(lienminhbng.org) - Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội lần thứ 12 không chỉ được trao cho các cá nhân, hay tập thể, mà còn vinh danh những đóng góp của cộng đồng. Ðó là hàng nghìn người tham gia nhóm Ký họa đô thị Hà Nội hay những đề xuất của cơ quan chức năng và cộng đồng với việc làm sạch nước sông Tô Lịch…
Phía sau những con người, tác phẩm, việc làm, ý tưởng, là ăm ắp những niềm yêu Hà Nội đã và đang được lan tỏa. Nó như một mạch ngầm bền bỉ qua tháng năm, qua bao thế hệ để tiếp tục đắp bồi thêm những giá trị văn hóa, nhân văn cho Thủ đô ngàn năm văn hiến.
Việc tôn vinh này cho thấy, ngày càng có nhiều người quan tâm và có những hành động “Vì tình yêu Hà Nội” hơn; để ta có thêm niềm tin vào tương lai của Hà Nội.
Nếu một ngày đẹp trời, bạn bắt gặp một nhóm người, có trẻ, có già đang hí hoáy vẽ những ngôi nhà, những góc phố, những hàng cây, hay một chung cư cũ…, thì rất có thể đó là nhóm Ký họa đô thị Hà Nội đang tác nghiệp. Kiến trúc sư (KTS) Trần Thị Thanh Thủy cùng một số người bạn đã lập ra nhóm Ký họa đô thị Hà Nội. Mục đích của nhóm là lưu lại những khoảnh khắc về Hà Nội.
Khi máy ảnh, điện thoại thông minh ngày càng phổ cập, người ta dễ dàng ghi lại những khoảnh khắc về Hà Nội dễ dàng hơn bao giờ hết, thế nhưng KTS Trần Thị Thanh Thủy lại chọn con đường khó khăn hơn - ký họa. Thật không ngờ, nhóm lại thu hút nhiều người đến thế. Không ít người chưa từng biết đến hội họa, nhưng đã mày mò tập vẽ, để có thể ký họa. Nhiều cô bé, cậu bé chưa đến mười tuổi cũng tham gia.
Hóa ra, có nhiều người yêu Hà Nội hơn những gì ta nghĩ. Ký họa, không giống như nhiếp ảnh, cho người ta những phút lắng đọng về thành phố, cho người ta những cảm nhận riêng, để lại dấu ấn riêng qua những bức vẽ.
Tiếp sau cuốn “Tập thể cũ Hà Nội - Ký họa và hồi ức” ra mắt cuối năm 2018, nhóm Ký họa đô thị Hà Nội đang chuẩn bị cho ra mắt cuốn sách “Phố cổ Hà Nội - Ký họa và hồi ức”. Không chỉ là những bức vẽ, cuốn sách gồm những câu chuyện cuộc đời, những kỷ niệm của chính những con người gắn bó với thăng trầm của phố cổ theo năm tháng.
Trong lúc đang chuẩn bị cho sự kiện ra mắt cuốn sách, nhóm Ký họa đô thị Hà Nội đã được báo Thể thao và Văn hóa trao giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội, ở hạng mục Việc làm. Quả thực, chỉ trong một thời gian ngắn, sáng kiến của nhóm đã đánh thức những tình yêu của rất nhiều người gắn bó với Hà Nội.
Ba năm sau ngày thành lập, bản thân KTS Trần Thị Thanh Thủy không ngờ rằng, Ký họa đô thị Hà Nội đã thu hút được hơn 4.000 thành viên. Ngoài nhóm do chị trực tiếp tổ chức đi vẽ vào dịp cuối tuần, các thành viên khác còn lan tỏa đi khắp hang cùng ngõ hẻm của Hà Nội, để khám phá, để ghi lại hình ảnh về Hà Nội.
“Mùa giải” Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội vừa mới kết thúc. Giải thưởng lớn được trao cho Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thừa Hỷ không khiến mọi người bất ngờ. Tuy vậy, những hạng mục khác, nhiều chuyên gia đánh giá, đây là một mùa giải “lạ”, khi những ứng viên, những giải thưởng có thể là nhà nghiên cứu, kiến trúc sư, nhà văn và cũng có thể là một ai đó mà dư luận chưa được biết mặt, biết tên.
Thể hiện rõ nét nhất việc tôn vinh cộng đồng là hạng mục giải Ý tưởng được trao cho các đề xuất, dự án thể hiện quyết tâm làm “hồi sinh” sông Tô Lịch của các cơ quan, đơn vị hữu quan và cả cộng đồng người dân Hà Nội. Việc hồi sinh dòng sông Tô Lịch luôn là nỗi trăn trở của chính quyền, nhân dân Thủ đô.
Tháng 5 vừa qua, thành phố thí điểm làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano - Bioreactor trên một đoạn sông dài 300 m, do các chuyên gia Nhật Bản phối hợp Công ty cổ phần Cải thiện môi trường Nhật - Việt thực hiện đã thổi bùng sự quan tâm của dư luận. Một đề xuất khác cũng rất được quan tâm là bổ cập nước sông Tô Lịch bằng nước hồ Tây.
Khi những ý tưởng, những thử nghiệm được công bố, đã xuất hiện hàng loạt bài viết, ý kiến của các chuyên gia cũng như những người có trách nhiệm. Nhà sử học Dương Trung Quốc nhận định: “Những gì diễn ra cho thấy ý tưởng hồi sinh sông Tô Lịch không chỉ là mong muốn của các cơ quan chức năng.
Ðó còn là tâm nguyện của các doanh nghiệp, của bạn bè quốc tế, của cộng đồng người dân Hà Nội, khi bất cứ ai cũng hy vọng một ngày nhìn thấy dòng sông này được làm sạch và in bóng Hà Nội của chúng ta”.
Cũng giống như ý tưởng hồi sinh sông Tô Lịch, câu chuyện đề nghị lấy lại tên “Bưu điện Hà Nội” cho tòa nhà không chỉ là nỗ lực của chính quyền UBND thành phố Hà Nội, mà cũng là sự lên tiếng của cả cộng đồng.
Tuy chỉ lọt vào danh sách ứng viên, không được trao giải, nhưng sự lên tiếng này đã đem lại kết quả. Sau khi nhận được đề nghị của UBND thành phố Hà Nội, Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) đã xây dựng đề án tổng thể để bảo vệ và tôn vinh các giá trị lịch sử của tòa nhà Bưu điện Hà Nội.
Theo đó, ngoài việc sửa chữa, trùng tu tháp đồng hồ bốn mặt trên nóc tòa nhà, việc thay thế, trả lại tên “Bưu điện Hà Nội” cũng là một phần của hạng mục sẽ chỉnh trang.
Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội đã trải qua năm thứ 12 tôn vinh những tập thể, cá nhân, những tổ chức có những cống hiến, đóng góp cho Hà Nội. Những con người ở những lĩnh vực khác nhau, từ nghệ thuật đến môi trường, từ kiến trúc, đến nghiên cứu văn hóa - lịch sử…
Việc Ban Tổ chức Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội có những giải thưởng vinh danh cả cộng đồng cho thấy, ngày càng có nhiều người quan tâm hơn đến sự phát triển của thành phố, có những hành động “vì tình yêu Hà Nội”.
Tình yêu ấy luôn sẵn có, chỉ cần người nhen lửa. Và khi cộng đồng quan tâm, chung một tình yêu, thì càng có thêm niềm tin về Hà Nội xanh, sạch, đẹp, với hệ thống di sản văn hóa được gìn giữ trong tương lai.
Dã Liên