31/08/2014 18:30 GMT+7 | Bóng đá Việt
(lienminhbng.org) - “Tôi không cho rằng những nhà làm bóng đá chuyên nghiệp không ý thức vai trò của phong trào đâu, bởi “cây phải có gốc, nước có nguồn”, phong trào mạnh thì mới hy vọng chuyên nghiệp mạnh lên được. Chẳng qua là họ chỉ lăm lăm nghĩ tới quyền lợi và nhu cầu khẳng định quyền lực…”, ông bầu đội bóng phong trào Bắc – Trung – Nam, Phùng Đức Hiển chia sẻ với Thể thao&Văn hóa Cuối tuần.
CLB có tuổi đời đến 30 năm, Ông Phùng Đức Hiển, còn có biệt danh là Hiển “ống nước”, còn đội bóng Bắc-Trung-Nam của ông thì đã có tuổi đời ngót 30 năm.
Làm kinh tế dễ hơn làm bóng đá
* Có phải vì nghĩ đến "cái gốc" như thế mà ông Phùng Đức Hiển vừa bán ống nước, vừa nuôi mấy đội bóng đá phong trào?
- À, chả là sau khi về nước (ông Hiển từng có hơn 10 năm học tập và làm việc tại Tiệp Khắc (cũ), sau ngày đất nước thống nhất cho đến đầu những năm 90 thì trở về - PV), tôi phát hiện ra rằng, bất động sản là ngành kinh doanh béo bở. Tôi “trúng vài quả”, mà không phải bằng tiền vay ngân hàng, nên “phất” luôn.
Nhưng nói thật, làm kinh tế dễ hơn làm bóng đá, bởi bạn chỉ cần có tầm nhìn khoảng chục năm, là có cơ hội thành công; trong khi bóng đá như sự nghiệp trồng người vậy, cần đến nhiều chục năm, nhiều thế hệ. Tôi có chút nhanh nhạy với cơ chế thị trường và phải thừa nhận, có cả may mắn nữa. Điều đó giúp tôi thành công trên rất lĩnh vực nên bỏ ra một chút để chơi bóng đá phong trào, có gì to tát đâu?! Quan trọng nữa mình cảm thấy vui vẻ, hoà đồng. Đá bóng ngoài niềm đam mê ra, thì nó cho mình sức khoẻ nữa.
* Anh đã từng giúp rất nhiều thế hệ cầu thủ, trong đó có cả các tuyển thủ quốc gia, tạo công ăn việc làm cho cả những người thầy của cầu thủ đang thuộc biên chế Bắc – Trung – Nam bây giờ?
- Tôi chẳng lấy điều đó làm tự hào làm gì cả! Từ thời đội còn mang tên Thanh niên Tân Bình, rồi Thành Nam (bầu Hiển “ống nước” sinh ra ở Nam Định, nên mới có cái tên Thành Nam FC như một cách nhớ về cội nguồn – PV) và bây giờ là Bắc – Trung – Nam (theo giải thích của ông “chủ tịch”, thì TP.HCM là nơi tích hợp – hội tụ cả 3 miền), rất nhiều những cầu thủ đã trưởng thành và có cơ hội phát triển nghề nghiệp ở mọi lĩnh vực, khi về chơi với đội. Một số thành danh với sự nghiệp “quần đùi áo số”, sau đó vẫn quay lại chơi. Bất cứ ai khó khăn, cứ nói, tôi có thể giúp đỡ trong khả năng có thể. Tôi là người trọng chữ tài!
Không thể nhảy thay điệu nhạc người khác
* Ngót 30 năm trôi qua, phải có đến hàng ngàn cầu thủ từng khoác áo các phiên hiệu đội bóng của… Hiển “ống nước”. Bằng cách nào ông có thể điều hành và duy trì một cái tên lâu đến thế, dù chỉ để chơi phong trào?
- Tôi cam đoan với nhà báo rằng, cầu thủ họ đến với Hiển “ống nước” không vì tiền, mà vì quý ở cái tình thôi. Cả ngàn cầu thủ từng về chơi với đội, không một ai gãy chân hay đứt dây chằng cả, bởi tôi cấm tiệt đá xấu, đá láo. Như Thiện Quang đấy, tuyển thủ quốc gia, mà lại đá bậy, đá láo, thì ai xem được, còn có thể nói được ai. Tôi cạch luôn!
Nói là quản lý và điều hành hơi quá, nhưng việc duy trì hoạt động của đội bóng, cũng như tham gia một vài giải đấu cho vui, lúc này, được chia sẻ với một vài anh em khác trong đội. Như anh thấy, ngồi cạnh tôi lúc này là anh Hùng từng đá Lâm Đồng, rồi Hùng “râu” Công an TP.HCM, Xuân Danh (Hải Quan)…, chúng tôi đến với nhau vì cái tâm, cái tình.
Trước đây, các đội bóng phong trào không nở rộ như bây giờ, các giải đấu cũng ít hơn, nhưng lại chất hơn. Ngày đó cũng không có cơ chế chuyển nhượng, anh nào có chút tài là được tuyến trên bốc lên ngay, đấy là một vinh dự. Hết giải hay giai đoạn nghỉ, họ lại quay về chơi với đội. Tiếng lành thì đồn xa, nói không ngoa, cứ nhắc Hiển “ống nước” thì TP.HCM không ai từng chơi bóng không biết.
* Cơ chế thị trường, bóng đá kim tiền lên ngôi vẻ như lúc này, người ta ít nhắc đến cái tâm, cái đức nhỉ?
- Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam đã và đang tạo vết thương lòng quá lớn với một bộ phận người hâm mộ. Chuyên nghiệp kiểu gì mà nay các ông bán độ, mai các ông ấy lại bán độ. Nuôi một cầu thủ từ khi còn trẻ, đến lúc đá chuyên nghiệp, nhọc công và tốn tiền lắm chứ. Đáng ra, các nhà quản lý và điều hành bóng đá chuyên nghiệp phải biết buồn khi nhìn những giải đấu phong trào còn đông hơn chuyên nghiệp, cả về số đội, người tham gia, nhà tài trợ lẫn khán giả. Nhưng họ thậm chí chẳng bận tâm đến điều đó, thế thì hỏng rồi.
* Đó là lý do Hiển “ống nước” không làm bóng đá chuyên nghiệp chăng? Anh có cao kiến gì gửi đến các nhà điều hành nền bóng đá, cũng như các giải đấu không?
- Không, nói thế không được đâu! Làm bóng đá chuyên nghiệp khó, khó lắm, khi tiềm lực tài chính của anh phải mạnh cỡ nào, rồi mới dám nghĩ tới nó được. Cơ chế chuyên nghiệp ngày xưa khắt khe hơn rất nhiều. Giờ thì đơn giản hơn rồi, có tiền là ra đội chuyên nghiệp, mua suất chơi, hết thì giải tán. Anh em mình ngồi đây, chỉ là đàm đạo cho vui thôi, chứ mình không thể nhảy thay điệu nhạc của người khác được. Chỉ mong các nhà quản lý bóng đá nước nhà, nhìn vào thực tế phát triển của phong trào để mà tìm thêm hướng đi cho bóng đá đỉnh cao thôi.
Cảm ơn anh về cuộc trao đổi!
“Ngay cả khi còn chơi đỉnh cao, rất nhiều anh em vẫn về chơi cho đội anh Hiển. Có thể kể đến như Trần Minh Chiến, Đinh Thanh Hải, Thiện Quang, Hồ Văn Tam, Hà Vương Ngầu Nại, Đặng Trần Chỉnh, Tô Văn An…, các cầu thủ của Hải Quan, Quân khi 7, Đá Mỹ Nghệ… Có cả Cảng, Hải Quan, Công An…, tập hợp hết về đội của anh Hiển “ống nước”, như tuyển TP.HCM vậy. Trước đây ông ấy “dữ” lắm. Giờ chắc do tuổi tác, anh ấy chậm hơn rồi đấy”, Xuân Danh, cựu cầu thủ Cảng Sài Gòn thuộc thế hệ “đàn em”, nói về ông bầu và đội bóng mà anh từng gắn bó cũng đến trên dưới… 20 năm. |
CCKM (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất