Ca khúc 'And I love her': Câu chuyện nửa đời người

07/03/2014 14:05 GMT+7 | Âm nhạc


(lienminhbng.org) - Khi ca sĩ huyền thoại của nhóm The Beatles, Paul McCartney, tròn 70 tuổi, người ta thấy trên facebook của Jane Asher, người tình một thời của ông, có một đường link youtube dẫn đến bài hát And I love her. And I love her, ca tụng một tình yêu nồng cháy nhưng cuối cùng lại chẳng đến đâu.

Cuộc tình tan…

And I Love Her ra đời vào năm 1964 khi mối tình của Paul McCartney và cô nàng diễn viên Jane Asher đang ở thời điểm ngọt ngào nhất. Thời ấy, người ta xem họ là cặp đôi vàng của làng nhạc. Thời ấy John Lennon và Yoko Ono chưa gặp nhau, Mick Jagger và Marianne Faithfull chưa đến với nhau, vì thế Paul và Jane được nhiên được cánh truyền thông quan tâm nhiều nhất. Họ đẹp đôi lạ lùng. Chàng đẹp trai, thư sinh, nàng tóc vàng, dịu dàng, tha thướt. Họ đến với nhau vì đơn giản yêu nhau thật sự. Chàng và nàng đều có sự nghiệp lớn, gia đình khá giả và cả hai chỉ nghĩ đến một điều duy nhất là chọn thời điểm thích hợp để làm đám cưới.

Đây là một trong những ca khúc đầu tiên Paul viết tặng Jane (sau này còn rất nhiều bài tình ca khác anh viết cho Jane, từ I’m Looking Through You cho đến Here, There And Everywhere hay For No One…). Tứ của nó được phát triển từ bài hát trước đó mà Paul đã từng xưng tụng Jane, All My Loving. Nếu như All My Loving là một lời hứa “tất cả tình yêu anh sẽ trao về em” thì ở And I Love Her sự hứa đó giống như một lời tổng kết “Tôi trao nàng tất cả tình yêu của mình. Đó là tất cả những gì tôi làm được. Và nếu như bạn trông thấy tình yêu của tôi, bạn cũng sẽ yêu nàng mất thôi”.


Paul McCartney và Jane Asher thời còn một cặp đôi đẹp của làng nhạc Anh quốc. Với tình yêu dành cho Jane, Paul đã viết rất nhiều tình khúc nổi tiếng để tặng nàng

Đây là ca khúc đầu tiên mà nhóm The Beatles chơi toàn bộ nhạc cụ là mộc, không một chút điện tử. Giai điệu mộc mạc, đơn giản, tựa bài hát được nhiều nhà phê bình âm nhạc đánh giá là dũng cảm, bởi nó quá chân thật và chẳng bóng bẩy chút nào. Sau này Paul tâm sự, anh phát triển giai điệu trên âm giai phảng phất những bài tình ca của Irving Berlin những năm 1930 và tựa bài hát lấy cảm hứng từ ca khúc rất nổi tiếng của Perry Como trước đó, And I Love Her So. Nhưng And I Love Her của Paul vẫn mang tính Beatles hoàn toàn, cấu trúc đẹp, tổng phổ dày và giai điệu mượt mà. Chính bài hát này mà người ta tôn vinh Paul McCartney là người viết ballad hay nhất nhóm. John Lennon sau này thừa nhận chính anh cũng cảm thấy ghen tị khi Paul sáng tác được một bài đơn giản mà lại hay đến thế. “Ca khúc này là tiền đề để Paul sáng tác Yesterday sau này”, John nhớ lại. Khi And I Love Her ra đời người ta thấy ký tên là Lennon - McCartney và John sau đó nói rằng mình góp đến 35% vào giai điệu bài này. Mãi sau này, khi Beatles tan rã và tình bạn giữa các thành viên trong nhóm cũng rệu rã, Paul McCartney đã nói rằng toàn bộ bài này, hay Yesterday sau này đều một mình anh viết và cái tên Lennon được để vào theo yêu cầu của quản lý ban nhạc mà thôi.

And I Lover Her nhanh chóng trở thành bài ballad nhất trong album A Hard Day’s Night được phát hành cùng năm 1964 và cũng là bài dễ thương nhất trong bộ phim cùng tên và sau đó, đây là một trong những bài hát để đời của tứ quái Beatles.

Cá nhân Paul rất yêu thích bài hát này. Anh viết bài này vào tháng 2/1964, trong khoảng hai ngày trước khi cả nhóm sang Mỹ. Bài hát được viết trong phòng chơi nhạc của gia đình Jane Asher. Lúc này anh đã dọn đến ở cùng cô tại đây. Ca khúc với những lời tỏ tình tươi sáng, chân thành “Ánh sáng là những ngôi sao, bóng đêm là bầu trời, tôi biết tình yêu của mình sẽ không bao giờ chết. Và tôi yêu nàng”. Paul bảo rằng bây giờ có cho viết lại anh cũng chẳng thể viết được “Tôi yêu bầu trời và những ngôi sao, tôi yêu chữ “và” được nói lên giản dị và chân thành. Tôi yêu tiếng guitar rải đều của George ở đoạn ấy, đẩy cả tinh thần lên cao và khi hát tôi như được bay bổng”, Paul nhớ lại.

Thế nhưng, bài hát tuyệt đẹp ấy không níu giữ được tình yêu giữa Paul và Jane Asher. Hai người chia tay 3 năm sau đó khi Jane phát hiện Paul ngoại tình ngay trong căn nhà của hai người. Sau này cho dù Jane chưa bao giờ nhắc lại về chuyện cũ nhưng thấp thoáng trên Facebook của bà người ta vẫn thấy những hình ảnh ngày cũ, những video clip, ca khúc được đưa lên như nhắc nhở lại một thời tuyệt đẹp, của tình yêu và tự do, của một thời The Beatles đã làm vua thế giới. Paul vẫn gọi Jane là một tình bạn lớn còn Jane vẫn chân thành chúc mừng sinh nhật Paul và chúc mừng cuộc hôn nhân mới nhất của ông. Cuộc tình ấy tan đi nhưng để lại cho đời nhiều ca khúc bất hủ mà And I Love Her là một trong số rất đáng nhớ ấy.

Kỷ lục

And I Love Her phát hành 10/6/1964. Theo tờ Songfacts, đến năm 1972, nghĩa là chưa tới 10 năm sau, ca khúc này được các nghệ sĩ khác chơi lại đến 372 lần, một kỷ lục thứ nhì sau thành công tuyệt đối của ca khúc Yesterday. Trong đó, có nhiều trường hợp cũng ăn theo danh tiếng và đưa người hát lại trở thành ngôi sao ca nhạc. Bộ đôi danh cầm thủ Santo & Johnny chỉ cần hòa tấu lại bài này cũng đã nổi danh khắp Mexico. Các nghệ sĩ của nhiều dòng nhạc khác nhau, từ jazz, blues, country, pop, nhạc kịch… đều thay nhau cover ca khúc này. Nổi nhất như huyền thoại jazz, Shirley Horn, người vốn không ưa thể loại pop đại chúng thời ấy, cũng đã hát lại và tôn vinh ca khúc này hết lời “Mộc mạc, dễ đi sâu vào tim và chất jazz hoàn toàn có thể xử lý tốt bài này”. Sau Horn còn có rất nhiều nghệ sĩ jazz chơi lại và biến tấu theo nhiều cách khác nhau. Bản mới nhất mà nhiều người được nghe là qua phần trình bày của nghệ sĩ Pat Metheny.

Ở Việt Nam cũng nhiều người ngoài yêu thích bài gốc cũng đã từng rất yêu mến And I Love Her qua tiếng hát Kiều Nga (với tựa Vẫn mãi yêu em). Tuy nhiên, trái với nội dung tươi sáng, nhẹ nhàng của bản gốc thì phiên bản Việt lại hơi u tối, buồn bã vì một cuộc tình chia phôi.

Nguyên Minh
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm