31/10/2011 13:49 GMT+7 | Trong nước
(TT&VH) - Tình yêu của nhà lãnh đạo Trung Quốc Mao Trạch Đông và người vợ thứ 4 Giang Thanh luôn là chủ đề ưa thích của báo giới nước này, bởi dù có tới 4 đời chồng, nhưng Giang Thanh được cho là rất chân thành và sùng kính trong tình cảm với chủ tịch Mao. Tuy nhiên điều ngạc nhiên là có khá ít bài viết đề cập về cuộc gặp gỡ đầu tiên của hai con người đặc biệt này.
Năm giả thuyết khác nhau
Mao Trạch Đông và Giang Thanh khi ở Diên An
Ngày 20 tháng 8/1937, Mao Trạch Đông đến Phùng Gia Thôn ở Lạc Xuyên, tham gia hội nghị mở rộng của Bộ Chính trị và Diệp Tử Long đi tháp tùng ông.
Một buổi chiều trong thời gian diễn ra hội nghị, Diệp Tử Long đi dạo một mình thì gặp vị tư lệnh binh đoàn lưu thủ của Bát lộ quân - Tiêu Kính Quang đi cùng hai người phụ nữ.
Tiêu Kính Quang giới thiệu hai người phụ nữ này với Diệp Tử Long: một người là Chu Trọng Chỉ - phu nhân của ông ta và nhân vật còn lại là nữ diễn viên điện ảnh Giang Thanh vừa từ Thượng Hải đến căn cứ địa.
Đó là lần đầu tiên Giang Thanh đến căn cứ địa ở Bắc Thiểm Tây, lần đầu bà gặp Diệp Tử Long. Chuyện sau đó Giang Thanh gặp Mao Trạch Đông như thế nào lại xuất hiện rất nhiều giả thuyết khác nhau. Trong cuốn Giang Thanh truyện, tác giả Diệp Vĩnh Lạc có nhắc đến mấy giả thuyết sau:
Giả thuyết đầu tiên nói rằng trong ngày thứ hai đến Diên An, Giang Thanh cùng với Từ Minh Thanh, một người hoạt động bí mật tại Thượng Hải và chồng cô là Vương Quang Lạn, tìm đến gặp Mao Trạch Đông. Tác giả Diệp cho rằng Từ Minh Thanh đến Diên An muộn hơn Giang Thanh khoảng hơn 1 tháng nên việc ông đưa Giang Thanh đi gặp Mao Trạch Đông khi bà vừa tới Diên An trong ngày thứ 2 là phi logic.
Giả thuyết thứ 2 được tác giả Từ Chư Thành trong cuốn Tiêu Quế Anh tiến cung đưa ra có nói Mao Trạch Đông khi xem Giang Thanh diễn vở Đả ngư sát gia đã rất chú ý đến bà. Giang Thanh cũng cảm nhận được điều này nên chủ động tìm Khang Sinh, nhờ ông giới thiệu (với Mao Trạch Đông).
Giả thuyết thứ 3 nói rằng trong một dạ hội tiếp đón Vương Minh (tức Trần Thiệu Vũ, người được Quốc tế Cộng sản phái về Trung Quốc) từ Moskva đến Diên An, Giang Thanh diễn xuất vở Người bị giày xéo, đã nhận được sự chú ý của Mao Trạch Đông. Diệp Vĩnh Lạc đã khảo cứu và cho thấy Thôi Ngỗi - người biên kịch cho vở này lúc đó còn chưa đến Diên An. Vì vậy ông phủ nhận giả thuyết trên.
Thứ tư, theo hồi ức của Xuân Lâm, trong một lần diễn xuất văn nghệ, Giang Thanh là diễn viên chính trong vở kinh kịch Đả ngư sát gia. Khi tiết mục kết thúc, Mao Trạch Đông đã đợi tại hậu trường để hỏi han và Giang Thanh đã chủ động đến trước Mao Trạch Đông bắt tay, trò chuyện thân mật.
Cuối cùng, phu nhân của Vương Giá Tường là Chu Trọng Lệ, tác giả cuốn Giang Thanh mật truyện nói rằng Giang Thanh khi nghe Mao Trạch Đông báo cáo trong cuộc họp của Trung ương Đảng tại Diên An đã cố ý gạt tay làm vỡ cốc để gây sự chú ý của ông. Sau đó bà viết thư cho Mao Trạch Đông, xin được chỉ giáo về một số vấn đề để tiện bề tiếp cận với nhà lãnh đạo Trung Quốc.
Cuộc gặp chính thức tại Diên An
Không rõ tại sao Diệp Vĩnh Lạc không dẫn những điều được kể trong một bộ sách khác của Chu Trọng Lệ là Mộng nữ hoàng. Bộ sách này đã nhắc đến một người em họ của bà và là phu nhân của một cán bộ cao cấp trung ương. Người em họ này đã cùng Giang Thanh từ Lạc Xuyên đến Diên An. Ngày thứ hai ở Diên An, chính bà đã đưa Giang Thanh đến thăm Mao Trạch Đông. Họ đã nói chuyện với Mao Trạch Đông ở trong sân một lúc rồi tạm biệt ra về.
Câu chuyện trên của Chu Trọng Lệ tới nay vẫn còn gây nghi vấn. Nhưng bà thực sự có một người em gái ruột là Chu Trọng Chỉ, vợ của Tiêu Kính Quang, nhân vật từng là Tư lệnh binh đoàn lưu thủ của Bát lộ quân. Việc Giang Thanh gặp Diệp Tử Long và bà đi cùng Chu Trọng Chỉ đã được xác nhận.
Bản thân Diệp Tử Long viết lại trong hồi ức của ông rằng khi kết thúc hội nghị Lạc Xuyên, phu nhân của Tiêu Kính Quang là Chu Trọng Chỉ đã đưa Giang Thanh đến gặp Mao Trạch Đông. Đích thân Diệp Tử Long đã thấy họ nói chuyện với nhau.
Tên họ thực của các nhân vật trong cuốn Mộng nữ hoàng của Chu Trọng Lệ phần lớn đã được thay đổi qua phương thức: dùng các âm na ná hoặc các từ gần nghĩa. Mối quan hệ thực sự giữa các nhân vật cũng bị sửa đổi hoặc làm mờ đi.
Tuy nhiên Chu Trọng Lệ vẫn miêu tả khá tường tận việc “em họ” của bà cùng Giang Thanh đi từ Lạc Xuyên đến Diên An như thế nào và Giang Thanh nhờ em của bà dẫn đến gặp Mao Trạch Đông như thế nào. Có khá nhiều chi tiết trong sách khớp với hồi ức của Diệp Tử Long về Chu Trọng Chỉ. Do đó, không khó để suy đoán người “em họ” dưới ngòi bút của Chu Trọng Lệ chính là em ruột của bà. Tình huống lần đầu tiên Giang Thanh gặp Mao Trạch Đông vì vậy cũng đã rõ ràng.
Nguyễn Hồng Nhung (Theo Xinhua)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất