Tóm tắt Giải thưởng

"Giải thưởng được thành lập theo sáng kiến của gia đình Bùi Xuân Phái và báo Thể thao & Văn hóa nhằm tôn vinh sự nghiệp của Bùi Xuân Phái và tiếp nối tình yêu Hà Nội của ông. Giải thưởng được trao hàng năm cho những Tác giả , Tác phẩm , Ý tưởng , Việc làm có hàm lượng nghệ thuật và khoa học cao gắn bó với các mặt đời sống Hà Nội và thấm đượm một tình yêu Hà Nội "

Xem tiếp

Đề cử: Chương trình cải tạo, làm sạch các hồ ở Hà Nội

14:11:00 13/08/2010

(Đề cử) Dự án nạo vét bùn Hồ Gươm bằng công nghệ Đức, và kế hoạch thực hiện các dự án “xã hội hóa” cải tạo hồ tại nội thành Thủ đô đã làm nức lòng người dân Hà Nội vì đã, đang và sẽ mang lại vẻ đẹp lung linh của Hà Nội - thành phố của các sông, hồ...

* Từ dự án nạo vét bùn Hồ Gươm

Vào cuối tháng 11/2009, việc thử nghiệm nạo hút bùn Hồ Gươm bằng công nghệ Đức đã được thành phố Hà Nội triển khai. Sau gần 100 ngày nạo vét dưới sự giám sát của các chuyên gia Đức đã có trên 1.000 m2 (1/10 diện tích Hồ Gươm) mặt nước Hồ Gươm được làm sạch. Trước đó, tháng 6/2009, công nghệ này được ứng dụng thành công vào việc nạo vét bùn trong Ao cá Bác Hồ.

Theo đó, phía Đức sẽ dùng máy hút bùn ngầm Sediturtle hút hỗn hợp bùn (20-40%) và nước, sau đó, hỗn hợp bùn - nước tiếp tục được ép thành viên.


Bùn hút lên được ép luôn thành viên. Ảnh Bee.net

Với phương pháp này, diện tích mặt thoáng của hồ cải tạo sẽ được chia thành nhiều ô nhỏ và thực hiện hút bùn theo từng ô một. Việc hút bùn không làm lần lượt từng ô mà sẽ tính toán hút các ô khác nhau để tránh những thay đổi đột ngột cho môi trường sống của sinh vật ở đó.

Thi công nạo không làm ảnh hưởng đến sinh thái Hồ Gươm

Theo PGS.TS Hà Đình Đức, Chủ nhiệm dự án Phục hồi - ổn định bền vững hồ Hoàn Kiếm, cho biết, ngày nay đáy hồ Gươm là một lớp bùn dày chứa nhiều chất ô nhiễm. Lượng nước cũng như chất lượng nước của hồ đang biến đổi theo chiều hướng tồi tệ. Nếu không được cải tạo, chỉ trong 50 năm nữa, toàn bộ hồ Gươm sẽ biến thành một vùng sinh lầy ô nhiễm.

Trước những ý kiến quan ngại về việc quá trình nạo vét bùn có thể ảnh hưởng đến đời sống của loài rùa quý trong hồ Gươm, ông Hà Đình Đức khẳng định quá trình này không ảnh hưởng đến đời sống của loài rùa bởi khu vực nạo vét đã được ngăn lưới để rùa không thể xâm nhập và hoạt động của máy hút cũng không gây ra nhiều tiếng ồn hay làm xáo trộn thủy lưu.

Với kết quả này, UBND thành phố Hà Nội tiếp tục đề xuất mở rộng nạo vét hồ Gươm và dự kiến sẽ thực hiện toàn bộ tại Hồ Gươm sau Tết Nguyên đán Canh Dần (2/2010). Tuy nhiên, do vướng mắc ở nhiều khâu nên công việc này vẫn chưa được tiến hành, vừa qua, Do thời gian đến Đại lễ 1.000 năm Thăng Long không còn nhiều và mặt bằng khu vực Hồ Gươm đang phải dành cho các dự án chỉnh trang nên dự án hút bùn giai đoạn 2 phải dừng lại đến sau Đại lễ.

* Đến các dự án "xã hội hóa" cải tạo hồ nội thành

Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Hà Nội Phí Thái Bình vừa chấp thuận đề xuất của Sở Xây dựng về kế hoạch khởi công các dự án “xã hội hóa” cải tạo hồ tại nội thành Thủ đô, quyết định trước 20/3 sẽ khởi công cải tạo 5 hồ đầu tiên.

Hồ vinh hạnh “mở màn” công cuộc “xã hội hóa” bảo vệ, kè và cải tạo các hồ tại nội thành Thủ đô do Thành ủy, UBND TP Hà Nội kêu gọi là hồ Vục tại phường Long Biên (quận Long Biên), sẽ khởi công vào 13/3.

Đây là một trong 12 hồ được Sở Xây dựng Hà Nội đưa vào danh mục cải tạo giai đoạn I, trong tổng số 45 hồ cần cải tạo trong cả 3 giai đoạn của “công cuộc xã hội hóa” này (1 hồ tại Sơn Tây).


Vị trí hồ Vục tại quận Long Biên - hồ đầu tiên của Thủ đô được khởi công cải tạo theo phương thức "xã hội hóa".

Hồ Vục có diện tích 2,8ha với chu vi 870m. Sở Xây dựng dự kiến, để cải tạo hồ này khối lượng công việc chủ yếu là kè 870m vòng quanh hồ, nạo vét khoảng 55.000m3 bùn và xây dựng 900m cống bao.

Sở này tính toán kinh phí dự trù để cải tạo hồ Vục khoảng 26,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, Công ty CP Him Lam đã nhận đóng góp, ủng hộ toàn bộ.

4 hồ dự kiến khởi công tiếp theo (thuộc đợt 1 này) gồm: Hồ cá Bác Hồ (Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng) 2,9ha; hồ Vả (quận Tây Hồ) 2,1ha; hồ Phương Liệt 2 (quận Thanh Xuân) 4,4ha và hào Thành cổ (thị xã Sơn Tây).

Riêng với hào Thành cổ Sơn Tây, vì thuộc di tích quốc gia đã được xếp hạng, Phó Chủ tịch Phí Thái Bình lưu ý UBND thị xã Sơn Tây báo cáo Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT&DL) trước khi triển khai cải tạo.

“UBND thị xã Sơn Tây cần yêu cầu Cty CP Tập đoàn xây dựng và du lịch Bình Minh phải sớm sửa chữa, khôi phục lại hệ thống mương đưa nước vào hào Thành cổ, lập dự án cải tạo hệ thống mương thoát nước cho hào này” – ông Bình chỉ đạo.

Lãnh đạo Hà Nội trong buổi kêu gọi các doanh nghiệp "chung tay, chung tiền" cải tạo 45 hồ chưa từng có dự án trên địa bàn Thủ đô, cách đây 1 tháng rưỡi (Ảnh: Q.M).

Để có thể khởi công thi công các dự án này, UBND TP Hà Nội giao Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội khẩn trương đề xuất các địa điểm, xác định qui mô, ranh giới các điểm gom bùn, phế thải… gửi Sở Quy hoạch - Kiến trúc thẩm định, trình UBND TP phê duyệt trước 20/3.

Ngoài các dự án trên, Phó Chủ tịch Hà Nội cũng cho biết nhiều doanh nghiệp với tình cảm, trách nhiệm đã tự nguyện đóng góp kinh phí cho công tác cải tạo hồ của Thủ đô và đã được UBND TP giao làm chủ đầu tư.

“Thành phố hoan nghênh và cảm ơn tấm lòng của các doanh nghiệp đã đóng góp cho sự nghiệp cải tạo môi trường Thủ đô. Thành phố sẽ xem xét đề nghị của các doanh nghiệp về việc thực hiện BOT các dự án cải tạo môi trường hồ Hà Nội” – lãnh đạo Hà Nội nhấn mạnh.

Được biết, chỉ qua hơn 1 tháng phát động, đã có 15 hồ tại Hà Nội được doanh nghiệp nhân làm chủ đầu tư. Ngay trong buổi chiều phát động công cuộc này (20/1/2010), các doanh nghiệp có mặt trong buổi họp tại trụ sở UBND TP Hà Nội đã đăng ký góp ngay 296 tỷ đồng. Số tiền ủng hộ này không ngừng tăng lên vào những ngày sau đó.

Tuy nhiên, theo quan điểm TP Hà Nội đưa ra ngày 10/3, “Đề án cải tạo môi trường các hồ ở nội thành Hà Nội” là đề án thực hiện lâu dài. Vì vậy, Sở Kế hoạch & Đầu tư vẫn được giao nhiệm vụ tiếp tục đăng tin trên trang web, đồng thời giao dịch với các nhà đầu tư trong ngoài nước, kêu gọi ủng hộ các dự án cải tạo những hồ còn lại.
N.K
(Tổng hợp từ Đất Việt, Bee.net)

Ý kiến bạn đọc

Gửi bình luận của bạn

gửi ý kiến(Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)

  • (*)
  • (*)
  • (*)