(lienminhbng.org) - Khuất dưới lớp vỏ trầm lắng của một năm mà có những thời điểm nhiều hoạt động văn hóa, xã hội hầu như bị “đóng băng” vì đại dịch Covid-19, nhưng những tác phẩm - ý tưởng - việc làm dành cho Hà Nội vẫn là một dòng chảy ngầm đặc biệt.
Giải thưởng do báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) và gia đình cố họa sĩ Bùi Xuân Phái phát động từ năm 2008, nhằm động viên, hỗ trợ những sáng tác Văn học nghệ thuật, những công trình nghiên cứu tôn vinh Hà Nội, đồng thời khích lệ cho những hành động bảo vệ vẻ đẹp của Hà Nội ngàn năm văn hiến.
Để rồi, ở lễ trao giải thưởng mang tên danh họa Bùi Xuân Phái, đến lượt dòng chảy ấy lại hòa nhịp cùng những dòng chảy hướng về Hà Nội, như đã có trong suốt 13 năm qua.
Những “tình yêu” không vụ lợi
Chiều 28/10, như thông lệ, khán phòng tại Trung tâm Thông tấn Quốc gia (số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội) vẫn là nơi hội tụ và vinh danh những tấm lòng "vì tình yêu Hà Nội" trong lễ trao giải của báo Thể thao và Văn hóa.
Như lời Tổng biên tập Lê Xuân Thành, Trưởng Ban tổ chức giải, trong những diễn biến phức tạp và bất ngờ của đại dịch Covid-19, đã có lúc những người trong cuộc tưởng rằng sẽ phải hủy bỏ mùa giải của năm 2021. Để rồi, quyết tâm đưa giải thưởng về đích - thậm chí là nới rộng quy mô để chuẩn bị cho một mùa giải năm sau đàng hoàng, trang trọng hơn - được đặt ra, khi quá trình thu thập thông tin về các đề cử cho thấy: Phiền muộn về dịch bệnh không thể ngăn cản được nỗ lực của rất, rất nhiều những người đã và đang đóng góp cho Thủ đô hoặc bằng sự thầm lặng, bền bỉ sáng tạo trong thư phòng, hoặc bằng sự can trường trên tuyến đầu chống dịch.
Và, sau lễ phát động cuộc thi ảnh, video clip chủ đề “Hà Nội mát xanh", đến lượt chủ nhân của 5 giải thưởng năm 2021 lần lượt có dịp chia sẻ những câu chuyện và suy nghĩ của mình quanh 2 chữ “Hà Nội” tưởng như rất bình thường.
Từ Đức, qua lá thư gửi tới lễ trao giải, nhà nhiếp ảnh Thomas Billhardt nhớ lại lần tới Hà Nội vào năm 1967, cũng như ý tưởng “sử dụng máy ảnh như một vũ khí hòa bình chống lại chiến tranh” cho Thủ đô Hà Nội.
Còn Phó Chủ tịch thường trực UBND Hà Nội Lê Hồng Sơn khi lên nhận giải cho đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng đã nhắc tới việc nhiều thế hệ lãnh đạo và người dân Hà Nội cùng mong mỏi và liên tục đóng góp ý tưởng để một ngày giấc mơ “hướng ra sông Hồng” trở thành hiện thực. Như lời ông, giải thưởng mang tên danh họa Bùi Xuân Phái chính là một lời động viên đặc biệt được gửi tới ý tưởng sắp thành hiện thực này.
“Mấy chữ “Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội” là đủ nói lên tất cả về ý nghĩa của những cống hiến dành cho vùng đất kinh kỳ hôm nay cũng như muôn đời sau. Bởi thế, chúng tôi vô cùng xúc động khi Ban tổ chức ghi nhận qua giải thưởng này, bởi đằng sau nó cũng là sự ghi nhận của cộng đồng và người dân Hà Nội” - ông Sơn phát biểu.
Riêng với ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch Công ty Cổ phần Tập đoàn môi trường Nhật Việt JVE (JVE Group) - đơn vị nhận giải thưởng từ ý tưởng gắn với sông Tô Lịch - 15 năm du học và sống xa Thủ đô trước đây là quãng thời gian “lòng vẫn hướng về Hà Nội” như câu hát mà ông chia sẻ khi nhận giải. Bởi thế, như lời kể, trong suốt chuỗi thời gian giãn cách vì dịch Covid-19 vừa qua, ông và các cộng sự vẫn liên tục thực hiện các buổi hội thảo, tọa đàm với đối tác Nhật Bản qua mạng internet để có thể hoàn thiện thêm bản đồ án quy mô lớn của mình, cũng như đến gần với những giải pháp để có thể biến mọi thứ thành hiện thực.
“Tôi vẫn luôn mong, có một ngày, du khách tới đây sẽ nói rằng họ yêu Hà Nội vì sông Tô Lịch - một không gian văn hóa lịch sử gắn với bề dày và bản sắc của thành phố” - ông Tuấn Anh nói - “Dòng sông ấy đã có cả ngàn năm lịch sử, và mỗi người dân thành phố, trong đó có tôi, đều nhìn thấy ở đó phần trách nhiệm của mình”.
Xúc động và hân hoan
Ở hạng mục Giải thưởng Lớn - nội dung được chú ý nhất lễ trao giải - cái tên nhạc sĩ Hồng Đăng được xướng trong những giai điệu của ca khúc Hoa sữa. Và, khi nhạc sĩ không thể có mặt tại đây vì sức khỏe, phu nhân của ông đã khiến khán phòng lặng đi vì xúc động bởi lời chia sẻ và những giọt nước mắt của mình.
“Ông không sinh ra ở Hà Nội. Và khi ông tới Hà Nội lần đầu, tôi vẫn được nghe kể lại về sự ngơ ngác đến say mê của một chàng trai tuổi 18 trước những cảnh vật, đời sống và con người nơi đây. Hồng Đăng yêu Hà Nội, cả một đời gắn bó và sáng tác về Hà Nội ngay từ đó” - bà nghẹn ngào - “Rất đáng tiếc, ông không thể có mặt ở đây để hưởng trọn vẹn niềm vui với vinh dự này”.
“Tôi đặc biệt cảm động khi nghe những chia sẻ từ gia đình nhạc sĩ. Chúng khiến tôi nhớ lại quãng thời gian đằng đẵng xa Hà Nội, với Hoa sữa là một trong những ca khúc thường xuyên được bật lên khi nghĩ tới thành phố mình hướng về” - ông Tuấn Anh, chủ tịch JVE Group, chia sẻ với người viết - “Và như thế, buổi trao giải hôm nay, tôi có 2 lần xúc động: Trước đó là khi nghe những lời tâm sự từ đáy lòng và tình cảm mà tác giác Thomas Billhardt từ Đức gửi tới Việt Nam”.
“Nói ngắn gọn, thì nhạc sĩ Hồng Đăng hoàn toàn xứng đáng được tôn vinh với Giải thưởng Lớn. Và rộng hơn, những giải thưởng năm nay cũng khá ấn tượng và có giá trị” - PGS-TS Trần Trọng Dương, một trong người thực hiện dự án Tái lập kiến trúc chùa Diên Hựu - Một Cột bằng công nghệ thực tế ảo nói thêm - “Chẳng hạn, bản đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng gắn với mong mỏi thiết thực của cộng đồng về một thành phố lấy con sông chảy qua nó làm trục động lực để phát triển đô thị và cảnh quan, giống như xu hướng của các thành phố hiện đại trên thế giới. Còn những bức ảnh chụp của Thomas Billhardt lại khiến chúng ta xúc động về một Hà Nội xưa cũ với sức sống riêng trong chiến tranh từ những đôi mắt trong veo của trẻ em trên phố phường...”.
Dự án của nhóm SEN Heritage do Trần Trọng Dương sáng lập và làm trưởng nhóm có tên trong đề cử hạng mục Ý tưởng - Vì tình yêu Hà Nội. Khá thẳng thắn, anh chia sẻ thêm: “Dù chưa được giải, nhưng chúng tôi vẫn thấy vui vì kết quả này.
Là một nhóm nghiên cứu kết nối với nhau bởi đam mê, không lợi nhuận và không thuộc một cơ quan chính thức nào, những khích lệ từ giải thưởng Bùi Xuân Phái là vô cùng đáng trân trọng. Và trong niềm vui ấy cũng có một chút vui riêng, khi công trình nghiên cứu về chùa Một Cột - một kiến trúc mỹ thuật cổ của Việt Nam - lại được ghi nhận bởi giải thưởng mang tên danh họa lớn nhất của Hà Nội”.
Giải thưởng cho nhạc sĩ Hồng Đăng là niềm tự hào lớn
“Được tin Giải thưởng Bùi Xuân Phái 2021 có tiến cử nhạc sĩ Hồng Đăng vào Giải thưởng Lớn, với riêng cá nhân tôi cũng như giới nhạc sĩ Việt Nam vô cùng phấn khởi và thấy rằng đây là niềm tự hào rất lớn.
Tôi nghĩ, tên tuổi của nhạc sĩ Hồng Đăng với những tác phẩm Kỷ niệm thành phố tuổi thơ, Hoa sữa, Biển hát chiều nay… đã đi vào lòng công chúng yêu nhạc từ 30-40 năm về trước rồi. Nên trao Giải thưởng Lớn - Vì tình yêu Hà Nội cho nhạc sĩ Hồng Đăng, một trong những cây đại thụ của thế hệ nhạc sĩ đầu tiên của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam, tôi nghĩ là xứng đáng.
Đó không chỉ là phần thưởng riêng cho cá nhân nhạc sĩ Hồng Đăng, đặc biệt là cho mảng sáng tác về Hà Nội của ông, mà đó còn là sự ghi nhận những đóng góp của giới nhạc sĩ Việt Nam đối với Thủ đô yêu quý của chúng ta. Trong những ngày tháng này, có gương mặt của một nhạc sĩ đoạt giải đã chứng tỏ rằng, tiếng nói của âm nhạc vẫn đang góp phần vào việc xây dựng đời sống, làm phong phú thêm đời sống văn hóa của Hà Nội.
Nhưng kể ra cũng có hơi muộn. Ông xứng đáng được đề cử từ sớm hơn nữa. Vì sao tôi nói thế? Bởi hiện nay nhạc sĩ Hồng Đăng tuổi đã cao, sức khỏe cũng không cho phép ông có thể hoạt động, tham gia những sự kiện như trước đây. Ông từng có nhiều hoài bão, kế hoạch... Tôi hơi tiếc vì thế”. (Phát biểu của Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân (Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Việt Nam)
|
Cúc Đường