Tóm tắt Giải thưởng

"Giải thưởng được thành lập theo sáng kiến của gia đình Bùi Xuân Phái và báo Thể thao & Văn hóa nhằm tôn vinh sự nghiệp của Bùi Xuân Phái và tiếp nối tình yêu Hà Nội của ông. Giải thưởng được trao hàng năm cho những Tác giả , Tác phẩm , Ý tưởng , Việc làm có hàm lượng nghệ thuật và khoa học cao gắn bó với các mặt đời sống Hà Nội và thấm đượm một tình yêu Hà Nội "

Xem tiếp

'Kim Liên một thuở' của nhà văn Vũ Công Chiến: Viết về cái cũ để lưu giữ cho thế hệ mới

11:25:00 08/08/2019

Chú thích ảnh

  (lienminhbng.org) - Cư dân ở khu tập thể Kim Liên (Hà Nội) không ai là không biết đến Vũ Công Chiến, tác giả Hồi ức lính, vốn là bộ đội Trường Sơn. Tháng 4 năm nay, Vũ Công Chiến gây ấn tượng với bạn đọc khi xuất bản cuốn hồi ức Kim Liên một thuở - viết về chính khu tập thể có tuổi đời nửa thế kỷ, đi vào ký ức của nhiều thế hệ người Hà Nội, trong đó có chính gia đình ông.

Công bố Đề cử Giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội lần 12-2019: Những tình yêu vừa hoài cổ, vừa hiện đại

Công bố Đề cử Giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội lần 12-2019: Những tình yêu vừa hoài cổ, vừa hiện đại

Giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội lần thứ 12 năm 2019 do báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) tổ chức vừa thông qua danh sách 10 đề cử chính thức trên 4 hạng mục của giải gồm: Giải thưởng Lớn, Tác phẩm, Ý tưởng và Việc làm.

Ông nổi tiếng sau khi cuốn Hồi ức lính được xuất bản năm 2016 và được trao giải "Tiểu thuyết đầu tay xuất sắc" của Hội Nhà văn Hà Nội một năm sau đó. Đây được xem là "một phát hiện thú vị và như một làn gió mới cho đời sống văn học", bởi Vũ Công Chiến không phải là một nhà văn chuyên nghiệp, chỉ mới "tập viết văn" từ khoảng năm 2008 đến giờ.

Từ "Hồi ức lính"...

Con đường đến với văn chương của Vũ Công Chiến, theo như ông kể thì như một nhân duyên. Thời học phổ thông, ông rất thích đọc truyện, được bố mẹ mua cho nhiều sách và học văn cũng khá. Đặc biệt, ông thuộc rất nhiều tiểu thuyết, có thể kể lại khá đầy đủ.

Khoảng năm 2008, trên mạng có trang blog cho phép các thành viên tham gia viết bài. Vũ Công Chiến cũng tham gia. Kể vài chuyện, thấy mọi người phản hồi là hay và thích nên ông rất phấn khởi. Cùng với đó, Chi đoàn thanh niên ở cơ quan ông lập một trang mạng nội bộ, có mục Văn hóa văn nghệ để mọi người đăng bài. Ông cũng tham gia viết và được mọi người trong cơ quan rất thích thú.

Chú thích ảnh
Nhà văn Vũ Công Chiến ở Khu tập thể Kim Liên

Vũ Công Chiến đi lính hơn sáu năm. Những mẩu chuyện đầu tiên viết về những kỷ niệm đời lính của chính ông được mọi người chào đón nồng nhiệt. Để rồi, đầu tháng 11/2013, Vũ Công Chiến chính thức bắt tay vào viết Hồi ức lính, thường tranh thủ vào lúc đêm muộn, khi vợ con đã tắt đèn đi ngủ.

Vừa viết vừa đăng trên facebook cá nhân, theo lịch là 3 ngày 1 post, dài khoảng 3-4 trang A4 đánh máy vi tính. "Có những người xin kết bạn facebook với tôi chỉ với lý do để đọc Hồi ức lính. Một lần trễ hẹn đưa lên, một số bạn trẻ còn gọi điện trực tiếp cho tôi hỏi lý do sao chưa thấy phần mới?” - nhà văn kể - "Càng ngày tôi càng hiểu ra là văn mình cũng được bạn đọc chấp nhận, điều đó động viên tôi viết đến dòng cuối cùng, dù lúc viết chưa biết có in được sách hay không".

Cuốn sách Hồi ức lính ra đời, vợ con và người thân của ông đều rất phấn khởi, khiến ông thấy có chút hãnh diện, tự hào vì đã làm một việc có ích, được bạn đọc thừa nhận, có thêm nhiều bạn mới để giao lưu và chia sẻ hơn. Bây giờ nhiều lúc thay vì hỏi thăm sức khỏe, con cái ông thường hỏi "bố đang viết gì thế?" làm ông thấy có một cái gì đó rất hay, rất ấm lòng.

Nhà văn Bảo Ninh cho rằng ai muốn viết sách, làm phim về chiến tranh thì phải đọc Hồi ức lính, để hiểu từ cách ăn, cách mặc, cách nói chuyện, cầm súng cho đến tinh thần của lính. Tác phẩm được đánh giá như kho tư liệu đầy giá trị cho lịch sử, văn học, điện ảnh... với tính chân thật, giản dị, không bôi đen cũng chẳng tô hồng.

...đến văn hóa tập thể Kim Liên

Nếu như Hồi ức lính là những câu chuyện kể lại cuộc đời lính theo thời gian tuyến tính ở những chiến trường xa xôi, thì Kim Liên một thuở là ký ức về Khu tập thể Kim Liên - một trong những khu tập thể đầu tiên Hà Nội. Gắn với ký ức ấy là nỗi niềm của bao con người đã từng gắn bó với nhà tập thể như chính tác giả.

Vẫn chỉ là cách kể chuyện thôi, nhưng Vũ Công Chiến muốn kể về một khu tập thể điển hình đầu tiên của Thủ đô qua hơn nửa thế kỷ. Trong đó có nhiều đổi thay về cảnh quan, về nhiều lớp người, nhưng vượt lên tất cả, cuốn sách vẫn cho thấy rằng, dù cuộc sống có trải qua nhiều thăng trầm, thì điều quý nhất có được vẫn là tình người, là nét văn hóa mang tên "Tập thể Kim Liên".

Chú thích ảnh
Bìa cuốn "Kim Liên một thuở"

“Nó được xây dựng, giữ gìn và tồn tại từ lớp cha mẹ chúng tôi - những người tham gia kháng chiến chống Pháp - đến chúng tôi và con cháu chúng tôi. Cuộc sống bình an, mọi người sống nhân ái, giúp đỡ lẫn nhau và cùng tạo nếp sống tốt đẹp là mong muốn của cư dân khu Kim Liên, từ thế hệ đầu tiên về đây ở vào đầu năm 1962” - ông nói - “Xây dựng được một nét sống tốt, chứa đựng tình người và ý thức chung về môi trường, điều kiện sống tốt cho tất cả, đó chính là nét đẹp có từ xưa của người Thăng Long - Hà Nội”.

Hà Nội bây giờ đã có nhiều đổi thay so với mấy chục năm về trước và vẫn đang tiếp tục đổi thay. Các khu dân cư mới mà chủ yếu là chung cư cao tầng mọc lên khắp nơi. Dẫu vậy, trong con mắt của Vũ Công Chiến, Khu tập thể Kim Liên vẫn giữ được nét của một "khu tập thể" và ông thích gọi thế hơn.

Như ông nói, người dân sống trong khu tập thể luôn có mối quan hệ gần gũi có tính "hàng xóm láng giềng" hơn ở các khu chung cư cao tầng. Hàng ngày họ ra vào nhìn thấy nhau, cùng một cầu thang, nhà nọ vẫn biết rõ nhà kia ở số mấy, nhà có đông hay ít người, có mấy đứa trẻ… Họ vẫn giúp được nhau khi lên cầu thang, lúc tối lửa tắt đèn. Người già vẫn nhắc nhở được người trẻ, người lớn vẫn bảo ban được trẻ con

"Vì văn hóa Kim Liên có nhiều nét đẹp, nên cả người cũ, người mới đều muốn giữ gìn cho mình và thế hệ sau, nên nói chung cư dân đều có ý thức giữ gìn và vun đắp" - nhà văn Vũ Công Chiến chia sẻ.

...và văn hóa chung cư thời 4.0 ở Hà Nội

Khi Hà Nội chính thức ban hành Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố, nhà văn Vũ Công Chiến cho hay, ngay lập tức điều này đã được phổ biến và tiến hành tọa đàm trong cư dân Kim Liên. Tại các nơi như công sở, trường học hay sân chơi trong khu tập thể cũng đã có dựng những bảng in vắn tắt các ý chính của nội quy đó.

Theo nhà văn Vũ Công Chiến, đây là việc làm cần thiết để định hướng và nhắc nhở cho người dân Thủ đô thực hiện nét đẹp cần có trong cuộc sống. "Điều này từ xa xưa thế hệ các cụ cũng đã nhắc nhở để giáo dục con cái. Làm tốt quy tắc ứng xử sẽ làm cho cuộc sống và xã hội tốt lên, dần nâng cao văn hóa của người Việt Nam nói chung và cư dân Thủ đô nói riêng" - ông nhận xét.

Ông cũng cho rằng, khi nói đến quy tắc ứng xử nơi công cộng và nét đẹp văn hóa thì ai cũng tán thành, cũng thấy nó là tốt. Nhưng đây là cả một quá trình tốn nhiều thời gian, vì nó thuộc về thói quen, về ý thức, về văn hóa nên không thể một sớm một chiều. Ông nói: "Trong con mắt của tôi, khi bảng quy tắc ứng xử đập vào mắt mọi người hàng ngày và người ta có nhắc nhở nhau nhẹ nhàng lúc này lúc khác, chỗ này chỗ khác thì vẫn có tác dụng nhất định, nhất là ở những nơi ít nhiều đã có nề nếp".

Dẫu vậy, từ nhìn nhận thực tế, nhà văn Vũ Công Chiến cho rằng, văn hóa ứng xử trong các chung cư tại Hà Nội hiện còn nhiều bất cập, chưa hình thành được nét văn hóa riêng. Quá trình định hình một lối sống theo hướng văn minh, hiện đại còn là khoảng thời gian dài.

Thậm chí ông cho rằng, các khu chung cư cao tầng hiện đại bây giờ rất nhiều, không thể tạo nét văn hóa riêng của từng khu chung cư, mà phải là một nét văn hóa chung của loại hình khu chung cư. Các khu chung cư cao tầng hiện đại hiện nay có một nét chung: Ở đó tập trung những gia đình có điều kiện kinh tế ở mức khá giả. Trong khu chung cư không có hộ gia đình nghèo.

"Vì thế văn hóa chung cư sẽ chính là các nội quy, quy định của các khu chung cư. Các gia đình vào sống ở đó phải thực hiện quy định ra sao vào phải chịu chế tài xử phạt nào” - ông khẳng định - “Từ việc chấp hành được tốt các nội quy đó sẽ tạo nên một thói quen ứng xử, từ đó mà xây nên nếp văn hóa. Tất nhiên cũng phải là một quá trình lâu dài".

Nếu viết tiếp sẽ chọn kỹ ức cũ về Hà Nội

“Nếu viết tiếp về Hà Nội, tôi sẽ thiên về ký ức cũ. Cái mới và hiện tại ngày nay rất đa dạng, phong phú nên dành cho lớp trẻ. Còn cái cũ, nhất là những cái đẹp khi khơi lại, người ta dễ chấp nhận hơn vì mỗi người đều thấy có mình trong đó. Mặt khác viết về những cái đã qua chính là cách giữ lại thông tin cho thế hệ sau" – nhà văn cho biết.

Viết văn làm cho mình hướng đến cái tốt nhiều hơn

“Nếu còn trẻ và bước chân vào nghề văn, chắc tôi phải cân nhắc nhiều. Song khi viết văn vào tuổi đã nghỉ hưu thì viết không còn là sự cân nhắc có nên hay không nên nữa. Lúc này viết là niềm vui, là sự đóng góp chút ít cho xã hội, niềm vui cho gia đình và người thân. Nó cũng làm cho mình có điều kiện giao lưu rộng rãi hơn. Hình như viết văn cũng làm cho con người ta suy nghĩ và hướng đến cái hay cái tốt nhiều hơn”.

Các đề cử hạng mục Giải Tác phẩm – Vì tình yêu Hà Nội 2019

1. Sách Hà Nội một thời hát của Nguyễn Trương Quý – góc tiếp cận độc đáo về đời sống Hà Nội qua âm nhạc của Đoàn Chuẩn.

2. Sách Kim Liên một thuở của Vũ Công Chiến – ký ức dung dị về đời sống Hà Nội trong quá khứ ở các khu tập thể cũ.

3. Sách Hà Nội quán xá phố phường của Uông Triều – bức tranh Hà Nội trong ẩm thực.

Phạm Huy

Tin mới

Tin đã đăng

Ý kiến bạn đọc

Gửi bình luận của bạn

gửi ý kiến(Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)

  • (*)
  • (*)
  • (*)