(lienminhbng.org) - Đã có quá nhiều bài báo viết về ông, người bỏ ra hơn chục cây vàng để mua 2 chiếc mỏ neo cổ dưới sông Hồng, rồi lại "hì hục" đề nghị các bảo tàng đứng ra tiếp nhận. Thế nhưng, với ông Quách Văn Địch, việc hiến tặng món cổ vật ấy cho Hà Nội vẫn là một câu chuyện riêng, với những tâm sự rất riêng...
Cuối năm 2017, ông Địch quyết định chọn bảo tàng Hà Nội làm địa chỉ để hiến tặng cặp mỏ neo của mình. 1 trong 2 chiếc mỏ neo ấy, đã có đại gia nước ngoài trả giá cao gấp nhiều lần con số hơn chục cây vàng.
Cặp mỏ neo bạc tỷ
Ông Địch không phải một nhà sưu tập chuyên nghiệp. Và, cơ duyên để 2 sở hữu chiếc mỏ neo cũng khá tình cờ.
Cuối năm 1999, người bạn làmCông ty Du lịch sông Hồng rủ ông ra xà lan giữa sông ngồi chơi. Đến nơi, ông Địch bắt gặp ở góc xà lan là một chiếc mỏ neo lạ, dài hơn 6 mét với 2 cạnh. Mũi neo bằng sắt, gắn vào thân gỗ bằng chốt gỗ cùng những lớp thừng bện rất chắc chắn.
Càng xem càng hứng thú, hỏi ra mới biết, chiếc mỏ neo này được ngư dân trên sông Hồng vớt lên và phía công ty chuẩn bị mua về. Mê mẩn, ông Địch đề nghị phía công ty (vốn cũng là chỗ quen biết) nhường cho mình mua lại mỏ neo với giá 9 cây vàng.
Thời điểm ấy, gia đình ông Địch chuẩn bị mở một quán bia ở phố Hồng Hà. Khi khai trương, mỏ neo được bày ở một góc phòng. Rồi một thời gian ngắn, lại có người dân chài tới gặp ông rao bán chiếc mỏ neo mới vớt được. Tới xem, ông Địch lại bị “hớp hồn” khi chiếc mỏ neo này khá khác chiếc đầu tiên: ngắn hơn, chỉ có một ngạnh dài hơn một mét, cũng được gắn vào thân neo bằng chốt gỗ và dây bên. Mặc cả xuống giá 2 cây vàng, ông nghiến răng rước nốt chiếc mỏ neo ấy về bày ở quán bia.
Khách tới nhà hàng càng đông. Để rồi, một ngày đẹp trời, năm 2002, có tốp du khách từ nước ngoàitìm đến ông. Qua phiên dịch, họ bảo đây là những cổ vật giá trị, có thể thuộc thời Trần và đề nghị trả ông 30.000 USD cho chiếc mỏ neo thứ hai.
Ông Địch lắc đầu. Vài ngày sau, qua trung gian là mấy người thợ gỗ Đồng Kỵ, những người khách này lại nì nèo trả giá cao hơn, với mức cuối cùng thực sự là con số khủng.
“Cánh thợ Đồng Kỵ còn trở đi trở lại vài lần” - ông kể “Có lần họ bảo, nếu anh ngại đứng ra mua bán thì cứ đi đâu vắng vài ngày, bọn em gửi tiền chị rồi khuân về. Anh về nhà, ai hỏi thì bảo: vợ không biết, bán đi mất, thế là xong”.
Hành trình "truy nguyên"
Lý do để ông Địch vượt qua sự cám dỗ từ món tiền ấy nằm ở một suy nghĩ sâu xa: Đó là cặp mỏ neo cổ nằm tại Hà Nội, và rất có thể là dấu tích của những con thuyền đã từng cập bến Thăng Long trong lịch sử. Giữ được chúng để người dân nơi đây chiêm ngưỡng, để phục vụ cho văn hóa Hà Nội thì sẽ tốt hơn rất nhiều so với việc bán ra nước ngoài.
Và rồi ông Địch bắt đầu một hành trình đặc biệt: đi tìm nguồn gốc và xuất xứ của cặp mỏ neo.
Hành trình ấy đưa ông tới một loạt bảo tàng tại thành phố Hà Nội. Ở thời điểm đó, bộ môn khảo cổ dưới nước của Việt Nam gần như vẫn là con số không. Bởi thế, chỗnọ chỉ chỗ kia, ông lần lượt qua cả Viện Sử học, rồi Viện Dân tộc học...
Cuối cùng, cơ duyên khiến ông gặp nhà sử học Dương Trung Quốc và TS khảo cổ Vũ ThếLong. Rồi TS Long kêu gọi bạn bè từ các viện nghiên cứu hàng hải quốc tế giúp đỡ giải đáp về hiện tượng mỏ neo cổ xuất hiện ngay giữa lòng Hà Nội.
Nỗ lực ấy cũng có kết quả vào năm 2008, khi một nhóm nghiên cứu đến từ Nhật Bản, Pháp và Canada đã có mặt tại nhà ông Địch trong 10 ngày liền. Họ nhận định: đây là cặp mỏ neo có giá trị đặc biệt, có thể được làm trong giai đoạn khoảng thế kỷ 15. Chắc chắn, đó sẽ là những hiện vật rất quan trọng đối với ngành khảo cổ học dưới nước của Việt Nam trong tương lai.
Cẩn thận, ông Địch còn tự bỏ tiền túi, nhờ chuyên gia tại Viện Khảo cổ Việt Nam dùng phương pháp định tuổi bằng đồng vị phóng xạ cho 2 chiếc mỏ neo này. Kết quả giám định vào cuối năm 2008của đơn vị này cho thấy: Với xác suất 68,2%, niên đại của đôi mỏ neo vào khoảng năm 1405-1448. Còn với xác suất 94,5% thì niên đại rơi vào quãng năm 1320-1490. Có nghĩa, cặp mỏ neo đã tồn tại từ 500, 600 năm trước.
Món quà cho người dân Hà Nội
Từ thời điểm ấy, không biết bao nhiêu chuyên gia, cũng như giới sưu tập cổ vật, tiếp tục tìm tới nhà ông Địch. Để chiêm ngưỡng cũng có, và tiếp tục gạ mua cũng có. Còn chủ nhân của cặp mỏ neo thì vẫn muốn tìm một bảo tàng đồng ý mua lại, để trưng bày cho người dân Thủ đô. Số tiền thu về, ông dự kiến sẽ mang làm từ thiện.
Tất nhiên, có rất nhiều lý do để ý tưởng của ông Địch chưa trở thành hiện thực - mà lý do chính, là chuyện kinh phí mà các bảo tàng chịu bỏ ra. Để rồi, sau gần 10 năm, cũng tới lúc người đàn ông này đi đến quyết định cuối cùng: tặng cặp mỏ neo cho Bảo tàng Hà Nội, với lời yêu cầu: hiện vật cần được bảo quản tốt và được trưng bày để đông đảo người dân có thể tới xem.
Chấp nhận chia tay cặp mỏ neo đã gắn bó với mình ngót 20 năm, ông Địch động viên vợ mình: "Ngần ấy vàng là một món tiền lớn, nhất là trong bối cảnh của nhà mình. Nhưng cứ để vậy, mỏ neo sẽ hỏng. Mà không hỏng, chỉ cần nó không giữ nguyên được hình dạng ban đầu, thì vợ chồng mình sẽ còn tiếc hơn vì cảm thấy có lỗi với quá khứ, với lịch sử Hà Nội".
"Tôi hỏi và được biết năm 2019, Bảo tàng Hà Nội sẽ có kế hoạch trưng bày mới" - ông Địch nói - "Hy vọng lúc đó, đôi mỏ neo sẽ được trưng bày, để người dân Hà Nội hình dung được ông cha mình khi xưa đã có những chiếc thuyền lớn thế nào, cũng như hình dung về cảnh trên bến dưới thuyền một thời của đất kinh kỳ xưa".
"Tôi sinh ra ở Hàng Bè và lớn lên ở Hà Nội. Năm 1971, tôi vào chiến trường miền Nam. Khi đó, Chủ tịch Trần Duy Hưng có tới và tặng cho mỗi chiến sĩ một chiếc khăn với dòng chữ: Thanh niên Thủ đô lên đường để tổ quốc quyết sinh. Bây giờ, còn sống tới ngày hôm nay, tôi luôn thấy thanh thản với những quyết định của mình" - ông Địch chia sẻ khá chân thành và giản dị trong lễ trao tặng hiện vật vào cuối năm 2017 -"Qua bảo tàng Hà Nội, tôi muốn tặng người dân thành phố món quà này, cho chúng ta và cả con cháu chúng ta..."
Đề cử hạng mục Việc làm - Vì tình yêu Hà Nội
1. Dự án về Phố bích họa Phùng Hưng, do UBND Quận Hoàn Kiếm, quỹ Korea Foundation và chương trình UN - Habitat phối hợp thực hiện.
2. NXB Trẻ lập tủ sách “Hà Nội trong mắt một người” mở đầu bằng 4 tập tản văn của Đỗ Phấn.
3. Việc hiến tặng 2 mỏ neo cổ cho Bảo tàng Hà Nội của ông Quách Văn Địch.
4.Tour tham quan Hà Nội bằng xe buýt 2 tầng của Transerco.
|
Anh Bảo
Đã thành thông lệ, mỗi năm, giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội lần 10 do báo Thể thao & Văn hóa (TTXVN) tổ chức lại diễn ra như một cột mốc để tôn vinh những tấm lòng vì Hà Nội và yêu Hà Nội.