Ca sĩ Tuấn Hiệp: Tôi hát không để tìm vị trí

07/01/2013 11:21 GMT+7 | Âm nhạc

(lienminhbng.org) - Ca sĩ Tuấn Hiệp, “học trò cưng” của NSND Quang Thọ, với tấm bằng tốt nghiệp Nhạc viện loại xuất sắc, với gần 10 phòng trà ca nhạc kinh doanh ở Hà Nội đã quyết định “Nam tiến” và theo đuổi dòng nhạc bolero.

Anh vừa ra mắt album vol.4 mang tên Nếu một ngày, trong đó có ca khúc Bài ca người kỹ nữ lần đầu tiên được cấp phép phổ biển tại Việt Nam. Clip Bài ca người kỹ nữ nhằm cảnh tỉnh lối sống một bộ phận giới trẻ và giới showbiz sau scandal các người đẹp, hoa khôi bị bắt trong đường dây bán dâm.

* Phơi bày mặt trái của giới showbiz trong clip "Bài ca người kỹ nữ", anh có ngại bị chính những người trong giới phản ứng?

- Tôi muốn lên án một lối sống thực dụng, buông thả. Đó là thực trạng chung của xã hội bây giờ chứ không phải của riêng giới nhạc.

Tôi thuộc và thích Bài ca người kỹ nữ từ rất lâu. Ca khúc này nổi tiếng ở Sài Gòn trước 1975. Rất nhiều nơi xin cấp phép phổ biến mà không được. May mắn, tôi gặp được nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 – người cùng thời với ba tác giả của ca khúc đó có bút danh là Trịnh Lâm Ngân. Cảm hứng sáng tác Bài ca người kỹ nữ từ câu chuyện có thật về một kỹ nữ từng yêu và nuôi một sinh viên Trường Y ăn học nhưng kết cục lại là bi kịch. Cái kết của ca khúc rất đắt: Người đời vô tình em sẽ về đâu?

Tôi quay clip đúng thời gian vụ hoa khôi Mỹ Xuân bị bắt khi tham gia đường dây mại dâm nên muốn gửi tới giới trẻ lời cảnh tỉnh. 

* Anh từng chia sẻ rất tâm huyết với phòng trà nhạc xưa ở 92 Trấn Vũ (Hà Nội). Lý do đóng cửa phòng trà này là gì?

- Công ty một tháng phải đạt doanh thu 650 triệu đồng mới đủ tiền trang trải. Ngày 20 hằng tháng mà tài khoản mới chỉ có 300 triệu đồng là tôi mất ngủ. Nói thế để bạn hình dung kinh doanh nó khủng khiếp thế nào? Kinh doanh phòng trà bây giờ không hề dễ. TP. HCM đường nào cũng có phòng trà. Hà Nội thiên về văn hóa gia đình, đi làm về người ta ở nhà, khác với TP. HCM. Giờ, tôi còn lưu gần 1.000 số điện thoại của khán giả. Thỉnh thoảng có người vẫn gọi điện đặt chỗ. Nghĩ cũng buồn. Nhưng thời điểm này tôi chấp nhận. Một lúc nào đó thích hợp thì sẽ làm lại.

* Là “học trò cưng” của NSND Quang Thọ, gần 10 năm kinh doanh phòng trà ca nhạc, giờ làm lại từ đầu, anh có cảm thấy tiếc vì sự lựa chọn của mình?

- Khi học trong trường, tôi có thuận lợi được nhiều thầy cô ưu ái. Tôi biết giọng hát của mình phù hợp với những gì Hà Nội đang thiếu. Vừa rồi ra Hà Nội, được xem vở opera kinh điển Cô Sao, thế mà vẫn cố phải nghe xem các nghệ sĩ hát gì. Khi nghe Cô Sao, tôi càng thấy quyết định của mình là đúng. Vì người Việt không phù hợp với opera. Nhạc kịch ở VN thường là để mời nên những đêm nhạc này toàn người làm nghề đến nghe nhau hát… Vừa rồi, tôi làm live show riêng ở phòng trà Opera Hà Nội, 20h đã phải tắt điện thoại vì nhiều bạn bè không có chỗ vào ngồi. Tới TP. HCM, tôi cũng gặp nhiều thuận lợi vì nhiều chủ phòng trà đã biết tên mình.

* Anh có quyết “định cư” tại TP. HCM?

- Tôi không bỏ Hà Nội được. Hà Nội là quê hương thứ hai, nơi thổi hồn cho cảm xúc ca hát. Hà Nội quá đẹp. Người Hà Nội hát tình ca rất hay, từ Ý Lan, Tuấn Ngọc… thế hệ sau này như Lệ Quyên…

* Giữa những thế hệ hát tình ca này, anh nghĩ mình ở vị trí nào?

- Tôi hát không để tìm vị trí. Bất kỳ phòng trà nào mời hát, điều đầu tiên tôi đều nói muốn hát nhưng không muốn phụ thu. Nhiều ca sĩ hát phòng trà cho rằng giá phụ thu thể hiện “đẳng cấp” của họ. Thực tế, người yêu nhạc xưa không nhiều tiền, có thể chỉ đủ tiền uống ly nước. Tôi hát không để phấn đấu đạt một vị trí nào cả. Thậm chí, tôi cũng không đặt cát-xê là bao nhiêu. Thấy các chủ phòng trà tôn trọng mình thì tiếp tục hợp tác chứ tôi không muốn cò kè. Có ca sĩ nào hát để trở thành đại gia đâu? Có cơ hội được hát là vui rồi.

* Chứng kiến nhiều cuộc Nam tiến, rồi lại trở về Hà Nội, như: Minh Quân, Tuấn Hưng… Hình như sau những cuộc ra đi, hóa ra nơi tốt nhất lại chính là điểm xuất phát thì phải?

- Hai ca sĩ đó đều có bước đi đúng: Tuấn Hưng có tiếng từ TP.HCM, về Hà Nội là về với gia đình chứ mảnh đất màu mỡ vẫn là TP.HCM. Minh Quân tạo dựng được tên tuổi ở Hà Nội. Tôi không bao giờ nghĩ sẽ ở hẳn TP.HCM hay Hà Nội. Hơn nữa, việc di chuyển giữa hai thành phố này giờ cũng khá thuận lợi

* Cuộc “Nam tiến” của anh có liên quan tới mối thân tình với nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9?

- Tôi may mắn gặp và thân thiết với vị nhạc sĩ này. Ông muốn tôi tới Sài Gòn để hát cho mọi người nghe và bảo, nếu không vào là có lỗi với khán giả trong đó. Vì thế, đó là động lực giúp tôi tự tin hơn tại chính cái nôi của dòng nhạc bolero này.

Hoàng Lê (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm