(lienminhbng.org) - Lễ tổng kết, trao Giải thưởng “Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội” lần thứ 12 năm 2019 đã diễn ra chiều 27/8 tại Trung tâm Thông tấn quốc gia, Hà Nội.
Giải thưởng do báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) và gia đình cố họa sĩ Bùi Xuân Phái phát động từ năm 2008, nhằm động viên, hỗ trợ những sáng tác Văn học nghệ thuật, những công trình nghiên cứu tôn vinh Hà Nội, đồng thời khích lệ cho những hành động bảo vệ vẻ đẹp của Hà Nội ngàn năm văn hiến.
Mùa giải năm nay, ở hạng mục Giải thưởng lớn đã vinh danh PGS.TS.NGƯT Nguyễn Thừa Hỷ vì những cống hiến cho Hà Nội trong suốt cả cuộc đời và sự nghiệp của mình với những công trình nghiên cứu, dịch thuật mẫu mực về Thăng Long - Hà Nội, đánh dấu bước tiến lớn của ngành Hà Nội học.
Trao đổi với Thể thao & Văn hóa bên lề Lễ trao giải, PGS.TS.NGƯT Nguyễn Thừa Hỷ cho biết:
"Tôi rất vinh dự, cảm kích khi nhận được giải thưởng này. Tôi nghĩ mình phải làm như thông điệp cố họa sĩ Bùi Xuân Phái để lại là: Vì một tình yêu đối với Hà Nội, một tình yêu thủy chung, không lay chuyển, là tình yêu dâng hiến với một niềm tin, niềm hy vọng lớn lao.
Tôi nghĩ, không chỉ tôi mà các thế hệ trẻ cũng dành cho Hà Nội một tình yêu đặc biệt nhưng yêu thì phải làm gì cho Hà Nội đẹp hơn, đàng hoàng hơn không chỉ bởi những tòa nhà cao tầng mà còn ở tâm hồn, nhân cách. Tức là có sự cân bằng hài hòa giữa sự phát triển về kinh tế kỹ thuật và cái chiều kích về văn hóa, nhân văn.
Tôi tin là Hà Nội làm được dù rất khó, nhưng "thà thắp một ngọn nến nhỏ còn hơn là ngồi nguyền rủa bóng tối".
"Về văn hóa Hà Nội, làm thế nào để phát huy được truyền thống của Thủ đô, của đất nước, vừa đứng vững trên truyền thống, vừa vươn tới tầm cao của thời đại. Nói như một triết gia nổi tiếng, 'phải mở cửa để gió vào cho thông thoáng nhưng chúng ta vẫn phải đứng vững ở ngôi nhà đó chứ không bị bay đi'.
Điều đó khó, ai cũng đồng ý phải giữ gìn truyền thống và phải tăng cường hội nhập, đổi mới, nhưng cái nào cần thiết. Phải theo ý dân và xu thế thời đại, tôi vẫn trăn trở đấy. Hà Nội hiện tại phải thay đổi về kỹ thuật nhưng cái cần thiết hơn là sự tái cấu trúc văn hóa, sự đổi mới về tâm hồn.
Một thành phố vì hòa bình không chỉ chung sống hòa bình với các nước mà còn phải chung tay đẩy lùi những thói hư, tật xấu để cho tâm hồn được hòa bình, không phải lúc nào cũng bối rối, stress vì những điều xung quanh. Đó là ước mơ của tôi, ước mơ về một thành phố văn minh, nhân văn, phát triển, chung sống với thời đại, thế giới.
Cụ Bùi Xuân Phái cũng cho chúng ta thấy tình yêu dâng hiến, nghĩa là không chỉ yêu và ca tụng, mà phải thật lòng quan tâm, phải mong muốn làm thế nào để thành phố ngày càng tốt đẹp hơn, dâng hiến là phải có sự đóng góp tùy sức lực, tùy điều kiện. Cần nhất là mình có thực lòng không, đừng lừa mình, dối người.
Bên cạnh những chia sẻ, trăn trở của một người đã dành gần cả cuộc đời "vì tình yêu Hà Nội", PGS.TS.NGƯT Nguyễn Thừa Hỷ còn cho biết thêm, dù sức khỏe không tốt như trước nhưng vẫn sẽ tiếp tục "yêu Hà Nội" bằng đặc thù nghề nghiệp của mình.
"Tôi có 2 bản thảo, một là Tư liệu phương Tây về Hà Nội và Văn hóa Hà Nội thời Mạc - Lê Trung Hưng. Khoảng 1 tháng nữa, hoặc nếu chậm thì tháng 11 sẽ ra mắt bạn đọc.
Tiểu Phong (ghi)