>>> Giải Bùi Xuân Phái lần 6 - năm 2013
(lienminhbng.org) - Họa sĩ Nguyễn Thu Thủy tác giả công trình Con đường gốm sứ, từng được tặng thưởng giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội năm đầu tiên (2008) - đã tiếp tục đề xuất ý tưởng vĩnh cửu hóa hình ảnh Hà Nội cổ trên Con dường gốm sứ ở đê Sông Hồng.
Ngoài hình ảnh Hà Nội thế kỷ 19, họa sĩ Thu Thủy còn muốn “vĩnh cửu hóa” ảnh Hà Nội trong kháng chiến chống Pháp và ngày tiếp quản Thủ đô trên đoạn đê Trần Quang Khải gần với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Họa sĩ này muốn sắp đặt các tấm ảnh lịch sử về Hà Nội cổ bằng cách in nguyên bản các bức ảnh trên gốm nặng lửa, khiến những bức ảnh sẽ trở nên vĩnh cửu trong không gian công cộng.
Bức ảnh Chiến sĩ giải phóng Thủ đô được các cô gái chào đón sẽ được vĩnh cửu hóa trên Con đường gốm sứ |
1. Nữ họa sĩ Thu Thủy từng tổ chức một triển lãm mang tên Dấu ấn Hà Nội 2010 (diễn ra từ 17 đến 26/7/ 2010 tại Bảo tàng Mỹ thuật VN). Trong triển lãm này, lần đầu tiên công chúng biết đến một thử nghiệm khá mới mẻ - đưa ảnh cổ Hà Nội lên gốm! Trước đây, in tranh, ảnh lên gốm thường in với kích thước nhỏ và nung nhẹ lửa. Những sản phẩm đó thường được dùng làm quà tặng và chỉ để trong nhà, còn mang ra ngoài trời, màu sẽ bị bay theo thời gian. Nhưng nữ họa sĩ đã tìm ra kỹ thuật nung trên 1.200 độ C, những tấm hình trở thành vĩnh cửu, có thể chịu được mưa nắng.Hồi đó, nữ họa sĩ từng có dự định sẽ làm một đoạn tranh gốm có những bức ảnh nguyên bản như thế nhưng in to hơn, để lưu lại những hình ảnh lịch sử của Hà Nội.
Tuy nhiên, dự định này của chị bị gác lại nhiều lần vì ý tưởng “nối dài” con đường gốm sứ ra Trường Sa với Lá cờ Tổ quốc bằng gốm sứ lớn nhất ở Trường Sa và 4 bức tranh gốm về biển đảo; rồi cả Bức tranh gốm về 40 năm Hiệp định Pariskhánh thành vào tháng 3/2013 vừa rồi tại thành phố Choisy-le-Roi (Pháp).
Một đoạn tranh phác thảo hình ảnh Hà Nội cổ với kỹ thuật in ảnh trên gốm phủ men nặng lửa
|
2. Ý tưởng Vĩnh cửu hóa hình ảnh Hà Nội cổ, Hà Nội trong hai cuộc kháng chiến và công cuộc xây dựng hoà bình cứ bị gác lại. Nhưng với tình yêu Hà Nội thôi thúc, nữ họa sĩ quyết tâm hoàn thành tâm nguyện của mình về đoạn tranh Hà Nội cổ và Hà Nội trong kháng chiến chống Pháp trong năm tới để hướng tới kỷ niệm 60 năm giải phóng Thủ đô. Hà Nội trong kháng chiến chống Mỹ và thời bình xây dựng sẽ được hoàn thành vào năm 2015 trong dịp kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì Tình yêu Hà Nội do báo Thể thao & Văn hóa và gia đình cố họa sĩ Bùi Xuân Phái sáng lập từ năm 2008.
Lễ trao giải thưởng lần thứ 6 - năm 2013 được tổ chức vào lúc 14h ngày 29/8 tại Trung tâm Thông tấn Quốc gia, số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội.
|
Hiện nay, chị đã sưu tầm được hơn 2.000 bức ảnh lịch sử từ kho lưu trữ của Viện Viễn Đông Bác cổ, Phòng Tư liệu ảnh của Thông tấn xã Việt Nam, Tạp chí Xưa và Nay, bộ sưu tập ảnh của kiến trúc sư Đoàn Bắc và nhà nhiếp ảnh Chu Chí Thành. Nữ hoạ sỹ sẽ chọn ra 60 bức ảnh tiêu biểu để thể hiện đoạn tranh gốm sắp đặt ảnh Hà Nội cổ và Hà Nội trong kháng chiến chống Pháp, hướng tới kỷ niệm 60 năm ngày giải phóng Thủ đô. Nhiều bức ảnh quý trong ngày tiếp quản Thủ đô 10/10/1954 lần đầu tiên được giới thiệu rộng rãi để người Hà Nội mãi nhớ về một thời hào hùng của Thủ đô. Những bức ảnh này sẽ được sắp đặt trên nền bóng hình đồ hoạ những công trình kiến trúc thân quen của Hà Nội như Chùa Một cột, Khuê Văn các, Cột cờ Hà Nội, Phố cổ, cầu Long Biên theo phong cách đương đại.
Dự kiến, đoạn tranh gốm này sau khi hoàn thành sẽ góp phần vào việc giáo dục lịch sử và khơi gợi niềm tự hào của người dân về Thủ đô Hà Nội.
AN NHƯ
Thể thao & Văn hóa