28/12/2018 08:22 GMT+7 | Giải trí
(lienminhbng.org) - “Tò te, cây me đánh đu, Tarzan nhảy dù, Django bắn súng…” - những lời hát vui nhộn quen thuộc mà thuở nhỏ thế hệ 7X, 8X Việt Nam hầu như ai cũng biết bài này! Thật ra đó là “nhạc chế” từ khúc dân ca ở châu Âu thế kỷ 18 - Auld Lang Syne mà từ rất lâu nó đã trở thành một khúc ca chào mừng năm mới trên khắp hành tinh! Điều đặc biệt hơn nó đã trở thành ca khúc được sử dụng trong nhiều bộ phim nhất của lịch sử điện ảnh thế giới.
Lịch sử và nội dung bài hát
Khúc dân ca này được hát hơn 150 năm, trước khi Robert Burns tình cờ nghe và rung động bởi ca từ và đặc biệt là câu “should old acquaintances be forgot” từ một ông lão hát rong và chép nó ra.
Burns thêm ít nhất 2 khổ nhạc mới vào bài hát đã có sẵn theo giai điệu dân ca ngũ âm của Scotland, và gởi nó cho bạn mình là James Johnson, một nhà xuất bản của Viện bảo tàng âm nhạc Scotland, kèm theo nội dung: “Đây là một bài hát cổ truyền, có từ thời xa xưa và chưa hề được in ấn hay phát hành, thậm chí cũng chưa có ở dạng bản thảo, cho tới khi tôi chép ra từ miệng của một ông lão cuối những năm 1780”. Johnson hoãn xuất bản bài hát cho tới khi Burns lìa trần.
Lời nhạc lập đi lập lại một ý chính: Chúng ta có nên quên đi những người quen cũ, những bạn bè thân ái ngày xưa? Và dĩ nhiên nó ngầm mang ý nghĩa chúng ta sẽ chẳng bao giờ quên! Trong những đoạn khác của lời nhạc, tác giả nhắc đến những kỷ niệm êm đềm cùng bạn bè rong chơi, hái hoa ngoài cánh đồng, bơi trong dòng suối… nhưng bây giờ bạn bè người thân cũ, đã bị ngăn cách bởi sóng gió trùng dương…
Auld Lang Syne gợi nhớ những gì êm ái của quá khứ, của ngày tháng cũ. Việc hát bài này vào ngày Tất niên hay Giao thừa, nhanh chóng trở thành một phong tục của người Scotland, và sớm lan truyền tới những nơi khác trong Vương quốc Anh.
Khi người Scotland di cư khắp nơi trên thế giới, họ mang giai điệu bài hát đi theo. Các bài báo ở cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 đã mô tả những người ở hai bờ Đại Tây Dương đều hát bài hát này để đánh dấu sự khởi đầu của năm mới.
Guy Lombardo, người đứng đầu ban nhạc Canada The Royal Canadians, thường được công nhận là người đã đại chúng hóa việc sử dụng bài hát tại những buổi lễ đón năm mới ở Mỹ.
Từ năm 1929, bài hát đã trở thành thương hiệu của ông qua những chương trình phát thanh thường niên trên đài phát thanh và truyền hình. Ngoài những buổi phát sóng trực tiếp, Lombardo còn thu âm bài hát vào năm 1939.
Một bản chép tay cổ của bài Auld Lang Syne hiện được lưu giữ trong bộ sưu tập vĩnh cửu của Thư viện Lilly tại Đại học Indiana ở Bloomington, bang Indiana (Mỹ).
“Auld Lang Syne” sử dụng trong điện ảnh thế giới
Bài hát được sử dụng trong khá nhiều phim, dưới đây là một số cột mốc đáng chú ý của bài hát Auld Lang Syne trong các bộ phim nổi tiếng:
- Auld Lang Syne xuất hiện đầu tiên trong điện ảnh với bộ phim The Black Watch (1929) của John Ford.
- Đạo diễn Frank Capra đã sử dụng Auld Lang Syne trong nhiều bộ phim của ông như: Mr. Deeds Goes To Town (1936), Mr. Smith Goes To Washington (1939), và It's A Wonderful Life (1946).
- Một cảnh nổi tiếng trong phim Wee Willie Winkie (1937), thần đồng điện ảnh Shirley Temple đã hát cho một người lính Scotland đang hấp hối nghe bài Auld Lang Syne.
- Phim Waterloo Bridge (Vũ điệu trong bóng mờ - 1940) với hai diễn viên chính Vivien Leigh và Robert Taylor, đã sử dụng bài này dưới cái tên The Farewell Waltz.
- Phim The Gold Rush của Charlie Chaplin, bản phát hành lại năm 1942 với âm thanh được thêm vào, đã xử dụng bài này trong cảnh bữa tiệc đêm Giao thừa.
- Phim Scandal (1950) của Akira Kurosawa, đã cho hát bài này ở một quán bar trong đêm Noel.
- Phim The Steel Helmet (1951) của Samuel Fuller, nhóm lính Mỹ sửng sốt khi phát hiện ra rằng, giai điệu này cũng được dùng làm quốc ca Hàn Quốc, khi nghe cậu bé bản xứ đi theo họ, hát Auld Lang Syne bằng tiếng Hàn.
- Phim The Apartment (1960), khi chuông đồng hồ báo hiệu năm mới, những người có mặt hát bài này, thì nhân vật do Shirley MacLaine thủ vai quyết định bỏ người yêu của mình.
- Phim The Poseidon Adventure (1972) của Ronald Neame/Irwin Allen, những hành khách trên tàu đã hát vang bài này vào đêm Giao thừa, khoảnh khắc trước khi con tàu bị con sóng thần khổng lồ lật úp.
- Phim Out Of Africa (1985), một đám đông người Anh hát bài này để mô tả những người định cư Anh ở Đông Ấn.
- Phim The Last Emperor (1987) khi gia sư của hoàng đế Phổ Nghi, lên thuyền rời Trung Quốc để trở về nước Anh, một dàn nhạc nhỏ của Trung Quốc trình diễn ca khúc này bằng các nhạc cụ truyền thống.
- Phim Ghostbusters II (1989), hàng ngàn công dân thành phố New York hát bài này trong một khoảnh khắc hòa bình, yêu thương và đoàn kết sau những hành động tiêu cực dai dẳng.
- Phim Forrest Gump (1994), Gump và trung úy Dan say rượu, hát bài này để đón chào năm mới tại thành phố New York.
- Phần 2 trong tác phẩm bộ ba Infernal Affairs (Vô gian đạo - 2002), giai điệu của bài hát vang lên khi trừ khử một trùm băng đảng của Hội Tam Hoàng.
Auld Lang Syne là một bài thơ Scotland do thi sĩ nổi tiếng Robert Burns viết năm 1788, nó được phổ nhạc và trở thành một ca khúc cổ truyền. Bài hát được biết đến ở nhiều nước nói tiếng Anh và cả các quốc gia khác và thường được hát trong thời khắc giao thừa để bắt đầu một năm mới. Auld Lang Syne là địa phương ngữ tiếng Anh ở Scotland, có thể được dịch từng từ tiếng Anh quốc ngữ là “old long since”, hoặc dịch theo đúng tiếng Anh chuẩn là “long long ago” (cách đây rất lâu), “days gone by” (những ngày đã qua) hay “old times” (thời xưa). Vì vậy, “For auld lang syne” có nghĩa là “cho thời gian qua với những ngày xưa êm ái”... như câu đầu tiên của phần điệp khúc, được dịch thoát sang tiếng Anh là "for (the sake of) old times". |
Nguyên Bá
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất