ý của VPF, đều không hợp lý”.

Tương tự, Chủ tịch CLB Quảng Nam Nguyễn Húp cũng từng gây bão dư luận và bị chỉ trích thời gian qua về đề xuất huỷ luôn mùa giải 2020 cũng bảo lưu quan điểm mà ông phải nhận nhiều “gạch đá” khi được hỏi lại. Ông Nguyễn Húp dám nói ý kiến vì cho rằng đó là điều cần thiết để bảo vệ sức khoẻ mọi người.

Chú thích ảnh
Diễn biến khó lường của dịch Covid-19 đang đẩy V-League 2020 vào cảnh "tiến thoái lưỡng nan". Ảnh: Hoàng Linh

2. Khoảng nửa ngày sau khi lắng nghe ý kiến của các CLB, Chủ tịch VPF Trần Anh Tú đã đăng đàn khẳng định rằng VPF cũng có lý lẽ riêng khi phát đi công văn. Ông Trần Anh Tú cho biết trên mặt báo: “VPF quyết định hoãn V-League 2020 tới 15/4. Chúng tôi sẽ theo dõi diễn biến Covid-19 và tính tiếp. Chúng tôi đưa ra phương án tập trung cách ly đá tại miền Bắc. Đây không phải là VPF quyết, mà chúng tôi chỉ đưa ra phương án và mời các CLB cùng đóng góp ý kiến. Đây là cuộc chơi chung, mọi người cùng xây dựng.

VPF không buộc các CLB phải thi đấu trong trình trạng dịch nguy hiểm. Chúng tôi cũng biết sức khoẻ và tính mạng con người là quan trọng nhất. Các đội chỉ đá lại khi tình hình Covid-19 tạm ổn, Nhà nước cho phép thi đấu.

Phương án tập trung cách ly thi đấu lúc này là tối ưu. Thứ nhất, các đội hạn chế được di chuyển bằng máy bay, tránh được nguy cơ lây nhiễm. Thứ hai, tiết kiệm được rất nhiều chi phí di chuyển của các đội. Thứ ba, gói gọn được thời gian. Thứ tư, vẫn hoàn thành được trách nhiệm trả tài trợ”.

Nhưng xem ra những lý giải ấy là chưa đủ, Chủ tịch Nguyễn Húp của CLB Quảng Nam cho biết thêm: “Theo tôi, nếu vẫn quyết định để giải tiếp tục, chúng ta phải chờ một thời gian nữa cho tình hình dịch bớt căng thẳng. Sau đó, giải nên chia theo khu vực Bắc, Trung, Nam để thi đấu. Các đội gần nhau, đi ô tô cách ly, đá xong về ngay là an toàn”.

Những người trực tiếp trong cuộc đã phản bác với nhau rất nhiều về ý kiến cho V-League trở lại. Nhiều độc giả cũng lên tiếng bình luận: Nếu dịch bùng phát ra thì mạng người cũng không còn. Kinh tế suy giảm đến việc làm cũng không có thì đá bóng cũng có ý nghĩa gì nữa.

Khi bệnh dịch còn chưa được khống chế, trái bóng còn chưa thể lăn, mọi thứ lúc này như đang thách thức sự kiên nhẫn, óc tỉnh táo của người làm bóng đá nước nhà. Và thay vì công kích, phê phán lẫn nhau, có lẽ người ta cần nhìn nhận ở góc độ bao dung hơn để cùng nhau vượt khó. Có thể lấy ví dụ minh hoạ là hành động đẹp của hàng loạt danh thủ như Công Vinh, Văn Toàn, Ngọc Hải, Văn Quyết… Ở góc độ công dân, họ đang làm ấm lòng đồng bào cả nước bằng những nghĩa cử tích cực cao đẹp. Bóng đá không đơn thuần chỉ là đá bóng, và khi trái bóng đứng yên, đó là cơ hội để họ trở thành những con người có ích cho xã hội.

Liên quan đến vấn đề kinh tế, VPF hẳn cũng đau đầu về bài toán nhận gói tài trợ của LS có giá trị trên 40 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên khi mọi thứ bất động, có lý do để VPF lo ngại về việc trả quyền lợi cho đối tác. Thêm vào đó, hàng loạt câu hỏi lớn khác vẫn được đặt ra cho tổ chức này như ở thời điểm hiện tại, VPF, VFF sẽ làm gì để hỗ trợ cho CLB lẫn cầu thủ đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh (?). Đã có CLB lên tiếng về việc giảm lương với các cầu thủ trong đội do họ phải xả trại dài hạn thời gian qua, tương tự như nhiều CLB trên thế giới như Barcelona, Bayern Munich…

Việt Hà

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm