29/07/2016 11:08 GMT+7 | Bóng đá Việt
(lienminhbng.org) - Đi học tập kinh nghiệm các nền bóng đá cũng như các giải đấu phát triển là việc nên làm, thậm chí là rất cấp bách, dù chỉ để bắt và chữa bệnh cho nền bóng đá, cũng như các giải đấu chuyên nghiệp Việt Nam mà VPF là đơn vị tổ chức. Tuy nhiên…
Đông – Tây y kết hợp
Năm 2014, VPF tổ chức đoàn đi Nhật Bản với mấy chục con người để sau đó đạt được cam kết về sự hợp tác toàn diện với JFA, cũng như J-League, trong việc tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp và hỗ trợ các ĐTQG. Đấy được xem là một bước tiến dài, khi người trong cuộc đã thống nhất và quả quyết rằng, chỉ có học Nhật Bản mới có hy vọng, bởi tính ra, Nhật Bản có mối tương đồng với bóng đá Việt Nam.
Gói “ODA bóng đá” từ xứ sở mặt trời ấy, quả rất lý tưởng, bắt đầu từ vai trò của trợ lý Chủ tịch HĐQT Công ty VPF của ông Kazuyoshi Tanabe, đến trưởng giải Tanaka Koji, rồi HLV trưởng các ĐTQG Toshiya Miura cũng như các gói tài trợ với Honda, Yamaha… Ông Tanabe sau vài tháng làm việc dính bạo bệnh rồi mất tại quê nhà. Không lâu sau, ông Tanaka, rồi ông Miura cũng rút êm.
Mô hình Nhật Bản phát huy hiệu quả đến đâu, giờ hẳn đã có câu trả lời rồi. Một năm sau, VPF hướng qua Hàn Quốc, với K-League không chỉ để 'rửa mắt', mà còn hy vọng tìm được thầy mới, hiệu nghiệm hơn. Nhưng câu trả lời là không gì cả. Và đó là lý do, lần này, VPF tìm qua Đức, quốc gia có nền bóng đá và giải Bundesliga phát triển bậc nhất thế giới, để học hỏi kinh nghiệm, về áp dụng ở quê nhà.
'Có bệnh thì vái tứ phương', trên thực tế, nhiều căn bệnh đã được chữa khỏi với phương pháp Đông-Tây y kết hợp. Nhưng với bóng đá Việt Nam, để làm sao áp dụng cho “phù hợp với môi trường”, là một ca cực khó. Điều đầu tiên quan trọng là liệu người trong cuộc, những người chịu trách nhiệm trực tiếp với sự tồn vong của nền bóng đá, cũng như các giải đấu, có thực sự cầu thị, hay chỉ đi để “giải ngố”?!
VPF rất chịu khó tổ chức du học nước ngoài nhưng những tồn tại của nền bóng đá vẫn chưa được giải quyết. Ảnh: Dương Thu
Phúc chủ, lộc thầy
Y học dân gian vẫn nằm lòng câu "phúc chủ, lộc thầy". Hiểu nôm na là dù có gặp thầy tốt, mà chủ (người bệnh) không có phúc cũng bằng không và ngược lại. Với ngôn ngữ thời đại bây giờ, thì đó là may rủi.
Vậy chúng ta đang đánh cược với may rủi cho các chuyến du học mô hình để áp dụng cho bóng đá Việt Nam?! Quả thật, nếu không đưa ra được một lộ trình bài bản thì học nữa học mãi cũng thừa.
“Bệnh” của bóng đá Việt Nam như thế nào và đang phát tác ra làm sao, đến người thường cũng có thể “bắt” được, chứ chẳng cần thầy giỏi. Nhưng, phác đồ điều trị như thế nào và những ai là người chịu trách nhiệm thì chúng ta vẫn loay hoay.
Thậm chí còn có ý kiến cho rằng một bộ phận giới truyền thông cũng chỉ giỏi 'bắt bệnh' chứ không đưa ra được phương án giải quyết. Ơ hay, đấy đâu phải là phận sự của truyền thông, của báo chí?!
Rất nhiều các chuyên gia ngoại quốc giỏi đã từng đến rồi đi, với cái lắc đầu ngao ngán, rằng ở Việt Nam, không phải ai cũng làm bóng đá vì cái tâm và vì cái chung. Thế nên, ngay cả khi chúng ta có thu hút được nguồn lực như đã từng, thì cũng bằng thừa, nếu không tạo được một môi trường lý tưởng, hoặc ít nhất là minh bạch. Du học về rồi, mà vẫn chỉ “trong nhà bảo nhau”, bưng bít, thì đúng là đi làm gì cho tốn kém.
Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất