Nhà văn Bùi Anh Tấn: Em là tôi và tôi cũng là em

05/07/2012 14:05 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Nhà văn Bùi Anh Tấn vừa xuất bản tiểu thuyết Bí mật hậu cung (NXB Hội Nhà văn và Phương Nam Book ấn hành) viết về người đồng tính dưới vương triều nhà Lý. Đây là tiểu thuyết thứ ba viết về giới tính thứ ba của nhà văn này.

Nhà văn Bùi Anh Tấn

Có thể nói, Bùi Anh Tấn là nhà văn Việt Nam đầu tiên viết tiểu thuyết về người đồng tính. TT&VH có cuộc trò chuyện với Bùi Anh Tấn về người đồng tính từ tiểu thuyết đến cuộc đời.

Đồng tính đang được “bình thường hóa”

* Anh từng viết Một thế giới không có đàn bà về đồng tính nam, Les - Vòng tay không đàn ông về đồng tính nữ. Trong xã hội Việt Nam hiện nay nói chung và trong giới showbiz nói riêng, vấn đề đồng tính đang gần như công khai. So với thời anh viết 2 tiểu thuyết trên, vấn đề giới tính thứ ba hiện nay có gì khác?

- Theo tôi nghĩ, vấn đề giới tính thứ ba hiện nay đang mang một sắc thái phổ biến. Thời tôi viết 2 tiểu thuyết này cách đây hơn 10 năm và thời ấy Internet lẫn các phương tiện thông tin không rộng mở như hiện nay. Bây giờ, rõ ràng chúng ta có thể thấy giới tính thứ ba gần như đang đi theo chiều hướng “bình thường hóa”, việc người ta thừa nhận mình là đồng tính cũng không còn gây ồn ào như trước nữa. Đồng tính xuất hiện ngày càng nhiều trong các hình thức nghệ thuật khác nhau không chỉ ở văn chương mà còn ở âm nhạc, phim, kịch…. Thậm chí quảng cáo cũng có thể đề cập đến đồng tính (quảng cáo bánh ngọt của Chewi Junior - search trên YouTube), điều đó chứng tỏ vấn đề đồng tính hiện nay không còn gì gọi là ghê gớm so với thời xưa.

* Bí mật hậu cung khai thác vấn đề đồng tính liên quan đến lịch sử thời Lý, cụ thể là nhân vật lịch sử Lý Thường Kiệt. Nhiều nhân vật lịch sử lừng danh cũng bị/được cho là đồng tính. Vậy theo anh, từ góc nhìn lịch sử đến hôm nay, giới tính được đánh giá có công bằng hay chưa nếu dựa trên đóng góp của từng con người?

- Thật ra ở tiểu thuyết Bí mật hậu cung tôi cũng chẳng khẳng định gì về Lý Thường Kiệt cả, dựa trên những tư liệu lịch sử để lại, tôi chỉ “giả định” rằng có một mối “tình trai” giữa hai người đàn ông xưa thôi. Còn chứng minh về ông ư, có gì để chứng minh đâu? Sử sách chúng ta hầu như không nói đến vấn đề này, chúng ta có những “hoạn quan” trong lịch sử, nhưng chúng ta lại không có những nhân vật đồng tính trong lịch sử như những mối tình “tình trai” của vua chúa trong sử sách Trung Quốc. Tôi ngờ rằng “rất có thể” Việt Nam chúng ta cũng có nhưng sử sách chúng ta không ghi chép lại cụ thể. 

Thực tế trong sử sách, Lý Thường Kiệt cũng từng có những mối quan hệ với đàn bà. Riêng vua Lý Thánh Tông ngoài 2 bà hoàng hậu chính thức thì với bà Ỷ Lan, cũng có 2 con trai. Nhưng có một thực tế ở thế giới thứ ba rằng, tuy bạn có đàn bà không có nghĩa là bạn không phải đồng tính.

 Lý Thường Kiệt, tôi cực kỳ trân trọng ông là một vị tướng tài với những trận đánh, như: đánh thành Ung Châu, đánh giặc Tống trên sông Như Nguyệt, đánh Chiêm Thành… Với quan điểm cá nhân, tôi đánh giá tài năng của danh tướng Lý Thường Kiệt không thua gì Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn, Quang Trung Nguyễn Huệ, có điều lịch sử ít nói về ông quá. 



Bí mật hậu cung - tiểu thuyết mới nhất của Bùi Anh Tấn về người đồng tính, được lấy cảm hứng từ vương triều nhà Lý

Một phần tất yếu của tạo hóa

* Anh viết nhiều tác phẩm về người đồng tính như vậy, có phải anh muốn thông qua văn chương để đấu tranh quyền bình đẳng cho người đồng tính ở Việt Nam?

- Thật ra đó cũng là điều tôi đang muốn hướng tới. Đã là năm 2012 của thế kỷ 21 rồi, đã đến lúc bạn đọc đồng tính của tôi có “quyền” đòi được yêu công khai, được sống công khai, được xã hội thừa nhận họ như mọi thực thể khác. Chúng ta đang sống trong một thế giới có dị tính và đồng tính. Người  đồng tính hiện nay vẫn chưa được sống thật với chính mình, chưa được xã hội thừa nhận bằng hôn nhân hợp pháp, họ vẫn bị sức ép của dư luận xã hội… Thế nên bằng ngòi bút của mình tôi cố gắng “giúp đỡ” những bạn đọc đồng tính của tôi trong khả năng cho phép, nhằm xóa bỏ những ngăn cách thiên kiến xã hội đối với người đồng tính.

* Vẫn còn rất nhiều người cho rằng đồng tính là “một thứ bệnh”, trong khi  đồng tính là “một phần tất yếu của cuộc sống” mà chúng ta không nên “phân biệt đối xử. Ý kiến của anh về vấn đề này thế nào?

- Nếu bây giờ mà còn cho đồng tính là “bệnh” thì đây là tư duy rất cũ, đầy “phân biệt đối xử”. Cần nhắc lại rằng Tổ chức Y tế thế giới đã loại bỏ đồng tính ra khỏi danh sách bệnh từ năm 1980. Tôi khẳng định rằng, đồng tính được xem là một thái độ lựa chọn của một cá nhân và đấy là quyền của họ. Chúng ta sống theo quan niệm số đông với những chuẩn mực xã hội từ ngàn năm nay để lại, gồm: phải có đàn ông, phải có đàn bà và đấy là tất yếu của cuộc sống. Tôi hoàn toàn ủng hộ điều này. Nhưng giả như cuộc sống có những “lệch chuẩn” đó chính là thế giới thứ ba với những quan niệm khác chúng ta (số đông) là lập tức chúng ta lên án, xua đuổi… Nhưng đấy là quyền tự nguyện lựa chọn của họ, tại sao chúng ta lại cấm đoán. Thật ra cũng nói thêm thế này, đôi khi chuyện bạn đồng tính hay dị tính không nằm trong sự lựa chọn tự nguyện của chúng ta mà là “bí mật” của tạo hóa và hãy hiểu, thông cảm chấp nhận. Tôi rất thích một câu hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “Em là tôi và tôi cũng là em”, là vậy.

* Xin cảm ơn nhà văn!

Trần Hoàng Nhân (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm