Đồ án Cung đường hòa bình làcủa nhóm tác giả: Hoàng Thúc Hào, Hạ Chí Nhân, Nguyễn Mạnh Cường, Thang Thế Long. Quách Thế Anh, Lê Anh Quyến, Phạm Thanh Hương (Công ty CP Kiến trúc Quốc tế 1+1>2). Nhìn thoáng qua, tưởng rằng chỉ là một giải pháp trang trí đơn thuần một tuyến đường quen thuộc của Hà Nội, vốn không lấy gì làm đẹp. Nhưng nó đã thực sự đánh thức những giá trị lịch sử văn hóa tiềm ẩn của Thăng Long ngàn năm tuổi, để những giá trị ấy được “hiển thị” rõ rệt trong cuộc sống hôm nay.
Ai cũng biết những “dấu xưa thành cổ” nay hầu như hóa phố phường theo nhịp sống hiện đại. Một trong những đoạn dấu tích hiếm hoi sót lại của tường bao kinh thành Thăng Long là tuyến đường Bưởi, mà dấu tích của nó chỉ là cốt nền cao từ 2-5m so với con đường chạy dọc sông Tô Lịch.
Ý tưởng “kè” tuyến đường Bưởi suốt chiều dài 2km đã được nhóm KTS Hoàng Thúc Hào (Công ty CP Kiến trúc Quốc tế 1+1>2) đưa ra cách đây ít lâu. Bằng chất liệu truyền thống, bền vững: gạch vồ, đá ong, đá tự nhiên kết hợp trồng hoa, đặt vạt nước... nhóm KTS này đã tạo ra một hệ thống “tường thành” mới được tổ hợp từ nhiều đoạn kè, độ dốc khác nhau (kè dốc đứng, vát thoải, kè giật thành nhiều cấp trồng hoa, cỏ, kè thác nước...) xếp chồng nếp, uốn lượn trên toàn tuyến. Những tấm kè phân khúc 10-20m, cao 2-5m, xếp lệch 0,7- 1,5m, hình nan quạt, xen kẽ thang đi bộ liên kết không gian phía trên và phía dưới đường Bưởi với sông Tô Lịch thành một chỉnh thể hữu cơ.
Đồ án Cung đường Hòa bìnhĐể gây ấn tượng thị giác về ban đêm, giữa những khe lệch này, ánh sáng được thiết kế chiếu song song với chiều chuyển động... Tác phẩm trở thành một bản “giao hưởng” kè, thống nhất của những đối lập: cứng - mềm, tĩnh - động, sáng - tối, rắn - lỏng... nhằm đem lại sự thân thiện, thú vị cho người cảm thụ và thuận lợi với người tham gia giao thông.
KTS Hoàng Thúc Hào lý giải: “Hình ảnh tuyến đường này rất đa nghĩa, có thể liên tưởng tới vảy rồng, tường thành, mái phố nhấp nhô, nốt nhạc, thắt lưng xanh...”. Sâu xa, anh muốn diễn đạt một triết lý: bản chất thành là bảo vệ cuộc sống hòa bình của dân chúng. Thăng Long một thời “phi chiến địa”, nay là “Thành phố hòa bình” cho nên xứng đáng có một “Cung đường hòa bình” - biểu tượng cho thời đại mới, thân thiện và hội nhập.
Liệu đồ án này có được triển khai trong thực tế? Đồ án này sẽ được trao lại cho UBND TP Hà Nội làm tài liệu tham khảo và xem xét khả năng ứng dụng vào thực tiễn.
TS Hoàng Thúc Hào thì nhấn mạnh: “Ẩn dụ, đa nghĩa, rẻ, đơn giản, thi công nhanh” - đó là những từ khóa của đồ án. Hiện trạng tuyến Bưởi phần lớn là bãi đỗ xe, bãi rác thải, nếu thực thi không phải đền bù, giải tỏa, không gây xáo trộn cuộc sống người dân. Ngoài ý nghĩa lịch sử, văn hóa, việc chỉnh trang tuyến Bưởi còn mang ý nghĩa xã hội, cải thiện môi trường sống, tạo thêm nhiều không gian giao lưu, sinh hoạt cộng đồng lành mạnh. Ý tưởng khả thi và có thể kết thúc trước kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long”.
Đồ án “Cung đường hòa bình” đã đoạt giải Nhât Cuộc thi sáng tác kiến trúc Vì Hà Nội hôm nay và ngày mai. Cuộc thi do Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức nhằm đề xuất các ý tưởng sáng tạo kiến trúc, bảo tồn tôn tạo các di sản văn hóa lịch sử, góp phần làm đẹp và tôn vinh Hà Nội.