31/08/2014 06:08 GMT+7 | Bóng đá Việt
(lienminhbng.org) - Nếu lấy SEA Games 15 (Malaysia 1989) là cái mốc, thì Thể thao Việt Nam đã tròn 25 năm trở lại, hội nhập với đấu trường thể thao quốc tế. Từ chỗ "đi tắt, đón đầu" nhằm thâu tóm huy chương, thì nay, bài toán vị thế đang thách thức cả nền thể thao quốc gia với lời giải nằm ở tương lai mà những Ánh Viên, đội tuyển bóng đá U19 nam đang là những "cú hích".
Báu vật của... trời!
Không quá lời khi ví Ánh Viên và đội tuyển bóng đá U19 giống như những "báu vật", bởi sau quãng thời gian bùng nổ với chiến lược "đi tắt, đón đầu" cả nền thể thao đang có xu hướng chững lại, nếu không muốn nói là đi xuống, thì đây là 2 điểm sáng không chỉ về thành tích chuyên môn, mà còn vãn hồi cả niềm tin, lẫn kỳ vọng của người hâm mộ nước nhà.
Nếu như Ánh Viên đại diện cho sự phát triển cơ bản và bền vững hơn của thể thao Việt Nam tại môn thể thao cơ bản nhất là bơi lội, thay vì những mũi nhọn như: bắn, võ vật, cờ... thì lứa U19 lại là điểm sáng mới cho một nền bóng đá "nghiệp dư gắn nhãn chuyên nghiệp" vốn đang chìm trong tiêu vực.
Chỉ có điều cả hai báu vật này lại chưa hẳn là thành quả từ bước đi mới của nền thể thao mà nó giống như... từ trên trời rơi xuống, nếu nhìn vào những bước "ra ràng" của cả Ánh Viên lẫn U19. Kình ngư trẻ đất Tây Đô, được phát hiện từ giải phong trào với những tố chất cực hiếm và ngay khi lên đội tuyển ở đội tuyển 15, Ánh Viên đã tìm được chỗ đứng trên đường đua xanh khu vực.
U19 Việt Nam được đánh giá là đốm sâng hiếm hoi của bóng đá Việt Nam hiện nay. Ảnh: Phương Nam
Một chiến dịch đầu tư kiểu "gà nòi" với hàng tỷ đồng được rót riêng cho nữ kình ngư này thông qua các chuyến tập huấn dài hạn tại Mỹ, để tính từ năm 2011 tới nay, cứ mỗi lần xuống nước, Ánh Viên lại mang về kỳ tích mới. 2012 là các chức vô địch Đông Nam Á lẫn 2 tấm huy chương lịch sử ở giải châu Á cùng suất chính thức đầu tiên tham dự Olympic London cho bơi lội Việt Nam.
2013 là 3 HCV SEA Games 27 và 3 HCV Đại hội thể thao châu Á. 2014 này là kỷ lục 9 chức vô địch giải Đông Nam Á và gần nhất là chức vô địch cũng đi vào lịch sử tại Olympic trẻ thế giới.
U19 cũng là câu chuyện tương tự. Đây chẳng hề là đội tuyển trẻ được đào tạo bài bản từ VFF hay ngành thể thao mà là sản phẩm riêng của bầu Đức trong chương trình hợp tác với Arsenal để mở ra Học viện bóng đá. Sau quãng thời gian được tuyển chọn, huấn luyện chuyên nghiệp, chỉ ngay trong lần tham dự giải quốc tế đầu tiên - Giải vô địch U19 Đông Nam Á, lứa U19 này ngay lập tức nhận được sự quan tâm lớn từ người hâm mộ nước nhà khi trình diễn thứ bóng đá đậm chất kỹ thuật và cực kỳ fairlay.
Vẫn mới màn trình diễn ấy tại vòng loại giải U19 châu Á; Giải tứ hùng đầu năm 2014 và gần nhất là Cúp Hassanal Bolkiah, U19 thực sự trở thành niềm hy vọng mới của bóng đá Việt Nam.
Nhưng mới chỉ là... những cú hích
Có mặt trong đoàn Thể thao Việt Nam tham dự Asiad 17, ngay sau Olympic trẻ thế giới, Ánh Viên đã có mặt tại Hàn Quốc để sớm làm quen với đường đua Á vận hội.Cùng với: Hoàng Xuân Vinh (bắn súng), Thạch Kim Tuấn (cử tạ), Vũ Thị Hương (điền kinh)... Ánh Viên chính là 1 số những kỳ vọng Vàng của Thể thao Việt Nam, sự kỳ vọng là hoàn toàn có cơ sở nếu nhìn vào những chỉ số chuyên môn có tính cạnh tranh cao.
U19 Việt Nam sau Cúp Hassanal Bolkiah cũng trở về Hà Nội để chuẩn bị cho giải U19 Đông Nam Á mở rộng khởi tranh vào ngày 3/9 tới với những "liều thuốc thử" cao hơn nhiều - U19 Nhật Bản, U19 Australia để hướng tới cái đích xa hơn, lớn hơn - VCK U19 châu Á vào tháng 10/2014.
Chắc chắn cả Ánh Viên lẫn U19 còn mang về cho thể thao Việt Nam nhiều thành công hơn và nhiều niềm vui hơn, nhưng nếu nói thể thao nước nhà sẽ nâng được tầm vị thế nhờ họ thì e là đặt lên vai những cô gái, chàng trai còn chưa đến 19 tuổi những cái gánh quá nặng. Đơn giản, họ chỉ là những "cú hích" về mặt thành tích, chứ không hề nâng được tầm cho một nền thể thao quốc gia.
Thể thao Việt Nam cần nhiều hơn những Ánh Viên và không chỉ ở 1 môn bơi lội mà nhiều môn thể thao cơ bản khác. Cũng như thế, bóng đá Việt Nam, nói như HLV lão luyện Lê Thụy Phải phải cần tới... 100 đội U19 như thế này mới có thể thực sự đạt tới tầm châu lục một cách bền vững.
Rõ ràng, những báu vật từ trên trời như thế thực sự là "cú hích" lớn, nhưng để biến "cú hích" ấy trở thành động lực phát triển cho thể thao Việt Nam còn là bài toán khó bởi xét cho cùng thì cả Ánh Viên và đội tuyển U19 Việt Nam thực chất là kết quả của cách đầu tư theo kiểu "gà nòi" thời thể thao chuyên nghiệp.
Hàng tỷ đồng đã được đổ ra để đầu tư cho những chuyến tập huấn dài hạn của Ánh Viên tại Mỹ; bầu Đức chưa bao giờ nói về kinh phí để có được lứa U19 tài năng như hiện tại, nhưng chắc chắn là con số lớn, cực kỳ lớn. Dĩ nhiên, đó là số kinh phí chỉ để dành cho "gà nòi" chứ không thể là cái mức chung cho cả nền thể thao lẫn cả nền kinh kế còn khó khăn như hiện tại.
Khó chuyện "đầu tiên"
Chẳng cần phải có quá nhiều kiến thức lẫn sự hiểu biết sâu chuyên môn về thể thao, thì ai cũng nhận thấy rõ - Thể thao Việt Nam muốn vươn lên, chiếm lĩnh những đỉnh cao mới đều phải trông vào lớp trẻ. Và thực tế hiện nay, công tác đào tạo trẻ cũng đã được chú trọng nhiều hơn, chỉ có điều, khó nhất vẫn cứ là chuyện "tiền đâu"
Đơn cử như trường hợp của Ánh Viên, theo thông tin từ ngành thể thao, thì toàn bộ số kinh phí mỗi năm chi cho chuyến tập huấn tại Mỹ đã lên tới hơn 2 tỷ đồng, nhưng chẳng thấm tháp gì... khi chỉ đủ tập huấn chỗ "tầm tầm", thậm chí thày trò còn phải tự lo cho nhau.
Song 2 tỷ đồng lại là gánh nặng, trong đó ngành thể thao được được đơn vị chủ quản của Ánh Viên là Quân đội hỗ trợ tới 1 nửa. Rồi số tiền chi cho Ánh Viên 1 năm, thậm chí còn cao hơn cả ngân sách chi cho cả 1 bộ môn thể thao thi đấu quốc tế. 1 Ánh Viên còn vậy, chứ nếu có nhiều Ánh Viên hơn, chả biết lấy ngân sách từ đâu ra.
U19 cũng là sản phẩm riêng của bầu Đức vốn giàu có, chứ thử hỏi có bao nhiêu ông bầu trong nướ chịu đầu tư từ lớp "măng non" như thế. Ngay cả các đội bóng hiện tại, duy trì chơi đỉnh cao lúc này cũng còn khó, huống hồ là việc bỏ tiền nuôi các đội bóng trẻ. VFF cũng không là ngoại lệ, khi đang đối mặt với khó khăn thời kinh tế khủng hoảng.
Khó vì tiền như nhiều ngành nghề khác, nhưng với thể thao còn khó hơn khi là ngành thụ hưởng ngân sách lẫn trông chờ vào xã hội hóa các hoạt động chuyên môn. Nói khó là vậy.
V.M
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất