SISTAR và sự đổ bộ của Làn sóng Hàn thứ ba

25/03/2015 13:24 GMT+7 | Âm nhạc

(lienminhbng.org) - Nếu như EXO chiếm danh hiệu nhóm nhạc nam nổi tiếng nhất Kpop hiện nay thì SISTAR là nhóm nhạc nữ có vị thế tương đương. Tuy nhiên các ngôi sao này vẫn chỉ thuộc về "Làn sóng Hàn thứ hai".

Trong danh sách các nhóm nhạc nữ hàng đầu Hàn Quốc năm 2014, sau Girl’s Generation (SNSD), nhóm nhạc đã đứng đầu nhiều năm liền, là SISTAR, một cái tên khá mới.

Thuộc tốp đầu dù "sinh sau đẻ muộn"

Nhóm nhạc nữ này ra mắt năm 2010, dần nổi lên trong mấy năm nay. SISTAR được đánh giá là nhóm duy nhất có thể là đối thủ của Girl’s Generation bên cạnh các nhóm nhạc nữ của Kpop hiện tại như Davichi, Girl’s Day, Apink, Crayon Pop...

Trong năm 2014, SISTAR đã ngoi lên vị trí siêu sao bên cạnh hai nhóm nhạc đàn chị là Girl’s Generation và 2NE1. Nhưng cả hai nhóm đàn chị đều bị ảnh hưởng bởi các bê bối cá nhân, với 2NE1 là nghi vấn buôn bán ma túy của giọng ca chính Park Bom, còn Girl’s Generation có nhiều thành viên công khai chuyện tình yêu và mất một thành viên do Jessica rời nhóm.


Các thành viên nhóm nhạc nữ SISTAR

Trong khi đó SISTAR tiếp tục đà đi lên nhờ ra mắt nhiều ca khúc thành công nên dần bám sát các đàn chị. Họ ra liên tiếp hai album ngắn, đầu tiên là Touch & Move với bài hát chủ đề TouchMy Body, sau đó là Sweet & Sour với bài hát chủ đề I Swear.

Vì vậy, tại giải âm nhạc MAMA lớn nhất Hàn Quốc tháng 12/2014, SISTAR cũng vượt qua hai đàn chị để đoạt giải Nhóm nhạc nữ xuất sắc.

Sự lên ngôi của SISTAR cũng đại diện cho một xu hướng mới trong Kpop. SISTAR là một trong những nhóm nhạc mới có doanh số nhạc số rất lớn, thay vì đĩa nhạc truyền thống hay các hình thức phát hành truyền thống. Sự nổi tiếng của nhóm được tiếp sức bởi thời đại internet và mạng xã hội.

Nhưng dù nổi danh, SISTAR hay EXO cũng chỉ thuộc về cái gọi là "Làn sóng Hàn thứ hai".

Làn sóng Hàn đi vào lối sống

Tờ Korea Times từng nói rằng Làn sóng Hàn thời kỳ đầu là phim truyền hình, thời kỳ thứ hai là Kpop và thứ ba là sản phẩm kinh doanh, thời trang, ẩm thực.

Sau khi bán văn hóa nghe nhìn, văn hóa biểu diễn, Hàn Quốc chào bán tiếp văn hóa tiêu dùng, thứ lâu nay họ vẫn “tặng kèm” văn hóa, nhưng đã tách ra độc lập và đứng vững.

Như vậy, Làn sóng Hàn không chỉ đơn thuần là một trào lưu văn hóa nữa. Trong vòng một tháng trước Music Bank tại Hà Nội, trên các diễn đàn và mạng xã hội, người hâm mộ Kpop bắt đầu chia sẻ các món hàng dùng để mặc, hóa trang và cổ vũ cho thần tượng. Đó là áo phông đồng phục, bờm, mũ, hình dán, ảnh in hình thần tượng, gậy phát sáng…

Bên cạnh các mặt hàng là lối sống. Các chàng trai cô gái mê nhạc Hàn Quốc có sở thích ăn đồ Hàn Quốc, họ sẽ đến các nhà hàng Hàn Quốc hoặc mua thực phẩm Hàn về chế biến tại nhà. Họ mặc quần áo nhập khẩu từ Hàn Quốc và sản phẩm công nghệ của Hàn Quốc. Họ đi du lịch Hàn Quốc và sử dụng các dịch vụ của Hàn Quốc ngay trên đất nước này.

Với những nhóm nhạc sắp sang Việt Nam lần này như SHINee, EXO, SISTAR, Apink…, nhiều người từng biết đến những nhóm nhạc đàn anh, đàn chị như DBSK, Super Junior, Big Bang, Girls’ Generation, T-Ara… có thể chưa nghe đến họ.

Không phải vì họ kém nổi tiếng, mà vì Làn sóng Hàn thay máu quá nhanh. EXO mới xuất hiện khoảng 4 năm mà đã được coi là kỳ cựu, đạt đến vài đỉnh cao. Làn sóng Hàn luôn dự trữ sẵn lớp ngôi sao kế cận, liên tục ra mắt những nghệ sĩ, nhóm nhạc thần tượng mới trẻ hơn.

Ở giữa các thế hệ luôn có sự nối tiếp. Ví dụ tại Music Bank, những lần trước sẽ là DBSK hay Girls’ Generation kỳ cựu cùng các nhóm nhạc đàn em. Lần sau lại đến 2PM, Super Junior, SHINee, BEAST hay EXO… và các nhóm trẻ mới hơn nữa.

Dù nổi tiếng đình đám với Gangnam Style, Psy cũng chỉ thuộc thế hệ Làn sóng Hàn thứ hai. Còn với thế hệ thứ ba, một trong những biểu tượng phải là pushBUTTON, hãng thời trang của nhà thiết kế Park Seunggun ra đời từ năm 2003. Nay, với xu hướng tập trung vào thời trang và tiêu dùng của Làn sóng Hàn, những hãng kinh doanh như thế này trở thành mũi nhọn.

"Văn hóa hâm mộ" hóa thành quá khích

Trong quá trình phổ biến ra thế giới, Làn sóng Hàn vấp phải không ít phản đối ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, về sự “xâm lăng văn hóa”. Nhiều người đã nhìn ra một đặc điểm của Làn sóng Hàn là thường tạo nên sự hâm mộ quá khích.

Trong số các hoạt động quảng bá âm nhạc Hàn Quốc, chuyến lưu diễn thế giới của Music Bank là chương trình hàng năm do đài KBS (Hàn Quốc) tổ chức. Gần đây nhất là buổi biểu diễn ở Mexico ngày 30/10 năm ngoái, có 12.000 khán giả.

Một ví dụ cho sự quá khích là trong đêm diễn ở sân vận động thành phố Mexico, ngoài số lượng khán giả khá đông, ban tổ chức cũng được một phen bất ngờ khi một vài khán giả nữ ném áo ngực và quần lót lên sân khấu trong các tiết mục Growl của EXO và One Shot của B.A.P. Hành động này khiến các nghệ sĩ không thoải mái, thậm chí làm việc ghi hình buổi diễn của đài KBS bị gián đoạn.

Ban tổ chức phải cho tạm ngừng đêm diễn một lát để nhắc nhở người hâm mộ ngừng ném đồ lót. Khi EXO-K, nhóm lẻ của EXO, lên sân khấu, ban tổ chức đã hạ độ sáng của đèn và tuyên bố nếu người hâm mộ không cư xử tử tế, họ sẽ ngừng ghi hình.

Mặc dù có nhiều mặt trái, thực tế là Làn sóng Hàn vẫn tồn tại và không ngừng leo từng nấc lên bậc thang phát triển. Theo dự báo, Làn sóng Hàn thời kỳ thứ tư sẽ là xuất khẩu điện ảnh và các định dạng chương trình truyền hình.

Vài nét về Music Bank Hà Nội 28/3

Nằm trong chuỗi Music Bank World từ năm 2011, đêm diễn tại Hà Nội ngày 28/3 tới là buổi biểu diễn thứ 9. Sân khấu lắp đặt trong 10 ngày, công việc lắp đặt bắt đầu từ 18/3.


Music Bank ở Mexico hồi tháng 10/2014

Sau một thời gian dài, đây là lần đầu nhóm SHINee xuất hiện với đủ 5 thành viên. Nhóm sẽ có hai màn biểu diễn solo và ca sĩ chính Jonghyun sẽ tiết mục hát chung với một khách mời bí mật.

Hyorin của nhóm SISTAR sẽ có một tiết mục “đặc biệt cảm động”. Các nhóm sẽ hát ít nhất 3 bài tiếng Việt.

Hạ Huyền
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm