07/11/2019 07:49 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Khoảng 10, 15 năm trở lại đây, mô hình cà phê Sách đã xuất hiện và ngày càng phổ biến trong hoạt động thư viện. Ban đầu cà phê Sách xuất hiện ở một số thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng..., sau đó phát triển rộng ra ở khá nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.
Mô hình này chủ yếu xuất hiện mới đầu ở các Nhà sách tư nhân, dần dần xuất hiện ở các tỉnh, thành phố khác, sau đó là trong các thư viện công cộng. Đến nay đã trở thành một nét sinh hoạt văn hóa đi liền với phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.
Địa chỉ của giao lưu văn hóa
Sự xuất hiện của mô hình cà phê Sách trong khoảng hơn chục năm trở lại đây đã trở thành một trào lưu tao nhã, khắc đậm cá tính của những độc giả yêu thích đọc sách. Đó không chỉ là điểm hẹn lý tưởng để gặp gỡ bạn bè, đối tác, đồng nghiệp mà còn là địa điểm cho những người yêu thích sự yên tĩnh, thoải mái cùng với sách.
Cà phê sách ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu văn hóa-giải trí của bạn đọc trong các thư viện. Ban đầu các thư viện lớn như Thư viện Quốc gia VN, Thư viện TP Hà Nội và một số thư viện tỉnh, thành phố Bình Định, Lâm Đồng, Đắc Lắc, Phú Yên, Tiền Giang, Thái Bình.… đã mở mô hình Cà phê sách với không gian thoáng đãng, đẹp và yên tĩnh ngay trong khuôn viên thư viện. Ở đó có bố trí một số giá sách, kệ sách với vài trăm, vài ngàn cuốn sách, chủ yếu là tiểu thuyết, truyện, thơ, sách văn hóa-nghệ thuật, sách khảo cứu, sách khoa học-kỹ thuật... Hình thức bài trí các giá sách, tủ sách phải đảm bảo yếu tố thẩm mỹ và đương nhiên các bàn, chỗ ngồi uống cà phê cũng thường đặt gần các tủ sách, giá sách để thuận tiện cho người đọc. Có một thực tế là, ở Việt Nam cũng như ở nhiều nước trên thế giới, bạn đọc có nhu cầu tìm kiếm thông tin, tri thức, tìm kiếm tư liệu thì họ cần tới thư viện và có khi độc giả phải “ngồi lỳ” trong thư viện hàng tiếng đồng hồ; thậm chí có người phải bỏ ra vài buổi, vài tuần... để đến thư viện đọc, nghiên cứu lấy tư liệu phục vụ cho công việc của mình. Vì thế, sau những thời gian đọc, ghi chép, đối chiếu, so sánh tư liệu trong các thư viện thì cà phê sách chính là không gian lý tưởng giải tỏa mỏi mệt. Cà phê sách qua thực tế chứng minh là mô hình đáp ứng nhu cầu thực sự của bạn đọc thư viện trong quá trình tiếp nhận và xử lý thông tin; là nơi để độc giả giảm street, giảm căng thẳng và mệt mỏi.
Bên cạnh đó, đặt chân vào không gian của cà phê sách trong thư viện, bạn đọc sẽ không đơn thuần là thưởng thức cà phê, mà còn được tận hưởng không gian văn hóa đặc thù, với sự tĩnh lặng, ấm cúng, riêng tư, nơi gạt bỏ những bộn bề lo toan để sống chậm lại. Một chiếc bàn nhỏ, một ly cà phê và cả một kho tri thức mà ai cũng muốn chạm vào. Trước đây, phần lớn khách đến với cà phê sách thường là doanh nhân, trí thức…, nhưng giờ đây, đối tượng đến với cà phê sách đa dạng hơn. Là những bạn trẻ, sinh viên đến để kiếm tìm tri thức; là những độc giả muốn dừng chân nghỉ ngơi và thích thú khám phá nét độc đáo của một hình thức thưởng thức cafe mới; hay đơn giản chỉ là “tò mò” một cách đáng yêu để rồi đam mê và cuốn theo lúc nào không biết.... Những giao tiếp trong mô hình này từ bao giờ đó đã trở thành nét đẹp văn hóa cho nhiều độc giả trong các thư viện.
Duy trì mô hình Cà phê sách như thế nào cho hiệu quả?
Cà phê sách thực chất là mô hình dịch vụ mở, vừa đảm bảo yếu tố kinh doanh, vừa đảm bảo việc phục vụ sách báo cho bạn đọc. Những năm qua, hầu hết các thư viện công cộng đều quan tâm, chú trọng duy trì mô hình cà phê sách sao cho hiệu quả. Tuy nhiên, vẫn còn có nơi, có lúc, việc duy trì phục vụ đọc sách báo trong các địa chỉ cà phê sách còn nặng về hình thức kinh doanh, có thư viện chưa thường xuyên đổi mới hoạt động của mô hình này. Sách, báo chưa được thay đổi thường xuyên, việc quảng bá sách, nhất là sách mới tại những địa chỉ này còn ít.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động của mô hình cà phê sách trong thư viện công cộng, đảm bảo để mô hình này thực sự đáp ứng nhu cầu đọc, thông tin, giải trí của đông đảo độc giả; thiết nghĩ các thư viện cần lưu ý việc chỉnh trang, làm mới không gian Cà phê Sách trong thư viện. Cần nghiên cứu và đầu tư để cà phê sách thực sự là không gian văn hóa ấn tượng với bạn đọc.
Lãnh đạo thư viện cần bố trí nhân lực nghiên cứu nhu cầu của bạn đọc tại các góc cà phê sách, thường xuyên thay đổi các loại sách, báo, tạp chí để bạn đọc biết và tìm đọc theo nhu cầu. Ngoài ra, Thư viện cần cử cán bộ thường xuyên có kế hoạch truyên truyền, quảng bá sách, ấn phẩm có trong thư viện cho bạn đọc tại cà phê sách. Việc làm này rất cần thiết, giúp bạn đọc biết những cuốn sách hay, best sale trên thị trường để bạn đọc có nhu cầu tìm đọc, tìm mua. Đồng thời có thể thành lập trong cà phê sách Câu lạc bộ những người yêu sách, để các thành viên có thể trao đổi, chia sẻ suy nghĩ về những cuốn sách, ấn phẩm họ đã đọc, tạo mối liên kết hữu ích.
Hằng năm, trong các dịp sơ kết, tổng kết hoạt động thư viện, cần đưa nội dung kết quả hoạt động của cà phê sách vào đánh giá hoạt động thư viện như một mô hình mới của công tác thư viện thời hiện đại, qua đó để có những điều chỉnh hoạt động này kịp thời, cần thiết. Đặc biệt, cần nhớ rằng: dịch vụ này trong thư viện không chỉ chú trọng kinh doanh cà phê, mà cần hơn là giới thiệu và phục vụ sách báo thư viện.
Một địa chỉ cà phê sách khá thành công ở Hà Nội- Café Sách-Tùng Book chia sẻ: “Bạn có biết trong một quán “Cà phê sách” đích thực, cà phê đôi khi chỉ là gia vị cho những cuốn sách! Cà phê sách không chỉ cần cà phê ngon, mà điều quan trọng chính là sách hay. Và cho dù bạn không thích đọc nhưng ngồi giữa một nơi mà xung quanh ngập tràn là sách thì thật khó mà lờ đi được. Vì thế hãy thử khám phá chính bản thân mình tại không gian Cà phê Sách, biết đâu, bạn sẽ say mê và tìm ra ý tưởng hay ho nào đó cho công việc, cho cuộc sống của mình...”.
Theo Báo Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất