13/06/2021 18:53 GMT+7 | Dạo quanh nước Đức
(lienminhbng.org) - Nghệ thuật đôi khi may mắn là một phút thăng hoa của nàng thơ, nhưng trong rất nhiều trường hợp khác, như triết gia Maurice Blanchot nói, là “sự lưu đày trong công việc”. Một thứ tưởng chừng chỉ thuần túy là cảm xúc như âm nhạc cũng không phải ngoại lệ. Nhưng không phải vì những quy tắc, phương pháp ngặt nghèo mà mất đi tâm tình. Heroes (Những người hùng) của David Bowie chính là như vậy.
Heroes không phải tâm tình ở mức trung bình. Sức mạnh vô hình của nó đã mang tới cho David Bowie khoảnh khắc thiêng liêng nhất đời và hơn cả thế, nó thể hiện một sức mạnh vô biên.
Kỷ luật và lãng mạn kiểu Đức
Vào một buổi chiều Hè tháng 7/1977, khi David Bowie đang nhìn vu vơ qua cửa sổ ở phòng thu Hansa tại Berlin thì chợt thấy một đôi đang hôn nhau dưới Bức tường Berlin.
“Tôi luôn nói rằng một cặp tình nhân bên Bức tường đã thôi thúc ý tưởng về Heroes” - Bowie chia sẻ trong một buổi phỏng vấn vào năm 2015 - “Thật ra, đó là nhà sản xuất Tony Visconti và bạn gái của anh. Tony khi đó đã kết hôn nên tôi không thể nói rõ ra được. Nhưng giờ thì tôi có thể nói cặp tình nhân đó là Tony và một cô gái người Đức mà anh gặp hồi chúng tôi ở Berlin. Tôi nghĩ có khả năng hôn nhân của anh chỉ còn vài tháng. Thật vô cùng xúc cảm bởi tôi có thể thấy Tony yêu cô gái này vô cùng. Chính mối quan hệ đó đã là động lực cho ca khúc”.
Nhưng thật ra, ca khúc cơ bản đã được Bowie và Brian Eno bắt đầu từ vài tuần trước đó, với Visconti giữ vai trò mix. Phương pháp làm việc của họ trong suốt giai đoạn mà Bowie gọi là “thời kỳ Berlin” đó là dựng các lớp nhạc trước rồi sau đó sẽ truyền cảm hứng cho giai điệu và ca từ, như làm khung trước cho bức tranh. Bằng cách sử dụng thẻ “chiến lược quanh co” của Eno (lấy cách ngôn kích hoạt tư duy bên trong), họ thường tự đặt cho nhau những “song đề” sáng tạo bên trong chiếc khung đó.
“Có lẽ tôi đã viết 5 hay 6 hợp âm” - Bowie kể - “Rồi tự kỷ luật bản thân để viết ra gì đó với chỉ 5 hay 6 hợp âm đó. Kiểu giáo điều đó lệnh cho ca khúc cách ra đời, hơn là tôi hay cảm xúc cá nhân”.
Ở góc nhìn rộng hơn, bản thân việc sống ở Berlin đã là một chiến lược quanh co với Bowie. “Tôi thấy phải đặt mình vào những trạng huống để làm ra những ca khúc hay và hợp lý. Tôi vẫn hay làm vậy khi ra nước ngoài… Tôi phải đặt mình vào tình trạng nguy hiểm, dù là về tình cảm, tinh thần hay thể chất. Mọi thứ được giải quyết theo kiểu đó: Sống ở Berlin theo lối khổ hạnh trong lý tưởng của tôi, ép bản thân phải sống theo những hạn chế của thành phố đó”.
Bowie ném chuỗi hợp âm hạn chế của mình cho ban nhạc, và họ cùng chơi với nhau, tạo nên một giai điệu 8 phút tuyệt vời. Phần riff cơ sở của Heroes tới từ tay guitar Carlos Alomar, với nhịp điệu thôi miên do bass George Murry và trống Dennis Davis hòa vào. “Với những nhạc sĩ kỳ tài như vậy, không còn nghi ngờ gì về các nốt nhạc. Chúng tôi đặt “cảm giác” lên làm ưu tiên”. Như Eno miêu tả, riêng âm thanh của ca khúc đã vô cùng “hùng vĩ và anh hùng”.
Phải mất 6 tuần để hoàn thiện. Có tin đồn rằng Heroes dự định là một bản hòa tấu nhưng Bowie nói rằng ông chỉ đang chờ một tia lửa trữ tình lóe lên đúng lúc. Và cuối cùng, nó đã tới từ cặp tình nhân dưới chân Bức tường.
Như là một trong những ca khúc khoe giọng nhất của Bowie, ca từ Heroes cũng xứng ngang tầm với âm thanh. Mang chủ đề chúng ta chống lại thế giới, Heroes chứa đầy những nét thơ kỳ lạ, như dòng về những con cá heo. Mặc dù tâm điểm vẫn là đôi tình nhân hôn nhau dưới bức tường, Bowie đã thêm vào đó nhiều kịch tính như một người tới từ phía Đông còn một người tới từ phía Tây, súng bắn trên đầu, vua - hoàng hậu, người hùng… Những lát cắt đột ngột là bởi, như Bowie nói, ông thường sử dụng phương pháp vết cắt cảm hứng của William Burroughs để viết: Chọn những từ ngẫu nhiên từ sách hay tạp chí rồi chỉnh sửa lại nó.
“Tôi sẽ dùng ý tưởng đó để khơi lên loạt hình ảnh mới cho mình” - ông giải thích, “hay một cách nhìn mới về một chủ đề nào đó. Tôi vẫn thấy nó là công cụ viết lách vô cùng hữu ích. Ngày nay, tôi rất kinh ngạc về lượng lớn những trang điện tử cắt ghép ở trên mạng. Khá là phi thường. Có ít nhất 10 trang và 2 hay 3 trong số đó thật xuất sắc. Tôi cũng đã sử dụng nó. Tôi đặt một loạt từ vào đó rồi nhấn nút cắt ghép và nó sẽ cắt ra cho tôi”.
Khoảnh khắc lịch sử
Heroes được phát hành dưới dạng đĩa đơn vào tháng 9/1977. Nó chỉ đạt tới No.24 ở Anh và không được xếp hạng ở Mỹ. Nhưng sức mạnh nội tại khiến Heroes không lùi bước, trở thành một trong những ca khúc chủ đề của Bowie, cùng với Space Oddity và Changes. Khoảnh khắc đáng nhớ nhất của Heroes sẽ tới vào 10 năm sau, khi Bowie biểu diễn nó ở liên hoan 3 ngày Platz der Republik, tổ chức gần cổng Brandenburg của Bức tường, ngay đối diện phòng thu ở Berlin, nơi nó được hình thành.
“Tôi sẽ không bao giờ quên được nó” - Bowie nhớ lại. “Đó là một trong những màn biểu diễn cảm xúc nhất mà tôi từng thực hiện. Tôi đã khóc. Họ dựng sân khấu vào chính Bức tường nên nó giống như phông nền của chúng tôi. Chúng tôi nghe tin là những người ở Đông Berlin cũng thật sự có cơ hội để nghe nhạc, nhưng chúng tôi không nhận ra số người lớn thế nào.
Đã có hàng ngàn người ở phía bên kia tới gần bức tường. Thế nên, nó như một hòa nhạc kép, nơi Bức tường là đường ranh giới. Chúng tôi có thể nghe thấy tiếng họ hò reo, hát cùng ở phía bên này. Chúa ơi, ngay cả bây giờ tôi cũng thấy nghẹn ngào. Nó làm trái tim tôi tan vỡ. Tôi chưa từng làm điều như vậy trong đời. Tôi đoán mình cũng sẽ không có cơ hội như thế lần nữa.
Khi chúng tôi làm Heroes, nó đã thật sự như một bài thánh ca, gần như một lời cầu nguyện. Tôi không bao giờ có lại được cảm giác đó. Dù sau này chúng tôi có làm tốt hơn cỡ nào, nó cũng chỉ như đi dạo so với đêm đó bởi đêm đó mang quá nhiều ý nghĩa. Đó là nơi ca khúc được viết, là tình huống cụ thể mà nó sinh ra. Thật phi thường.
Năm 2002, chúng tôi diễn nó ở Berlin một lần nữa. Lần này, thật quá diệu kỳ - nó là ở sảnh Max Schmeling, có sức chứa từ 10 tới 15 ngàn người - và một nửa số khán giả trước đó ở Đông Berlin. Thế nên, lúc này, tôi được mặt đối mặt với tất cả những người tôi từng hát cho nhiều năm trước. Tất cả chúng tôi cùng hát với nhau. Một lần nữa, mới mạnh mẽ làm sao. Những điều như vậy thật sự mang tới cho bạn cảm giác một ca khúc và một màn trình diễn có thể làm được những gì”.
Chuyện tình cảm giữa một người ở phía Đông một người ở phía Tây Berlin đã hóa thành thánh ca của Berlin nói chung khi ở cả 2 bên, mọi người cùng hát: “Tôi có thể nhớ/ Đứng đó, bên Bức tường/ Súng, bắn trên đầu chúng tôi/ Và chúng tôi hôn nhau, như thể chẳng có gì rơi…”.
Từ một ca khúc nhỏ, ngọn lửa đã bùng lên ở cả 2 phía. Bowie kéo dòng người đổ về mỗi ngày một nhiều và vào ngày kết thúc, tất cả đã hô vang: “Bức tường phải đổ”. 2 năm sau, vào năm 1989, Bức tường Berlin chính thức chỉ còn là di tích.
Ca khúc “Heroes” của David Bowie:
Ca khúc vĩ đại mọi thời đại Sau khi Bowie qua đời năm 2016, chính phủ Đức đã chính thức gửi lời cảm ơn tới ông vì “giúp hạ gục Bức tường”, đồng thời nói thêm rằng “giờ ông nằm trong số Những người hùng”. Về mặt âm nhạc, Heroes được đông đảo các nhà phê bình hoan nghênh, lọt vào nhiều BXH ca khúc vĩ đại mọi thời đại, bao gồm vị trí No.46 trong danh sách của Rolling Stone. Học giả Bowie David Buckley cho Heroes “có lẽ là tuyên ngôn dứt khoát nhất của nhạc pop về chiến thắng tiềm năng của tinh thần con người trước nghịch cảnh”. David Bowietên thật là David Robert Jones, sinh 1947 tại Anh, mất năm 2016. |
Thư Vĩ (Tổng hợp)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất