09/05/2013 10:05 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - “Không có gì mới’- Đó là nhận xét của Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Hồ Anh Tuấn, trong buổi lễ tổng kết 1 năm thực hiện Chỉ thị 65 về chấn chỉnh hoạt động tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang. "Không có gì mới" muốn nói đến những vấn đề sẽ phát sinh khi Chỉ thị này được ban hành chứ thực tế, những vấn đề cũ, vẫn còn rất nóng.
Ca sĩ Ánh Tuyết phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Trọng Thịnh
Khi Chỉ thị 65 được ban hành vào ngày 18/4/2012 tính đến nay cả nước mới thống kê được duy nhất một trường hợp là ca sĩ Cao Thái Sơn "dùng băng, đĩa hay các phương tiện kỹ thuật khác thay thế giọng hát thật" và đã bị phạt 4,5 triệu đồng. Theo ông Võ Trọng Nam - Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL TP.HCM - thì tình hình hát nhép đang được cải thiện rõ rệt và có rất nhiều mặt tích cực.
Xử phạt hát nhép: không dễ
Tuy vậy, ca sĩ Ánh Tuyết cho rằng thực trạng hát nhép vẫn còn tồn tại rất lớn và có thể thấy ở bất cứ đâu. "Ngay như bản thân tôi, tham dự trong một chương trình ca nhạc rất lớn và cả một chương trình chỉ có mỗi mình tôi là hát thật còn tất cả các ca sĩ tham dự khác đều nhép".
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam - nói thẳng rằng đây là một thực trạng bất công cho những người làm nghề chân chính bởi hát nhép đang làm giảm đi chất lượng âm nhạc và mất đi bản chất phục vụ công chúng, những người bỏ tiền đi nghe hát mà lại nghe không đúng chất lượng. "Ca sĩ bây giờ ghê lắm, Chỉ thị này sẽ rất khó bắt được họ. Thế nào là hát nhép? Nếu họ hát thật trên nền nhạc thu sẵn thì có coi là nhép hay không, nếu họ hát chồng lên bài hát thì tính thế nào? Tôi từng thấy có những ca sĩ hát 2 bài, bài hát thật và bài hát "chết" rồi cuối cùng chẳng ai phát hiện ra".
Ca sĩ Ánh Tuyết lại tiếp tục hâm nóng hội nghị bằng lời tâm sự: "Có nhiều chương trình hát xong tôi bị nhiều người chê là hát dở nhất chương trình nhưng đâu có ai hiểu rằng cả chương trình có mình tôi hát thật mà như vậy là bất công quá, ai cũng mở đĩa lên thì sao so sánh như vậy được? Những người làm nghề thật sự như tôi đòi hỏi phải có công bằng. Cả một năm nay tôi thấy khâu kiểm tra quản lý hết sức bất cập. Những vụ lùm xùm mà Sở phải nhảy vào thì tất cả đều do từ báo chí khui ra, chứ thật sự Sở chưa phát hiện một vụ nào. Một ca sĩ đi hát một đêm vài chục triệu trong khi xử phạt chỉ tối đa 5 triệu thì răn đe được ai. Tôi dám chắc bất kỳ ca sĩ nào cũng biết chỉ thị 65 này…”.
Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, ông Nguyễn Đăng Chương cho rằng, Chỉ thị 65 đã có những mặt tích cực nhưng tiêu cực không phải là không có mà nguyên nhân chính là do những cơ quan quản lý văn hóa buông lỏng, chưa làm tốt công tác hậu kiểm và thậm chí nhiều nơi, cán bộ vòi vĩnh doanh nghiệp, gây khó khăn cho những nhà tổ chức.
Đây là những vấn đề đã hết sức cũ nhưng vẫn nóng mà chưa thật sự được giải quyết triệt để.
8 tháng phạt gần 75 triệu đồng
Theo Cục trưởng Nguyễn Đăng Chương thì từ tháng 8/2012 đến tháng 4/2013 tổng số tiền phạt của 63 tỉnh thành vi phạm Chỉ thị 65 là 74.570.000 đồng, một con số hết sức khiêm tốn so với những vi phạm xảy ra ở hầu hết ở các địa phương. Trong danh sách 63 tỉnh thành có những sai phạm về quản lý hoạt động biểu diễn nghệ thuật thì nhiều nhất là Hải Phòng, Bến Tre, Long An (mỗi nơi 7 vụ, trung bình mỗi tháng gần 1 vụ). Đó là những con số thống kê được còn rất nhiều vụ chưa thống kê bởi thiếu bằng chứng và cũng bởi không nhận được báo cáo.
Theo Phó Chánh Thanh tra Bộ VH,TT&DL, Phạm Xuân Phúc, càng ngày các doanh nghiệp tổ chức biểu diễn càng “tinh vi” bởi họ biết lách luật. Khi họ bị xử phạt, bị tước giấy phép kinh doanh thì chẳng bao lâu sau đó họ thành lập doanh nghiệp mới một cách rất dễ dàng. Và vì thế ngày càng nhiều các chương trình biểu diễn diễn ra không đúng với nội dung xin phép.
Năm 2012 chỉ có vài vụ được đưa ra ánh sáng và mức phạt cao nhất mới chỉ là 30 triệu đồng (Công ty TNHH Nhà hàng Blanchy Tash tổ chức cho người nước ngoài biểu diễn nơi công cộng mà không có giấy phép công diễn và quảng cáo rượu có độ cồn từ 30 độ trở lên). Có nhiều công ty khác có giấy phép tổ chức biểu nhưng lại kinh doanh giấy phép cho bên thứ hai để trục lợi. Chuyện này không phải là hiếm nhưng khi đụng sự cố mới được đem ra ánh sáng (vụ Công ty Thanh Phong tổ chức show ở Bến Tre nhưng lại mạo danh nghệ sĩ. Khi cơ quan chức năng vào cuộc thì công ty này khai rằng mình chỉ là nạn nhân của một ông bầu tại Bến Tre).
Ông Lê Thanh Liêm, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ VH,TT&DL nói rằng sắp tới sẽ có một dự thảo về Nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo. Theo đó, nâng mức xử phạt tối đa là 50 triệu đồng cho mỗi cá nhân vi phạm và 100 triệu đồng cho các tổ chức vi phạm. Bộ Tư pháp đang thẩm định dự thảo này để trình Chính phủ ban hành trong quý II/2013. Cũng cần biết rằng, chuyện thu tiền bản quyền cho mỗi chương trình ca nhạc đến nay vẫn chưa được áp dụng một cách khoa học nhất. Chỉ nội chuyện thu tiền bản quyền ngay khi vừa cấp giấy phép biểu diễn mà nhiều năm qua vẫn chưa được áp dụng vì chưa có hướng dẫn cụ thể. Nhiều ý kiến cho rằng để hạn chế tình trạng vi phạm bản quyền thì khi cấp phép hồ sơ, các sở văn hóa địa phương cần phải yêu cầu có thêm văn bản thỏa thuận quyền tác giả.
N. Minh
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất