03/08/2014 14:54 GMT+7 | Bóng đá Việt
(lienminhbng.org) - Không phải đợi đến khi cơ quan điều tra điểm mặt thêm ít nhất 6 cầu thủ Đồng Nai tham gia dàn xếp tỷ số và nhận hối lộ (trước và trong trận đấu với Than Quảng Ninh ở vòng 21, V-League 2014), vấn đề cầu thủ cá độ, mới được xới lên bung bét.
“Vụ Đồng Nai” đã cho công chúng một cái nhìn toàn cảnh về đời sống cầu thủ Việt Nam. Đó là, cầu thủ bây giờ có thể vừa là đạo diễn, kiêm diễn viên chính, tham gia đánh bạc và tổ chức đánh bạc, ngay tại những trận đấu của đội nhà, thay vì phải “du lịch” đến trời Âu.
Tỷ phú chân đất
Kể từ sau chức vô địch AFF Cup 2008, một trong những cột mốc chói lọi nhất của nền bóng đá sau lần lọt vào tứ kết Asian Cup trên 2007 sân nhà, thị trường chuyển nhượng cầu thủ nội bắt đầu lên cơn sốt, đây cũng là thời điểm các ông bầu dốc hầu bao vào bóng đá không “lăn tăn”. Từ đất đỏ miền Đông với nhà vô địch B.Bình Dương, lên phối núi Pleiku có cựu vương HA.Gia Lai, ra Đà thành phiên hiệu mới SHB.Đà Nẵng, rồi Hà Nội.T&T, Hải Phòng…, dòng tiền tỷ được đổ vào sân cỏ nội. HA.Gia Lai của bầu Đức từng được cho là vô đối trên thương trường, khi họ tiếp tục mang về những Thonglao, sau đó là Lee Nguyễn. Tuy nhiên thế độc tôn suốt 5 năm của đội bóng phố núi không kéo dài được lâu, sau sự xuất hiện của 2 đại gia là V.Ninh Bình và Hà Nội.T&T (đều bắt đầu lên V-League mùa giải 2009), cùng với sự “trỗi dậy” của B.Bình Dương. XM.Hải Phòng (phiên hiệu trước của Hải Phòng) cũng khá ầm ĩ với “King” Leandro và ngôi sao World Cup Denilson…
Rất nhiều tiền đổ vào bóng đá và giá chuyển nhượng cầu thủ phi nước đại. Phước Tứ 12 tỷ từ LS.Thanh Hoá về XMXT.Sài Gòn, Quang Hải 9 tỷ khi gia nhập N.Sài Gòn, rồi Công Vinh, Như Thành, Đình Luật, Việt Cường, Tấn Trường, Quang Thanh…, toàn sao số cả. Cuộc chiến “tiền đấu tiền” lên đến đỉnh điểm và nhiều ông chủ hả hê khi nẫng tay trên một bản hợp đồng đắt giá (được xem là trang sức) từ đối thủ. Cũng rất nhanh, cầu thủ tự biến mình thành các sản phẩm chuyển nhượng.
Lấy ví dụ trường hợp của Như Thành, kể từ khi gia nhập B.Bình Dương (2006), ký mới, gia hạn và đến khi chuyển về V.Ninh Bình (2011), có tổng giá trị chuyển nhượng không dưới 20 tỷ đồng. Công Vinh cũng là một trường hợp tương tự, với bến đỗ Hà Nội.T&T (2009) có giá 7 tỷ, nhưng khi chuyển về CLB bóng đá Hà Nội của bầu Kiên (2012), điều khoản bồi hoàn hợp đồng (nếu tự ý phá vỡ) lên tới 20 tỷ đồng (theo thông lệ, tiền bồi hoàn sẽ bằng ít nhất 2/3 phí lót tay)…
Tất nhiên, với số tiền quá lớn kiếm được, cầu thủ có quyền sống cuộc sống vương giả, nhà lầu, xe hơi, chân dài và các thú vui được cho là thời thượng. Họ cũng tích cực kết giao hơn với thế giới ngoài bóng đá vốn phức tạp. Nó như một trào lưu và ngay cả những người trẻ cũng bị cuốn theo. Tự bao giờ, họ quên mất việc đầu tư, bồi dưỡng phát triển nghề nghiệp. Cầu thủ sa ngã từ đây, bóng đá Việt Nam ở các cấp độ thua tan tác, cũng bắt nguồn từ đây.
Cá nằm trên thớt
Nếu trung bình một CLB ở hạng Nhất và V-League đăng ký 25 – 27 cầu thủ/mùa giải, sẽ có khoảng hơn 500 người đã và đang hành nghề tại các giải bóng đá cao nhất Việt Nam (bao gồm cả cầu thủ người nước ngoài). Con số này chẳng thấm tháp vào đâu so với các địa hạt khác của xã hội, nhưng họ lại là những đối tượng đầu tiên để nhà cái thò vòi bạch tuộc vào và sẵn sàng “đầu tư”, ngay cả với những đôi chân tiền tỷ. Đơn giản, họ là những người có chuyên môn nhất và… dư tiền.
Nếu như 10 năm về trước, việc ghi “phơi” hoặc “đánh” qua điện thoại, chủ yếu tại các giải bóng đá quốc tế là phổ biến, thì những năm qua, nhà cái bắt đầu đầu tư lớn vào thị trường Việt Nam, thông qua việc phân bổ và chia các trang mạng cá cược như Ibet, Spobet, M88… Lúc này, người chơi sẽ đánh trực tiếp trên máy vi tính và thanh toán với mạng tổng (hoặc đại lý) vào chiều thứ Hai, hoặc sáng thứ Ba mỗi tuần. Một chu trình khép kín.
Việc sở hữu một (hay vài) tài khoản cá cược trên mạng trở nên quá đơn giản, với ngay cả người bình thường, chứ đừng nói đến giới cầu thủ, những người luôn có sẵn các mối quan hệ và như đã nhắc, họ là đối tượng đầu tiên mà mạng tổng tiếp cận. Trong một khảo sát riêng của PV Thể thao & Văn hóa Cuối tuần trước đây, thì cứ khoảng 10 cầu thủ, sẽ có 5 – 7 người đánh bóng qua mạng, thông qua việc sở hữu các tài khoản hoặc qua trung gian. Đấy cũng là con số biết nói.
Như chia sẻ của chính người trong cuộc, việc kiếm tiền quá dễ trong thời đại bóng đá kim tiền, khiến cầu thủ dễ đánh mất mình. Ví dụ, một cầu thủ trung bình khá có giá 5 tỷ đồng/một đợt ký 3 năm (chưa tính lương, thưởng và các chế độ kèm theo), việc bỏ ra một phần trong số đó cho các thú vui, mà cá cược bóng đá được xem như một thứ trang sức, chẳng thấm vào đâu. Nhưng chơi nhiều thành quen, thành thuộc tính và rất nhanh, họ trở thành những con bạc chuyên nghiệp.
Ngoài việc kỹ năng phân tích các thông số trận đấu, không ít cầu thủ nội còn rất giỏi địa lý, thông qua việc làm quen với các múi giờ trên thế giới. Ví như sáng thì đi “du lịch” bên Nam Mỹ, trưa qua Đông Bắc Á, còn chiều tối và đêm trở lại châu Âu, thậm chí cả Bắc Phi. Khỏi phải nhắc, đó là các khung giờ khác nhau tại các điểm khác nhau trên thế giới có trận bóng. “Thua me gỡ bài cào”, họ “bào” cả những tỷ lệ bóng lún “cỏ” khá sâu, thậm chí chơi cả bóng rổ, tennis…, bất cứ thứ gì có thể gỡ gạc.
Nhưng gỡ đâu thì chả thấy, chỉ thấy lún sâu vào để rồi chính họ phải đối mặt với luật pháp.
Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất