(lienminhbng.org) - “Cây đại thụ qua đời rồi”. Đó là tin nhắn của một người bạn tôi làm ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm khi nghe tin nhà nghiên cứu Tảo Trang Vũ Tuân Sán qua đời.
Nhà Hà Nội học của những nhà Hà Nội học, người sở hữu Giải thưởng Lớn giải Bùi Xuân Phái- Vì tình yêu Hà Nội đã vĩnh viễn ra đi vào 8/6, hưởng thọ 103 tuổi. Lễ viếng và hỏa táng diễn ra trong các ngày 8/6 và 9/6.
“Mỗi ngày vài trang sách”
Gặp ông tại thư phòng trong những ngày ông tròn 100 tuổi, tôi đã không thể giao tiếp với ông theo cách bình thường. Ông không còn nghe rõ, tôi phải trò chuyện cùng cụ bằng những mẩu giấy gia đình chuẩn bị sẵn. Qua “bút đàm”, cụ cho hay, điều đau lòng nhất của tuổi già là rất khó đọc sách.
Dù chuẩn bị kính lúp để đọc nhưng “mỗi ngày, tôi chỉ còn đọc được vài trang sách. Người nghiên cứu, không được đọc sách bức bối lắm". Rồi ông bảo, biên tập bài cho các bạn trẻ nghiên cứu Hán Nôm, ông không chỉ giúp họ mà cũng tự nhận thêm được nhiều điều.
“Tôi thấy các bạn trẻ bây giờ khá lắm. Đọc bài của họ tôi thấy nhiều hướng tiếp cận mới. 100 tuổi vẫn phải đọc, phải học cậu ạ!”- học giả chia sẻ.
Từ cảm hứng lao động, học hỏi, tìm tòi ấy, không lạ Tảo Trang Vũ Tuân Sán để lại di sản khổng lồ với hậu thế. Đầu tiên, phải kể đến loạt bài nghiên cứu về các sự kiện và nhân vật lịch sử Hà Nội như khởi nghĩa Hai Bà Trưng, cuộc đại phá quân Thanh, các nhân vật Phạm Tu, Chu Văn An, Bùi Xương Trạch, Nguyễn Hữu Liêu, Nguyễn Quý Đức, Bùi Huy Bích, Phạm Đình Hổ, Đặng Huy Trứ, Nguyễn Trọng Hợp, Bùi Liêm...
Đáng chú ý nhất là cuốn sách nghiên cứu Hà Nội kinh điểm Hà Nội xưa và nay. Cuốn sách dày 980 trang tập hợp lại 77 bài viết, công trình của ông được chia thành các phần: Hà Nội sử địa; Hà Nội di tích; Hà Nội danh nhân; Hà Nội văn học; Hà Nội văn nghệ dân gian, nghề truyền thống.
Thành thạo tiếng Pháp, tiếng Hán, nhưng để có được những công trình như trên, học giả Vũ Tuân Sán đã điền dã tới khắp các vùng di tích, bằng chiếc xe đạp lọc cọc đạp xuyên thế kỷ.
GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Sử học Việt Nam nhớ lại: “Tôi đi đến đâu trong đất Hà Nội đều được các cụ già, các cán bộ văn hóa địa phương cho biết cụ Vũ Tuân Sán đã về đây và đã đọc, sưu tầm, nghiên cứu về các di tích trên quê hương của họ. Cụ làm công việc khảo sát điền dã không chỉ với tư cách một nhà nghiên cứu khoa học. Nhiều lần tìm thấy tư liệu mới, cụ đến nhà tôi trao đổi và có lúc rủ tôi cùng GS Trần Quốc Vượng đi đến tận nơi để cùng thẩm định.”
Công việc cuối cùng
Năm ngoái, khi cảm nhận sức khỏe đã cùng kiệt, học giả Vũ Tuân Sán đã trao tặng Viện nghiên cứu Hán Nôm 500 cuốn sách cổ, quý. “Tôi biết, thời gian của mình sắp hết rồi. Những tư liệu này phải được nghiên cứu tiếp” – ông nói. “Tôi đã dành nhiều thời gian, cố tập trung, minh mẫn để soạn lại toàn bộ kho sách, tuyển chọn những cuốn sách giá trị để người sau tiếp tục nghiên cứu.”
Học giả Vũ Tuân Sán , Giải thưởng lớn, Giải Bùi Xuân Phái- Vì tình yêu Hà Nội vừa qua đời ở tuổi 103.
Trong số 500 cuốn sách này có nhiều cuốn sách Hán Nôm quý truyền bản và độc bản. Đây là những cuốn sách nghiên cứu cả về địa lý, lịch sử, vă học, thần sắc. Những cuốn sách này được nhà nghiên cứu Vũ Tuân Sán sưu tầm suốt quá trình tìm tòi, nghiên cứu. Đặc biệt, trong đó có những cuốn sách rất quý giá như: Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Hoàng Việt thi văn tuyển (của Bùi Huy Bích), Phương Đình địa chí (của Nguyễn Văn Siêu)...
Trong ngày trao sách, nhà nghiên cứu Vũ Tuân Sán có đề nghị một cán bộ trẻ của Viện nghiên cứu Hán Nôm viết chữ Hán. Khi cán bộ trẻ này viết xong, cụ thấy chữ đẹp quá, cụ vui mừng ra mặt. Cụ thêm tin là vẫn còn những người trẻ yêu chữ Hán và học chữ Hán.
Cũng về thế, sau ngày trao sách, cụ vui và khỏe ra nhiều. Nhưng, đó cũng là tia nắng cuối cùng trong buổi hoàng hôn cuộc đời của một học giả vĩ đại, một trái tim lớn vì tình yêu Hà Nội!
Giải thưởng Lớn vì tình yêu Hà Nội
Nhà nghiên cứu Vũ Tuân Sán sinh tại làng Đại Từ (Hà Nội), từng công tác tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Sở Văn hóa Hà Nội… Năm 2014, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gửi thư mừng thọ cụ tròn 100 tuổi và ca ngợi những đóng góp của cụ với văn hóa nước nhà.
Cũng trong năm 2014, ông nhận Giải thưởng lớn tại Giải Bùi Xuân Phái- Vì tình yêu Hà Nội do báo Thể thao & Văn hóa (TTXVN) tổ chức. Trong lễ trao giải, Hội đồng Giám khảo nhận định: “Năm nay 100 tuổi, cụ như ánh vàng son còn lại của một thế hệ kết hợp được trong mình cả phần tinh túy của văn hóa phương Đông và phương Tây”.
|
Mỹ Mỹ
Thể thao & Văn hóa