Cà phê bóng đá: Tất niên với Dương Thụ và Hồng Ngọc

29/12/2012 15:26 GMT+7 | Bóng đá Việt

(lienminhbng.org) - Cuộc trò chuyện cuối năm khi Cà phê bóng đá làm chủ nhà cho hai vị khách mời, nhạc sĩ Dương Thụ và nhà báo Hồng Ngọc, trong một cuộc trao đổi nhìn lại năm cũ và hướng sang năm mới.



Bóng đá Việt Nam không thể có lãi nếu những khán đài cứ như thế này

NGHỊCH LÝ THỂ THAO

Dương Thụ: Hồng Ngọc này, anh có thấy lạ không khi thể dục dụng cụ, một môn thể thao siêu khó, các thành tích cao nhất về môn này đều thuộc về các cường quốc thể thao hàng đầu thế giới. Nước mình “bé tẹo”, ăn thua gì, mà nó cũng chỉ là môn mới du nhập, có truyền thống gì đâu, thế mà vẫn có chức vô địch thế giới, còn bóng đá thì có lịch sử gần trăm năm đã có thời làm gương cho bóng đá Nhật Bản, lại mỗi lúc một thụt lùi, thụt lùi đến mức so với bóng đá Đông Nam Á, một vùng trũng trên bản đồ bóng đá thế giới ta cũng chỉ là một nền bóng đá hạng hai.

Hồng Ngọc: Có sự khác biệt căn bản về tính chất của hai môn này. Thể dục dụng cụ là môn thể thao thành tích cao, còn bóng đá là môn thể thao đại chúng. Thể dục dụng cụ hầu như không thể thương mại hóa, và vì thế nó không bị dẫn dắt bởi tiền bạc. Nó được dẫn dắt bởi đam mê thuần túy, từ cả người tập lẫn người dạy, chỉ cần với mức thu nhập sống được.

Mô hình thể thao của chúng ta vẫn chưa có thay đổi gì đáng kể so với mô hình thể thao xã hội chủ nghĩa, là “thể thao thành tích cao”, nghĩa là tìm ra vận động viên có năng khiếu xác định theo nghiệp thể thao và đào tạo từ nhỏ. Nó thích hợp với các môn như thể dục dụng cụ, nhảy cầu. Những môn đó thích hợp nhất khi vận động viên phải khổ luyện từ nhỏ, và tập luyện bằng ngân sách nhà nước. Thể dục dụng cụ Việt Nam thành công nói lên rằng chúng ta đang có những vận động viên và huấn luyện viên say mê với nghề và đang làm tốt công việc của họ. Phần thưởng cho họ là cần thiết, nhưng đừng để tiền thay thế cho sự say mê làm động lực cho họ.

Trong khi bóng đá là môn thể thao đại chúng, và chúng ta đang cố gắng thương mại hóa nó. Dùng tiền làm động lực thì cái giá phải trả là người ta đặt tiền lên trên cả nghề nghiệp, nếu thiếu những nền tảng khác. Các xã hội lành mạnh còn hai nền tảng nữa: nền tảng về đạo đức, với đóng góp lớn của tôn giáo, và nền tảng về luật pháp được tạo ra bởi chế độ pháp quyền, nhằm ngăn chặn việc theo đuổi lợi ích cá nhân xâm phạm lợi ích cộng đồng, và lợi ích trước mắt xâm phạm lợi ích lâu dài. Bóng đá Việt Nam rất yếu ở cả hai nền tảng đó, nên tiền đang kéo bóng đá xuống thay vì kéo nó đi lên.

Dương Thụ: Thể thao đại chúng thì người nuôi sống nó là đại chúng (khán giả). Khi khán đài vắng tanh, tiền sẽ ra đi vì không bán được vé và vì lần lượt người ta sẽ bỏ bóng đá. Liệu có nhà tài trợ nào mua bảng quảng cáo và có đài truyền hình nào mua bản quyền truyền hình khi tất cả các trận đấu không có hoặc rất ít người xem? Và cuối cùng là các ông bầu, liệu họ có đủ kiên nhẫn bỏ tiền tỷ để cho cầu thủ ra sân, đá với nhau? Không có người xem, không có tiền, bóng đá sẽ chết.

Thời bao cấp đã qua rồi. Bóng đá ta tuy chưa đến nỗi chết thảm như thế, nhưng đang ngắc ngoải. Mình ra sân mình biết. Nhìn những hàng ghế trống mênh mông trên sân vận động của hai trung tâm thể thao của cả nước: Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh mà ngán ngẩm.  Chưa chết hẳn vì vẫn còn có người mê bóng đá, yêu đội bóng của mình một cách “tức tuởi” như các khán giả Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ  An, Bình Dương, vẫn còn tiền của các ông bầu mê bóng đá thứ thiệt: Bầu Hiển, bầu Đức, bầu Thắng… và tiền giống như “quà biếu” cho địa phương như của hai ông bầu người Ninh Bình, một ông “biếu” cho tỉnh nhà, một ông “biếu” cho thành phố nơi mình có quan hệ. Kiểu cho không biếu không này có thể kéo dài được bao lâu?

Đúng là tiền vẫn còn nhưng chỉ có tiền thôi, vẫn sẽ không nuôi nổi bóng đá. Mà tiền phải lấy ở đâu ra chứ, phải là tiền được làm từ bóng đá: tiền vé, tiền bản quyền truyền hình, tiền bán bảng quảng cáo, áo và đồ lưu niệm… chứ đâu phải lấy từ tiền thuế của dân, tiền bán xi măng, tiền bán gỗ, bán vật liệu xây dựng, tiền ngân hàng… như tiền đổ vào bóng đá những năm rồi.

Bóng đá không phải là môn thể thao thành tích cao, nó không thể bao cấp như xưa được. Bóng đá cũng là một sản phẩm hàng hóa, muốn bán được phải là bóng đá thứ thiệt, chứ dỏm như bây giờ thì ai mua. Hàng ế nên ngắc ngoải, ngắc ngoải nên mới thụt lùi xuống tầm cỡ của đội Lào thôi. Vô địch vùng trũng đã là chuyện không thể, làm sao mà nói đến chuyện châu lục với thế giới như bên thể dục dụng cụ. Với một kiểu làm bóng đá như thế thì cái nghịch lý thể thao kia thật ra phải hiểu là hợp lý mới đúng.

TỐNG CỰU NGHINH TÂN

Hồng Ngọc: Năm 2012 là một năm đầy khó khăn với bóng đá Việt Nam. Người khởi xướng thành lập nên Công ty cổ phần bóng đá Việt Nam VPF là bầu Kiên dính vào vòng lao lý. Khủng hoảng kinh tế khiến một loạt ông bầu tháo chạy khỏi bóng đá, tạo nên một cú sốc về giá trị và thất nghiệp hàng loạt cho cầu thủ. Và đội tuyển thì thua ê chề ở AFF Cup, cũng là thất bại của việc tuyển huấn luyện viên nội lấy được cho đội tuyển.

Dương Thu: Nhưng 2012 cũng có những điểm sáng đấy chứ. Đội tuyển U22 Việt Nam vào đến tận trận chung kết của cúp bóng đá Quốc Tế Bình Dương, một giải đấu tập hợp nhiều đội bóng chất lượng. Trận thắng 1-0 của Học viện Hoàng Anh Gia Lai Arsenal JMG trước đội U17 Arsenal cách đây hơn hai tháng và việc nhóm bốn cầu thủ của học viện này được sang thử việc tại đội trẻ Arsenal. Đây là hai sự kiện cứu vãn phần nào cho thất bại của bóng đá Việt Nam năm 2012 và cho ta niềm hy vọng vào một sự đổi thay trong năm 2013.

Hồng Ngọc: Tôi đồng ý với anh Thụ. Còn chuyện cái tổng kết buồn của tôi về bóng đá Việt Nam 2012 thì hy vọng rằng đó là cơn bĩ cực, và vật cực tắc phản, xấu đến cùng cực rồi sẽ  chuyển sang tốt. Thực ra nó không phải là quy luật vô hình. Cái lẽ ở đây là, chúng ta đã bơm bong bóng vào bóng đá, và giờ nó xì hơi. Thực tế đó khiến tôi hy vọng những người làm bóng đá thay đổi nhận thức về cách làm bóng đá, rằng không có phép màu nào, rằng tiền không đá bóng được, và rằng mọi cách làm ăn xổi, chụp giật đều không mang lại điều gì tốt đẹp trong dài hạn.

Chúng ta, ai cũng mong rằng không có thêm những đội bóng phải giải thể, dù họ cần phải học cách tồn tại và vận hành với ít tiền hơn, và vẫn phải dành một khoản đáng kể trong số đó đầu tư cho dài hạn hơn, gồm đào tạo trẻ và quan hệ cộng đồng.

Dương Thụ: Vậy chúng ta cùng chúc cho bóng đá Viện Nam năm 2013 sẽ được làm một cách tử tế như nguyện vọng của chuyên  gia bóng đá Phan Anh Tú nêu ra trong Cà phê bóng đá kỳ trước vậy.

Hồng Ngọc: Cũng xin chúc cho Liên đoàn bóng đá Việt Nam thành công trong việc cải tổ về mặt tổ chức, các cầu thủ đang thất nghiệp sớm tìm được việc làm tại các đội bóng mới, và các ông bầu tìm ra được cái “lãi” của mình khi đầu tư vào bóng đá.

Cà Phê Bóng Đá

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm