Chiến tích của tuyển Đức: Sự ghi điểm của tinh thần dân tộc

15/07/2014 11:12 GMT+7 | Hậu trường World Cup

(lienminhbng.org)- Trong cái bóng của cổng Brandenburg, tại một thành phố đã từng nhận lấy những vết sẹo chiến tranh, bị chia cắt rồi tái sinh, khoảnh khắc cuối của World Cup 2014 đã mang tới các âm thanh hiếm khi xuất hiện tại nơi đây: Những tiếng thét chứa đầy niềm tự hào quốc gia.

Khi tiếng còi mãn cuộc trận chung kết World Cup vang lên, với Đức là đội chiến thắng trước đối thủ Argentina, pháo hoa đã thi nhau bay lên trời ở thành phố Berlin.

Khoảnh khắc lịch sử

Dưới mặt đất, những người Đức theo chủ nghĩa khắc kỷ bỗng trở nên cuồng loạn. Họ nhấn còi xe hơi, ôm nhau, cụng bia và khóc trong vui sướng vì chiến thắng chung.

Tại Rio de Janeiro, Thủ tướng Đức Angela Merkel ngây ngất men chiến thắng đã vào tận phòng thay đồ của các cầu thủ và ôm hôn từng người một. Còn lại khu vực dành cho fan bóng đá ở trung tâm Berlin, nơi có hàng chục ngàn người tụ tập bất chấp mưa lạnh, các fan như Alexander Nolte vẫn chưa thể chạm chân xuống đất.

“Tôi cảm thấy tuyệt vời, không thể tin nổi, như đi trên mây vậy. Tôi hy vọng sáng hôm sau thức dậy, đây không phải một giấc mơ" - chàng trai 24 tuổi nói - "Chiến thắng này là sự thể hiện thanh thế của Đức và nó sẽ ảnh hưởng tới nhiều lĩnh vực khác ngoài thể thao như chính trị, kinh tế".

Chiến thắng hôm Chủ Nhật đã mang về cho đội tuyển Đức chiếc Cúp vàng đầu tiên kể từ khi hai nửa Đông Đức và Tây Đức sát nhập với nhau. Sự kiện chắc chắn sẽ được tưởng nhớ như khoảnh khắc cột mốc, tại một đất nước vẫn đang ở ngã ba đường lịch sử thời hậu Thế chiến thứ 2.

Tự hào dân tộc dần trỗi dậy

Trong 5 năm gần đây, Đức đã trỗi dậy với vai trò một lãnh đạo của châu Âu, một sức mạnh kinh tế và hình mẫu giúp người ta tin vào lời hứa của hoạt động toàn cầu hóa.


Chiến tích của tuyển Đức là niềm tự hào quốc gia

Sự trỗi dậy đó lẽ ra có thể khiến người Đức tự hào. Thế nhưng tự hào quốc gia và chủ nghĩa dân tộc thực tế vẫn là các chủ đề cấm kỵ ở Đức, bởi nó gợi nhớ tới quá khứ phát xít. Cho tới tận những năm 1990, các cột cờ ở nhiều ngôi trường Đức vẫn không treo quốc kỳ và trẻ em không được dạy hát quốc ca.

Trong bầu không khí đó, chính World Cup đã khuấy động niềm kiêu hãnh quốc gia Đức. Ví dụ khi đội Tây Đức đánh bại Hungary trong chiến thắng gây sốc trong trận chung kết hồi năm 1954, nhiều fan đã hát vang quốc ca Đức trên khán đài. Năm 2006, khi Đức đăng cai World Cup, các lá cờ với màu đen, đỏ, vàng cũng nhanh chóng phủ đầy các cửa sổ, gắn trên ăng ten xe hơi.

Thời hiện đại, nước Đức mở cửa đón nhận người nhập cư, dẫn tới những thay đổi trong cả kinh tế lẫn bóng đá. Thành phần đội tuyển không chỉ còn các cầu thủ mang cái tên đặc chất Đức như Muller nữa. Năm 2008, các cầu thủ người Đức gốc Thổ Nhĩ Kỳ như Mesut Oezil và Ilkay Gundogan đã gia nhập đội tuyển cùng cầu thủ người Đức gốc Tunisia, Sami Khedira, qua đó định hình nên bản sắc mới cho bóng đá Đức.

Những thay đổi đó cũng kéo theo thay đổi trong quan điểm về tự hào dân tộc ở Đức. Ngày hôm nay, người Đức gốc Thổ Nhĩ Kỳ là nhóm fan công khai nhất trong việc vẫy cờ thể hiện niềm tự hào dân tộc ở Đức.

Nhưng vẫn chưa thoát bóng ma quá khứ

Nhưng ngay cả khi thế hệ trẻ của Đức cảm thấy không còn bị ràng buộc bởi lịch sử, bóng ma quá khứ vẫn ảnh hưởng tới một bộ phận không nhỏ dân Đức, đặc biệt là những người cao tuổi. Họ là những người luôn cổ súy cho việc tuân theo chủ nghĩa hòa bình một cách nghiêm ngặt.


Các nhà phê bình không hài lòng với việc người ta thể hiện công khai niềm tự hào dân tộc trong World Cup năm nay, đã kêu gọi việc gỡ bỏ những lá cờ Đức cắm trên những chiếc xe và các con phố. Một số còn vận động việc cấm cắm quốc kỳ. Số khác nhẹ nhàng hơn, chỉ yêu cầu gỡ bỏ quốc kỳ khỏi khu vực công cộng. Với họ, tự hào quốc gia chỉ gợi nhớ tới quá khứ đau buồn của nước Đức và mang tới nhiều rắc rối thay vì lợi ích.

Và ngay cả khi một số người Đức cảm thấy đã tới lúc để có thể thoải mái thể hiện lòng yêu nước, thế giới vẫn nhắc họ nhớ về quá khứ. Ví dụ trong ngày Đức hạ gục Brazil với tỷ số 7-1, trên các mạng xã hội đông người dùng như Twitter đã xuất hiện hàng loạt từ khóa có liên hệ tới quá khứ của Đức như "Quốc xã", "chiến tranh chớp nhoáng" và “Hitler.”

Không phải ai cũng nhớ quốc ca

Xúc xích Đức và một chiếc TV màn hình lớn là cách mà Sylvia Griffin, 66 tuổi, thưởng thức World Cup cùng chồng ở Panketal, ngoại ô Berlin. Tuy nhiên người phụ nữ yêu bóng đá tới cuồng nhiệt này lại giữ im lặng khi quốc ca Đức vang lên trên TV, đơn giản bởi bà chẳng nhớ nổi lời quốc ca. “Chúng tôi nghĩ rằng niềm tự hào quốc gia là điều mình nên tránh bằng mọi giá" - Griffin nói - "Chủ nghĩa yêu nước, như cách sống của người Mỹ hiện nay, luôn gợi cho người thuộc thế hệ tôi nhớ về chủ nghĩa dân tộc. Và chủ nghĩa dân tộc đã đẩy quốc gia này vào 2 cuộc chiến tranh, thậm chí còn tồi tệ hơn thế".

Tường Linh (Theo New York Times)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm