08/12/2012 08:42 GMT+7 | Âm nhạc
(lienminhbng.org) - Hai tháng nay, Phòng trà ATB (TP.HCM) của ca sĩ Ánh Tuyết đã ngưng hoạt động chờ chị tìm được địa điểm mới thích hợp. Quyết nghỉ ngơi khi sống lưng vẫn còn sáu con ốc kim loại, chân giãn tĩnh mạch… nhưng chị vẫn không thể nghỉ vì những lời mời lên sân khấu biểu diễn. Tối nay (8/12), chị “tái ngộ” khán giả Hà Nội trong chương trình Văn Cao - Trịnh Công Sơn: Ru mãi ngàn năm.
Cuộc “tái ngộ” của ca sĩ Ánh Tuyết khá đặc biệt khi chương trình quy tụ một ê - kíp khá “hùng hậu”: kịch bản văn học - Nguyễn Khắc Phục; giám đốc âm nhạc - Quốc Trung; tổng đạo diễn - Mr LEGO… với sự tham gia trình diễn của ca sĩ Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh và nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn.
Cảm xúc mới thì ca khúc không bao giờ cũ
* Nhiều năm hát nhạc Văn Cao, Trịnh Công Sơn, chị còn thực sự thấy mình tràn đầy xúc cảm mỗi lần bước lên sân khấu với những nhạc phẩm quen thuộc này?
- Lần đầu tiên tôi hát nhạc Văn Cao là năm 1993. Còn nhạc Trịnh, tôi được biết từ khá nhiều năm trước đó, nhưng tôi chưa tự tin hát nhạc của ông cho tới năm 2001. Vì thời đó, quanh ông nhiều “sao” và nhiều bóng hồng quá, tôi không muốn mình cũng lao vào nơi đã đông người ấy.
Bản thân tôi, mỗi lần cầm micro lên sân khấu là như quên hết, chỉ còn bài hát trong đầu. Hát những Suối mơ, Thiên thai… đến hàng trăm, hàng nghìn lần nhưng bao giờ tôi cũng tràn đầy cảm xúc.
* Chị từng không tin mình hát được nhạc Trịnh ư?
- Đó không chỉ là vấn đề của niềm tin. Không thích làm thì né thôi. Tính tôi bướng và lì từ bé. Tôi vốn không thích đám đông, thậm chí, thích ngược chiều đám đông. Bởi thế mà tôi cứ tự tách mình đứng xa xa để nhìn ngắm mọi người hát nhạc Trịnh.
* Đến giờ, trong âm nhạc, chị vẫn thích làm theo cách của riêng mình?
- Đúng vậy. Đơn cử như việc tôi hát nhạc quê hương theo cách của mình. Tôi thực hiện một album với hai phiên bản: tiếng Bắc và tiếng Quảng Nam. Từ trước tới nay, tiếng Quảng Nam quê tôi bị mặc định là chỉ để hát dân ca hay trình diễn tấu hài. Chính tôi lúc đầu nghe hát giọng Quảng cũng mắc cười. Ví dụ bài Mưa rừng: Mưa rừng ơi mưa rừng, hạt mưa nhớ ai mưa triền miên…, người xứ Quảng không bao giờ nói từ “hạt” mà là “hột”. Cũng như “đàn” thì gọi là “đờn” vậy…
Bây giờ du lịch phát triển, người Quảng Nam cũng không còn nói tiếng Quảng Nam nữa mà nói giống người Đà Nẵng để thuận tiện trong giao tiếp… Tôi là người con xa quê, thấy thế thì buồn vì ngôn ngữ địa phương chắc sẽ dần mai một. Nhưng tôi thương giọng nói đó, nghe nói mới chân thành, thật thà làm sao dù có câu: “Quảng Nam ăn cục, nói hòn/ Ăn to nói lớn”… Vì thế, những phương ngữ cổ của người Quảng sẽ xuất hiện trong album, là một tiếng nói góp phần bảo tồn nét văn hóa riêng này.
* Chỉ hát những bài nhạc cũ của Văn Cao, Trịnh Công Sơn mà không có sự "làm mới", có bao giờ chị cảm thấy... chán chính mình?
- Ca khúc cũng như cảm xúc đều cần sự chung thủy chứ. Có những ca khúc cần thay đổi theo thời gian, nhưng tôi tin, đó không phải là cách ứng xử văn minh với nhạc Văn Cao hay nhạc Trịnh.
Theo bạn, chỉ một câu: Em yêu anh, bạn có thể nói với bao nhiêu sắc thái? Có thể là 100 hay 1.000 kiểu “Em yêu anh” khác nhau. Vì thế, ca khúc cũ mà cảm xúc luôn mới thì không bao giờ cũ cả.
Đêm diễn hòa vốn, với tôi là lãi lớn
* Thời gian gần đây, Ánh Tuyết thường xuyên trở lại các sân khấu biểu diễn tại Hà Nội. Lý do là gì vậy?
- Tôi thích ra Hà Nội hát, thích cách thưởng thức của khán giả Hà Nội - một sự thưởng thức mà tôi cho là trọn vẹn. 21 tuổi tôi chưa phải là ca sĩ thành danh, vậy mà khi tôi hát Viếng lăng Bác ở rạp Đại Nam - Hà Nội, khán giả vỗ tay không ngớt. Đi hát nhiều, tôi chỉ cần nghe tràng pháo tay của khán giả là đoán biết được xúc cảm của họ.
* Lần này, tâm thế của một người đi hát đơn thuần và với một "bà bầu" ra tay kinh doanh đêm nhạc ở Hà Nội như những năm trước khác nhau thế nào?
- Khác nhiều chứ! Với vai trò ca sĩ, tôi chỉ phải chuyên tâm vào việc hát. Trong khi đó, ở vị trí của người tổ chức biểu diễn, tôi phải lo từ A đến Z, rất vất vả. Nhưng bù lại, tôi được làm những điều mình muốn làm và muốn đem tới cho khán giả, từ thiết kế sân khấu, sắp xếp ca sĩ, kể cả ca sĩ chưa nổi tiếng nếu tôi cảm thấy người đó hát tốt…
* Nhưng để đổi được niềm vui đó, chị cũng phải đánh đổi khá nhiều, vì tôi được biết, nhiều chương trình chị làm vẫn khó bán vé?
- Hòa vốn mà được hát với tôi là lãi rồi, lãi lớn lắm rồi. Tôi không có áp lực phải đặt lợi nhuận lên hàng đầu. Tôi vốn thích tung hoành hơn trong nghệ thuật.
Tôi không phải dạng người “ăn chơi, đua đòi”, không thích trưng hàng hiệu, xế xịn với thiên hạ. Tôi vẫn đi taxi, tiện thì chạy xe máy hoặc có thể là xe ôm. Tôi không quan tâm nhiều tới hình thức. Tôi khá an phận và thích thú với việc chăm bẵm cho nghệ thuật mình theo đuổi. Công ty và phòng trà lúc còn hoạt động ở trong tình trạng đủ sống. Tôi không phải cố để nó sinh lãi.
Hồi mới đi hát, tôi từng nghĩ, thôi bỏ hát đi, cực quá. Có tối chạy show 6-7 tụ điểm, để kịp giờ phải chạy xe máy bạt mạng, mà cát-sê hồi đó vài chục ngàn đồng ít ỏi. Đêm nào về nhà cũng thở phào, may mà không tai nạn. Tôi từng sống rất khó khăn, từng đi bán cơm hay gánh cá ra chợ bán, nên tôi luôn nghĩ mình phải cố gắng. Khi may mắn có được ngày hôm nay, tôi lại nghĩ tới những người kém may mắn hơn mình. Một niềm vui mà tôi ít chia sẻ - từ thiện - nhưng mang lại cho tôi hạnh phúc.
* Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!
Hoàng Lê (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất