03/04/2016 10:40 GMT+7 | Thế giới
(lienminhbng.org) - Năm 2013 khi giới trẻ Hà Nội ùn ùn kéo đến Zone 9, vốn lúc trước là khu nhà bỏ hoang, rồi chỉ một thời gian ngắn sau đó, Zone 9 ấy xóa sổ, khó có thể hình dung chỉ hơn 1 năm sau đó những không gian như vậy và hơn cả như vậy đã “phát tán” khắp nơi.
Tổ hợp này gồm một tòa nhà 20 tầng và khu quảng trường rộng hơn 1.000 m2, quy tụ các hoạt động trong nhiều ngành như kiến trúc, thời trang, xuất bản, mỹ thuật…Hàng tuần ở đây thường xuyên diễn ra các sự kiện triển lãm, nghệ thuật hoặc các buổi chia sẻ chuyên môn dành cho cộng đồng.
Có gì đó tương tự một khu công nghiệp, có điều, thay vì quy tụ các công ty sản xuất vật liệu xây dựng, điện thoại, thực phẩm.v.v. gì đó, thì Hanoi Creative City quy tụ những người làm trong lĩnh vực nghệ thuật. Giá thuê mặt bằng ở đây là 5 USD/m2/tháng.
Cũng tháng 9/2015, một cái tên khác gia nhập làn sóng xây dựng các “không gian mới” và lập tức thu hút sự chú ý không chỉ của công chúng, mà của cả giới đầu tư, là Toong. Toong hay Tổ ong, đúng như cái tên của nó, được xây dựng theo mô hình chuỗi không gian làm việc chung (co-working), không còn xa lạ ở nhiều nước trên thế giới nhưng còn là một khái niệm khá mới mẻ ở Việt Nam.
Nét độc đáo của Tổ ong chính là không gian làm việc chung đậm chất văn hóa bản địa và quy mô lớn đến gần như “không tưởng” của nó: Toong sở hữu không gian lên tới gần 1.750 m2 ở hai địa điểm đắc địa tại trung tâm Hà Nội (số 8 Tràng Thi và số 98 Tô Ngọc Vân).
Sắp tới thương hiệu này sẽ mở tiếp 1-2 không gian tương tự ở TP.HCM. Mới khai trương nhưng không gian làm việc chung này khá đắt khách. Hiện khoảng 350 chỗ làm việc cố định đã được “thuê”. Giá thuê chỗ ngồi làm việc ở Toong 90 ngàn đồng/giờ và 190 ngàn đồng/ngày, gần 3 triệu đồng/tháng.
Ngoài ra còn có dịch vụ “văn phòng ảo” với mức phí 2,5 triệu đồng/tháng. Đây là địa điểm được cả Phó Chủ tịch Google lẫn CEO Google lựa chọn để tổ chức các chương trình cộng đồng khi tới Việt Nam.
Thật ra từ lâu trước khi những tổ hợp không gian kiểu như Zone 9, X98 (Hà Nội), Hợp tác xã Tân Hiệp (Hải Phòng), Nhà ga 3A (TP.HCM), những Doclap, TPD, Fablap, ADC, .v.v. thậm chí có khi chỉ là những không gian “ảo” (hoạt động online) ra đời, thì mỹ thuật, ngành nghệ thuật đi đầu trong trào lưu đổi mới và hội nhập, cũng đã tiên phong tạo nên những không gian làm việc chung trong một thế giới tưởng như chỉ có những không gian riêng rẽ.
Nhà Sàn Studio có thể được xem là một trong những không gian đầu tiên như thế ở Hà Nội, vào cuối thập niên 1990. Họa sĩ Mạnh Đức, hay Đức Nhà sàn, đã biến không gian riêng của gia đình mình thành không gian chung của các họa sĩ trẻ theo đuổi nghệ thuật đương đại ở Hà Nội vào thời điểm không một bảo tàng hay gallery nào chấp nhận thứ nghệ thuật thử nghiệm đó.
Nhà Sàn Studio đã góp một phần quan trọng tạo nên một diện mạo của nghệ thuật đương đại Việt Nam cũng như góp phần cho sự thành danh của nhiều tên tuổi trong giới này.
Muộn hơn một chút, tại TP.HCM, là sự ra đời của Sàn Art. Không dừng lại ở một không gian làm việc chung của các nghệ sĩ đương đại, Sàn Art đúng như cái tên của nó - Sàn có nghĩa là “nền tảng”, tập trung vào công việc xây dựng nền tảng cho nghệ thuật đương đại ở Việt Nam thông qua các hoạt động cụ thể như triển lãm, diễn thuyết, hội thảo, chương trình lưu trú nghệ sĩ,v.v., xây dựng hẳn một thư viện nghệ thuật giúp cho việc phổ biến kiến thức văn hóa cho nhiều lĩnh vực…
So với những bước đi đầy khó khăn và hoàn toàn phi lợi nhuận của Nhà sàn Studio hay Sàn Art, sự bùng nổ của khoảng 50 không gian chơi và làm việc kiểu mới của các cộng đồng văn hóa thời gian gần đây với những kế hoạch phát triển khá bài bản, quy mô, thậm chí kết nối với mạng lưới toàn cầu cho thấy một xu hướng đang hình thành, đó là các “không gian sáng tạo”.
Thực ra mô hình này không còn xa lạ ở châu Âu và Bắc Mỹ. Từ các mô hình “zone” tương tự xuất hiện từ vài thập kỷ trước nay đã hình thành mạng lưới các thành phố sáng tạo được UNESCO công nhận như Thành phố văn học Edinburd (Scotland), Thành phố âm nhạc Bologna (Italy), Sevilla (Tây Ban Nha), Thành phố thiết kế Montreal (Canada), Berlin (Đức)…
Hay sau này, ở châu Á với Quận văn hóa Tây Kowloon (Hongkong), Quận nghệ thuật 798 (Bắc Kinh)… Các không gian sáng tạo này đã thúc đẩy cho sự phát triển mạnh mẽ của các sản phẩm văn hóa từ xuất bản, âm nhạc đến thời trang, thiết kế, game, nhiếp ảnh, đồ họa 3 chiều… Tại Nam Mỹ, các lễ hội carnival đã hình thành nền công nghiệp carnival ở Brazil, Cuba, Colombia, Chile.
Ngay cả tại châu Phi nền công nghiệp biểu diễn cũng đang rất phát triển trong đó Nam Phi và Zimbabwe đã hình thành được nền công nghiệp ghi âm. Từ những giá trị tinh thần, văn hóa trong nền công nghiệp sáng tạo đã thực sự trở thành một ngành kinh tế mạnh.
Hãy nhớ lại, sáng tạo game Chú chim mỏ dày Flappy Bird của Nguyễn Hà Đông có thời điểm thu về cho chàng trai này 50.000 USD/ngày. LHQ ước tính thương mại trong lĩnh vực văn hóa sáng tạo chiếm 3,4% thương mại toàn thế giới và đang tăng lên với tốc độ 8,7%/năm.
Tất nhiên, từ những Hanoi Creative City, Dreamplex Profile, Toong, HTX Tân Hiệp, Doclap, TDP, Hanoigrapevine, The Onion Cellar, hay Ga 0, Fablap, Sao La, Manzi, Heritage Space, Cà phê Thứ Bảy, phố sách Nguyễn Văn Bình… đến một viễn cảnh về các thành phố sáng tạo hay các con số ấn tượng nói trên còn là một quãng đường vạn dặm.
Trong cuộc gặp gỡ giữa các không gian sáng tạo Việt với một số không gian sáng tạo Anh quốc do Hội đồng Anh khởi xướng và tổ chức mới đây tại TP.HCM chủ yếu để trao đổi kinh nghiệm và xây dựng mạng lưới kết nối giữa các không gian, mới thấy mọi thứ còn đang…ngổn ngang trăm mối. Hầu hết được tổ chức và điều hành bởi một số cá nhân say mê, một vài không gian sáng tạo vẫn còn đặt tại nhà riêng hoặc không có địa chỉ ổn định.
Việc duy trì nguồn thu ổn định để tồn tại và phát triển các không gian vẫn luôn nan giải. Và hơn hết, sự tham gia của các cá nhân, các nhóm cá nhân sáng tạo trong mạng lưới các không gian sáng tạo vẫn còn ít ỏi và dè dặt, tương tự như thực tế ngành công nghiệp thời thượng hiện nay của thế giới - ngành công nghiệp sáng tạo, vẫn còn là một khái niệm mới mẻ ở Việt Nam.
Nhưng, dù đơn sơ, những “khu công nghiệp sáng tạo” đầu tiên ở Việt Nam cũng đã mở cửa rồi!
Ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch CLB Doanh nhân sáng tạo, đưa một con số thực tế của một trong những ngành công nghiệp sáng tạo có doanh thu hàng đầu thế giới - công nghiệp thời trang. Tổng doanh thu toàn cầu một năm của ngành này là 1.200 tỷ USD nhưng công đoạn gia công mà Việt Nam đang tập trung hiện nay chỉ chiếm chưa tới 5% chuỗi giá trị dệt may toàn cầu. |
Các lĩnh vực được xếp vào ngành công nghiệp sáng tạo: Thiết kế, Quảng cáo, Truyền thông, Xuất bản, Nội dung số, Thủ công mỹ nghệ, Thời trang, Âm nhạc, Điện ảnh Truyền hình, Nghệ thuật biểu diễn, Kiến trúc & Trang trí nội thất, Ẩm thực, Game. |
P.T.T.T
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất